Thực hiện Nghị quyết số 19 các năm 2014, 2015, năm 2016 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong năm 2016 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ngành bảo hiểm xã hội thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Nỗ lực cách cách hành chính
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay, cả nước có 75,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ bao phủ 81,7% dân số), 12,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, 11 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khoảng 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội, hằng tháng.
“Qua những con số đó, chúng ta có thể thấy rằng, khối lượng công việc của ngành bảo hiểm xã hội là rất lớn, áp lực ngày càng cao. Điều đó đòi hỏi toàn ngành phải hết sức nỗ lực, nhất là phải huy động được sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và người dân”, bà Minh khẳng định.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo bà Nguyễn Thị Minh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn coi trọng công tác cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Cụ thể, riêng trong năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cắt giảm từ 115 thủ tục xuống còn 33 thủ tục; giảm 56% số lượng hồ sơ; giảm 82% các chỉ tiêu trên tờ khai, mẫu biểu; giảm 78% quy trình, thao tác nghiệp vụ.
Các thủ tục hành chính được công bố kịp thời, công khai, minh bạch để người dân biết và thực hiện.
Đến năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tập trung rà soát bộ thủ tục hành chính của Ngành, trong đó trọng tâm là rà soát các thủ tục liên quan đến việc giải quyết và chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Trên cơ sở đó, đã cắt giảm thêm 1 thủ tục (từ 33 thủ tục xuống còn 32 thủ tục); giảm 38% thành phần hồ sơ; giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện…
Cũng trong năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, tổ chức khảo sát, đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thu nộp và chi trả bảo hiểm xã hội tại một số tỉnh, thành phố.
“Qua khảo sát, chúng tôi đã nhận được những đóng góp, phản hồi tích cực từ phía các đơn vị sử dụng lao động và người lao động đối với những cải cách của ngành bảo hiểm xã hội”, bà Minh cho biết.
Được biết theo đánh giá của nhiều đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp và người dân, việc giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội ngày càng thuận lợi hơn; chất lượng giải quyết công việc được nâng cao; thời gian giải quyết nhanh, kịp thời và nhất là luôn đảm bảo đúng, đủ quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Siết chặt kiểm soát chi, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế |
Theo bà Nguyễn Thị Minh những đánh giá trên của người dân, doanh nghiệp cho thấy ngành bảo hiểm xã hội đã rất nỗ lực, quyết tâm.
Điều đó đã thể hiện rõ qua việc ngành chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và cá nhân để cùng với ngành bảo hiểm xã hội vào cuộc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được ngành bảo hiểm xã hội triển khai có hiệu quả thể hiện bằng việc giảm thời gian giao dịch trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội theo đúng lộ trình; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; thực hiện nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để các đơn vị sử dụng lao động thực hiện như giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính; mở rộng hình thức chi trả qua bưu điện…
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ chỉ tiêu danh mục đầu ra dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bộ mã danh mục dùng chung đối với thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật, phục vụ hiệu quả cho công tác giám định bảo hiểm y tế theo hướng liên thông giữa các tuyến khám chữa bệnh.
“Điều quan trọng là đội ngũ cán bộ công nhân viên trong ngành đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao; thường xuyên trau dồi năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức trong thực thi công vụ. Điều đó đã nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan, đơn vị, người lao động và người dân” bà Minh cho biết.
Bí quyết từ nguồn nhân lực chất lượng
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nguồn nhân lực chất lượng đóng vai trò quan trọng.
"Nguồn nhân lực luôn là yếu tố quyết định sự thành bại của mọi công việc. Xác định rõ được vấn đề này, nên trong nhiều năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn coi trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tinh thần thái độ phục vụ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên trong Ngành.
Chúng tôi cũng xác định việc này cần phải được làm thường xuyên, liên tục, nhất là luôn có cơ chế động viên, khen thưởng, khích lệ mọi người cùng hăng say làm việc”, bà Minh cho biết.
Ngoài ra, để làm tốt việc này, cũng đòi hỏi một phần ở chính đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, mỗi cán bộ công nhân viên phải có tinh thần hăng say, niềm đam mê với công việc và khát khao cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phục vụ người dân.
Trao giải cho cuộc thi “Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp” - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội. |
Bên cạnh nguồn nhân lực tốt, theo bà Minh việc áp dụng Hệ thống giao dịch điện tử trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế cũng đóng vai trò quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.
“Hệ thống giao dịch điện tử trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội đến nay đã cơ bản hoạt động ổn định, giúp rút ngắn đáng kể thời gian và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khi thực hiện giao dịch, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính được nâng cao”, bà Minh đánh giá.
Theo người đứng đầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giám định bảo hiểm y tế cũng đã được triển khai quyết liệt.
Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã chính thức vận hành. Hiện nay, hơn 12.000 cơ sở y tế (trừ những cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa không có điện lưới, internet) đã thực hiện giao dịch và chuyển dữ liệu trực tiếp lên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.
“Hiện nay, ngành bảo hiểm xã hội đang phục vụ hơn 75 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Với tần suất khám chữa bệnh khoảng 140 triệu lượt người/năm thì việc giám định bảo hiểm y tế điện tử thực sự mang lại hiệu quả rất lớn.
Bởi, nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một chữ ký, nghĩa là cả nước sẽ bớt được 140 triệu chữ ký/năm; nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một dòng viết cũng có nghĩa cả nước sẽ bớt được 140 triệu đồng/năm…
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp ngành bảo hiểm xã hội kiểm soát được chặt chẽ từ khâu đầu vào, hồ sơ bệnh án, cho tới quá trình thanh quyết toán được chính xác, giúp đảm bảo đúng đủ quyền lợi cho người bệnh”, bà Minh cho hay.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam việc đưa vào vận hành hai hệ thống này không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, người dân, mà còn giúp ngành bảo hiểm xã hội tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Không tự mãn
Có thể nói với những kết quả mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được là rất tự hào, tuy nhiên theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh ngành bảo hiểm xã hội không được phép tự mãn với những kết quả đạt được.
“Nhiệm vụ của ngành bảo hiểm xã hội là phục vụ, nên toàn thể cán bộ công nhân viên vẫn phải tiếp tục nỗ lực hết mình để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ; phải luôn coi những kết quả đạt được trong thời gian qua chỉ là tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trên thực tế, chỉ cần một chút lơ là, chủ quan sẽ rất dễ dẫn đến sai lầm, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết chế độ chính sách”, bà Minh nhấn mạnh.
Gạt bỏ lao động lớn tuổi ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội |
Theo Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, yêu cầu đặt ra là lãnh đạo bảo hiểm xã hội các cấp phải luôn quán xuyến, sát sao với công việc; phải nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tinh thần thái độ của anh em trong cơ quan để có hướng chỉ đạo kịp thời.
Kiên quyết chống các biểu hiện, hình thức xa rời thực tế, chủ quan, duy ý chí. Phải tập trung mọi nguồn lực, từ con người cho đến cơ sở vật chất, để luôn thúc đẩy công việc phát triển theo hướng tích cực.
Về nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, ngành bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm hoặc đơn giản hóa các quy trình, thủ tục để vừa nâng cao hiệu lực, vừa đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân cũng như đảm bảo đúng, đủ quyền lợi chế độ chính sách cho những người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội.
Nêu những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, năm đầu tiên trong việc xây dựng Quốc gia khởi nghiệp của đất nước. Bà Minh cho biết, bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp cho mục tiêu chung mà Chính phủ đề ra bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp mới thành lập trong việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
Tăng cường tiếp cận tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời, động viên các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, qua đó ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là về tinh thần phục vụ trong thực thi công vụ, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội”, bà Minh nói.