Giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, là hành vi chà đạp luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc. |
Tờ Taiwan Daily ngày 16/5 dẫn phân tích của truyền thông phương Tây cho biết, vấn đề chủ quyền Biển Đông đã dậy sóng từ chỗ tranh giành nguồn lợi đánh cá đến động can qua, xâm lược cướp dầu, ảnh hưởng cả đến các doanh nghiệp Đài Loan đang làm ăn tại Việt Nam do bị lầm tưởng là người Trung Quốc.
Dẫn phân tích của tờ The Economist, Taiwan Daily cho biết chủ trương đường lưỡi bò, còn gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông dựa vào cái gọi là "chủ quyền lịch sử" không có căn cứ pháp lý quốc tế, là quan điểm lịch sử phiến diện, chủ quan của Bắc Kinh và lâu nay chưa bao giờ họ đưa ra được lời giải thích nào thuyết phục về chuyện này.
Hoạt động phản đối của người Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 bắt nguồn từ "hành vi ăn cướp" phi pháp của Bắc Kinh với những thủ đoạn thâm độc, "phùng má trợn mắt".
Taiwan Daily dẫn tiếp phân tích trên tờ Deutsche Welle của Đức cho biết, sau khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 (trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam), Việt Nam đã lập tức phản ứng mạnh mẽ.
Từ những thông tin cơ quan chức năng Việt Nam công bố cho thấy có hơn 50 tàu Trung Quốc (thực tế hiện nay đã hơn 90 tàu các loại, có cả tàu quân sự) bao vây bảo vệ giàn khoan 981, dùng vòi rồng và thủ đoạn đâm thẳng vào tầu tuần tra Việt Nam để xua đuổi.
Thứ Hai vừa quan (12/5), Trung Quốc đã phái cả chiến đấu cơ bay ra khu vực giàn khoan 981 để bảo vệ các hoạt động (bất hợp pháp) của giàn khoan này.
Taiwan Daily dẫn nguồn trang Wikipedia cho biết, ngay từ thế kỷ 17, thế kỷ 18, triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam đã bắt đầu các hoạt động khai thác tài nguyên trên quần đảo Hoàng Sa, đến đầu thế kỷ 19 nhà Nguyễn chính thức xác lập chủ quyền đối với quần đảo này. Tuy nhiên năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa và chiếm đóng (bất hợp pháp) từ đó đến nay.
Tại sao Trung Quốc mỗi lần đưa ra yêu sách "chủ quyền" ở Biển Đông là đều vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nước láng giềng? Dẫn phân tích của Reuters, Taiwan Daily cho rằng nguyên nhân nằm ở chính đường lưỡi bò bất hợp pháp đòi chiếm 90% diện tích Biển Đông, tương đương 36% lục địa Trung Quốc và đường lưỡi bò ấy đã đâm cả vào "một dải ruột gan" của các nước Đông Nam Á ven Biển Đông.