Tờ "Tin tức Bành Bái", tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 6 và ngày 7 tháng 11 dẫn hãng tin Kyodo Nhật Bản cho biết, sáng ngày 6 tháng 11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani |
Hai bên đã đạt được đồng thuận về việc tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đậu ở căn cứ hải quân Việt Nam - vịnh Cam Ranh, nơi rất gần tuyến đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông.
Dự kiến, trước sau đầu năm 2016, Nhật Bản sẽ điều tàu chiến tham gia nghi lễ mở cảng được xây dựng ở căn cứ này.
Trước đó, ngày 5 tháng 6, ông Gen Nakatani đã "khảo sát" căn cứ hải quân vịnh Cam Ranh. Chuyến thăm lần này của ông Gen Nakatani ngoài thăm quan cơ sở cảng đang xây dựng và có thể tiếp nhận tàu chiến nước khác, ông cũng đã lắng nghe giới thiệu của cán bộ Quân đội Việt Nam về giáo dục hải quân.
Sau khi kết thúc thăm vịnh Cam Ranh, khi trả lời phỏng vấn ở một khách sạn tại Hà Nội, ông Gen Nakatani cho biết: "Đã tăng cường hiểu biết đối với tầm quan trọng của vịnh Cam Ranh".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani |
Hành động này của ông Gen Natakani được tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 6 tháng 11 cho là có ý định tăng cường quan hệ với Quân đội Việt Nam.
Theo bài báo, đây là lần tiếp theo quan chức cấp cao Nhật Bản thăm căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh, sau cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera.
Vịnh Cam Ranh là cứ điểm quan trọng ở miền trung Việt Nam, cách quần đảo Trường Sa khoảng 460 km, có thể nhìn quần đảo này từ xa.
Vịnh Cam Ranh là vịnh nước sâu, có thể đậu tàu sân bay, được cho là một trong những cảng nước sâu tốt nhất thế giới, nó đồng thời nằm ở tuyến đường hàng hải quan trọng kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, có giá trị chiến lược cực kỳ quan trọng.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quanh Thanh cùng người đồng cấp Nhật Bản duyệt đội danh dự tại lễ đón |
Do vị trí địa lý của vịnh Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược to lớn, các nước như Mỹ cũng rất coi trọng khu vực này. Các nước Pháp, Nhật Bản, Mỹ từng lần lượt sử dụng vịnh Cam Ranh làm căn cứ hải quân hoặc mục đích quân sự.
Là một trong những điều kiện quan trọng của liên minh Việt-Xô, năm 1979, Việt Nam bàn giao căn cứ vịnh Cam Ranh cho Liên Xô sử dụng, hai bên Việt Nam và Liên Xô đã ký kết hợp đồng cho thuê dài 25 năm.
Năm 2001, tầng lớp lãnh đạo Nga quyết định không tiếp tục kéo dài hiệp ước với Việt Nam, người lính Nga cuối cùng đã rút khỏi vịnh Cam Ranh vào tháng 5 năm 2002.
Tháng 9, sau khi thông qua Luật bảo đảm an ninh mới, Nhật Bản chính thức dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, Lực lượng Phòng vệ có thể điều quân ra nước ngoài.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quanh Thanh chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani |
Hãng Kyodo cho rằng, sau khi điều hạm đội tham gia buổi lễ mở cửa, Nhật Bản có thể chỉ tiến hành tuần tra biển xa chứ không triển khai hoạt động tuần tra chính thức.
Trong hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng đã xác nhận Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Quân đội Việt Nam sẽ tiến hành huấn luyện trên biển lần đầu tiên trong lĩnh vực chi viện nhân đạo và cứu nạn thiên tai.
Hai bên còn thỏa thuận sẽ khởi động tham vấn công tác liên quan đến hợp tác công nghệ và trang bị phòng vệ, đồng thời mở rộng chi viện đối với nâng cao các năng lực phòng vệ như sử dụng lực lượng.
Hãng Kyodo cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh yêu cầu phía Nhật Bản cung cấp thêm tàu tuần tra, ông Gen Nakatani đã giới thiệu phương châm thúc đẩy "chủ nghĩa hòa bình tích cực" dựa trên Luật bảo đảm an ninh. Bộ trưởng Thanh cho biết, rất trông đợi Nhật Bản phát huy vai trò lớn hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quanh Thanh chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani |
Trong hội đàm, ông Gen Nakatani nhấn mạnh: "Vì sự ổn định của các vùng biển nối liền nhau như biển Hoa Đông, Biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sẽ tiến hành trao đổi ý kiến về bất cứ loại hợp tác quốc phòng nào giữa hai nước".
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: "Sẽ chung sức hợp tác vì sự phát triển và phồn vinh của hai nước".
Hãng tin Reuters Anh ngày 6 tháng 11 cũng quan tâm đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, cho rằng tàu chiến Nhật Bản thăm căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh có thể tiếp tục làm Trung Quốc tức giận, bởi nơi này gần với quần đảo Trường Sa - quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng Trung Quốc luôn tìm cách chiếm đoạt toàn bộ.
Cuối tháng 10 vừa qua, tàu khu trục USS Lassen Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm tại đây để khẳng định tự do hàng hải, đã khiến Trung Quốc giận dữ tím mặt tím mũi, bởi hành động này trực tiếp bác bỏ yêu sách tham lam "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc vẫn lời qua tiếng lại chỉ trích Mỹ.
Vịnh Cam Ranh nhìn từ trên cao (ảnh nguồn Đại công báo, Hồng Kông) |
Mặc dù Nhật Bản chưa thông qua hành động ở Biển Đông tương tự tàu chiến Mỹ để chọc giận Trung Quốc, nhưng vẫn đang phát triển quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines.
Việt Nam từng cho phép tàu thuyền của các nước khác như Mỹ và Nga đậu ở vịnh Cam Ranh, nhưng tàu thuyền nước ngoài thăm căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh thực sự hiếm hoi.
Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 1 tháng 11 thì cho rằng, Nhật Bản muốn điều tàu chiến đến đậu ở vịnh Cam Ranh của Việt Nam là để kiềm chế hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khi bị hỏi về tranh chấp Biển Đông ở Seoul, Hàn Quốc vào ngày 31 tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tỏ ra tức giận, hỏi lại: "Vấn đề Biển Đông liên quan gì tới Nhật Bản".
Ở căn cứ tàu ngầm vịnh Cam Ranh, Việt Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 6 tháng 11 năm 2015) |
Ông Vương Nghị hỏi lại câu này là thừa. Nhật Bản có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, cũng giống như Mỹ vậy. Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông, lại tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở biển Hoa Đông rõ ràng gây lo ngại cho Nhật Bản về nguy cơ bị Trung Quốc kiềm chế.
Theo bài báo, việc tàu chiến Lực lượng Phòng vệ được tiếp tế ở vịnh Cam Ranh, sẽ không còn phải chạy từ lãnh thổ Nhật Bản với quãng đường dài 2.000 km để tới Biển Đông.
Như vậy, để bảo đảm an ninh quốc gia của mình, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, chống lại mọi mưu đồ và hành động bành trướng, bá quyền, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước là hợp pháp, hợp lý, chính đáng và rất quan trọng. Đây không chỉ là nhu cầu của Việt Nam mà còn là nhu cầu của nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới - PV.
Ở căn cứ tàu ngầm vịnh Cam Ranh, Việt Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 6 tháng 11 năm 2015) |