Bảo hiểm xã hội tự nguyện là “của để dành” khi về già của người lao động

17/10/2023 14:33
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu 30.000 người trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước mang nhiều ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho người làm nông nghiệp hoặc làm các công việc tự do có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, duy trì cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động,…

Hiểu được lợi ích bảo hiểm xã hội tự nguyện

Những người lao động không làm việc tại các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đưa lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động như được hưởng lương hưu và các chế độ liên quan khi đóng đủ thời gian theo qui định; được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian nhận lương hưu…Đây cũng được coi là “của để dành” của người lao động tự do lúc về già.

Theo chị Lương Thị Cương, trú tại khu 2, phường Trần Phú (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh), biết đến bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua việc tuyên truyền của Bảo hiểm xã hội thành phố Móng Cái cũng như nhân viên bưu điện, cán bộ phường, hiện, chị đang tham gia mức đóng 627.000 đồng/tháng.

Với mức đóng trên khi đủ số năm tham gia tối thiểu là 20 năm và đủ tuổi nhận lương hưu, chị sẽ được lĩnh trên 2.500.000 đồng/tháng.

Chị Cương chia sẻ, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn giúp người dân ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, bảo hiểm xã hội tự nguyện còn có rất nhiều điểm ưu việt như việc linh hoạt mức đóng.

Cụ thể, thời điểm người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu điều kiện kinh tế khó khăn có thể đóng ở mức thấp và khi kinh tế khá hơn có thể đề nghị thay đổi mức đóng để được hưởng mức lĩnh cao hơn khi hết tuổi lao động.

Không chỉ linh hoạt mức đóng mà phương thức đóng cũng đa dạng. Người dân có thể đóng hàng tháng, đóng 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, thậm chí là 5 năm một lần. Thời gian một lần đóng càng nhiều thì người tham gia sẽ càng có lợi.

Cũng theo chị Cương, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với chị chính là “của để dành” khi về già. Qua đó, giúp chị tự chủ được tài chính khi về già mà không phải làm phiền hay phụ thuộc vào con cái.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội và Bưu điện thành phố Hạ Long tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân (Ảnh: Dương Trường)

Cán bộ Bảo hiểm xã hội và Bưu điện thành phố Hạ Long tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân (Ảnh: Dương Trường)

Còn theo chị Vũ Thu Hồng, trú tại phường Hải Hoà (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh), mặc dù điều kiện kinh tế không khá giả nhưng gia đình chị vẫn cố gắng dành dụm số tiền kiếm được hàng tháng để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hai vợ chồng.

Hiện, vợ chồng chị Hồng đang tham gia mức đóng tối thiểu là 297.000 đồng/tháng. Khi đủ số năm tham gia tối thiểu là 20 năm và số tuổi theo quy định, chị Hồng sẽ nhận mức lương hưu là khoảng trên 1.200.000 đồng/tháng, chồng chị sẽ nhận mức hưởng gần 1.000.000 đồng/tháng.

Chị Hồng chia sẻ: “Trước đây, tôi không để ý đến bảo hiểm xã hội tự nguyện, phần vì thu nhập của hai vợ chồng còn phải lo toan, trang trải mọi chi phí trong gia đình, phần vì tâm lý lo lắng, chưa thật sự tin tưởng vào những lợi ích mà chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mang lại.

Sau khi được cán bộ tuyên truyền, giải thích cặn kẽ những lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện nên tôi bàn với chồng quyết định trích một phần thu nhập để tham gia.

Khi thực sự hiểu và quyết tâm tham gia tôi nhận thấy đây là một chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước mang lại lợi ích thiết thực cho những người lao động tự do như chúng tôi khi về già.

Đặc biệt, mức lương hưu mà tôi và chồng nhận được còn định kỳ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống, không lo việc đồng tiền bị mất giá”.

Nỗ lực tăng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Với những lợi ích to lớn mà bảo hiểm xã hội tự nguyện mang lại, việc gia tăng số người tham gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành bảo hiểm xã hội đang quyết liệt thực hiện.

Tại tỉnh Quảng Ninh, nhằm phát triển, khuyến khích người dân, người lao động tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần đảm bảo an sinh - xã hội về lâu dài, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ một phần chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người dân.

Cùng với chính sách chung của Nhà nước, từ năm 2023, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ đóng tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia trong 5 năm, giúp người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, nông dân được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và tỉnh.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2027, người dân đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 30% đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo và 20% đối với các đối tượng còn lại theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Kể từ ngày 1/1/2023, người dân thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hỗ trợ 60% tương ứng với số tiền là: 198.000 đồng đối với người thuộc hộ nghèo. Đối với người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 55%, tương ứng với số tiền là: 181.500 đồng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 30%, tương ứng với số tiền là 99.000 đồng.

Đây là chính sách riêng, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh nhằm hỗ trợ cho người dân, đồng thời mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Điều này góp phần tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Đồng thời, tạo động lực để người có thu nhập thấp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt đời sống nhân dân, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.

Nhờ chính sách nhân văn này, tính đến tháng 7/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh là 24.074 người. Số phát triển mới là trên 4.200 người.

Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đẩy mạnh việc thông tin về những chính sách hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh, cũng như tuyên truyền để người dân, người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần để được hưởng các chính sách liên quan khác như bảo hiểm y tế, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất...

Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện (Ảnh: Hải Ninh)

Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện (Ảnh: Hải Ninh)

7 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm xã hội và Bưu điện tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức 63 hội nghị cho 2.800 người để tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Đồng thời, tổ chức 1.139 nhóm nhỏ đi vận động, phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 16.261 người.

Tất cả các phường, xã trong tỉnh đều có các điểm thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân nắm bắt thông tin cũng như được tư vấn, giải đáp vướng mắc.

Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần tăng cường nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia bảo hiểm xã hội nói riêng.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu 30.000 người trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phạm Linh