Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngành Bảo hiểm xã hội đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt trong lĩnh vực khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp trong khai báo y tế điện tử, đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị giảm gánh nặng khi thực hiện tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra…
Phối hợp thanh toán chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, chế độ ốm đau
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) diễn biến phức tạp trên thế giới, ngày 28/01/2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 31/01/2020, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Để chủ động, chung tay phòng chống dịch Covid-19, ngay từ ngày 31/01/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 280/BHXH-CSYT gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân về việc phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị với trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Corona.
Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi nghi ngờ nhiễm virus Corona.
Đồng thời, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh của quý I/2020 đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là Bảo hiểm xã hội các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus Corona.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động xây dựng phương án chia sẻ dữ liệu y tế trong việc khai báo y tế điện tử phòng chống dịch Covid-19. |
Ngày 29/01/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Do đó, việc phòng, chống bệnh dịch này được thực hiện theo quy định với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Và theo Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 13/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất với Ban Chỉ đạo về vấn đề kinh phí điều trị với bệnh nhân mắc Covid-19.
Theo đó, người Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí trị bệnh, người không tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước chi trả.
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cùng với cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ lượng thuốc men liên quan đến việc khám chữa bệnh, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh.
Đặc biệt đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu khám chữa bệnh, ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19 còn những chi phí còn lại của người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả 100%.
Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí cho những người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus Corona.
Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả.
Theo Công văn số 505/BYT-BH của Bộ Y tế, trường hợp được miễn chi phí khám, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/12/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, bao gồm: Ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV; Ca bệnh có thể nhiễm nCoV; Ca bệnh xác định nhiễm nCoV.
Đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí đã được miễn.
Nếu điều trị tại nơi không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí khám chữa bệnh đã được miễn.
Người không có thẻ bảo hiểm y tế thì phải tự thanh toán chi phí điều trị bệnh khác.
Trường hợp người bệnh tự đi khám chữa bệnh được kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; Người không có thẻ bảo hiểm y tế phải tự thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ KCB.khám chữa bệnh.
Gần đây nhất, bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có văn bản chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thống nhất với ngành Y tế về vấn đề trong quy định cần bổ sung nguồn kinh phí đặc thù cho việc chống dịch bệnh.
Nếu các địa phương nhận thấy cần thiết phải có nguồn kinh phí phòng, chống và dập dịch thì cần sớm cho ý kiến để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chủ động nguồn kinh phí trong năm 2020 để phòng chống dịch bệnh.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19. |
Ngày 20/3/2020, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế việc tập trung đông người bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh, tránh lây lan dịch bệnh Covid-19, sau khi thống nhất với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 902/BHXH-CSYT hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thống nhất với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến huyện trở lên trên địa bàn như sau: đối với các trường hợp người bệnh được chẩn đoán mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… đang được các cơ sở khám chữa bệnh khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú theo hàng tháng, khi đến khám lại theo hẹn sẽ được cấp thuốc điều trị ngoại trú đủ dùng trong 02 tháng và hẹn khám lại cho người bệnh 02 tháng một lần nếu vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh và không ảnh hưởng tới liệu trình điều trị bệnh.
Hiện trên thế giới, mới chỉ có Trung Quốc chi trả toàn bộ phí xét nghiệm và điều trị cho người mắc Covid-19, một số nước khác chỉ miễn phí điều trị cho công dân mình hoặc miễn phí xét nghiệm.
Ở một số quốc gia phát triển, người bệnh mắc Covid-19 phải tự chi trả những chi phí điều trị rất đắt đỏ trong quá trình điều trị.
Cạnh đó, đối với người đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc bị viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona thì thời gian nghỉ việc để điều trị bệnh, có Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội do cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền cấp đúng, đủ nội dung theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên thì được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 26, Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội.
Thời gian nghỉ việc để thực hiện cách ly y tế phòng dịch không phải là trường hợp ốm đau, do vậy không được hưởng chế độ ốm đau.
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang xin ý kiến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về nội dung này, trường hợp có hướng dẫn khác thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện theo hướng dẫn.
Theo số liệu trên Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế cập nhật đến 15h00’ ngày 20/3/2020, số liệu khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế toàn quốc tính từ 01/01/2020 đến 20/3/2020 như sau: Tổng số lượt khám chữa bệnh là 34.486.954 lượt (ngoại trú là 31.510.845 lượt, nội trú là 2.976.109 lượt).
Tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cơ sở khám chữa bệnh đề nghị quỹ bảo hiểm y tế thanh toán là 19.300 tỷ đồng (ngoại trú là 11.717 tỷ đồng, nội trú là 7.583 tỷ đồng).
Trong đó, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cơ sở khám chữa bệnh đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trong tháng 01 và tháng 02/2020 là 26.693.949 lượt, tăng 198.319 lượt so với cùng kỳ năm trước (tăng 0,7%); tổng chi phí đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán là 14,846 nghìn tỷ đồng, tăng 0,912 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,5%).
Trong quý I năm 2020 (tính đến hết ngày 17/3/2020), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho 1.714.443 lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 186.088 lượt người (12%) so với cùng kỳ năm 2019; với số tiền chi trả từ quỹ ốm đau, thai sản lần lượt là 768.211.161.019 đồng tăng 19% so với cùng kỳ 2019.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam thực hiện công tác kiểm soát dịch ngay tại cơ quan. |
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, càng cho thấy chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của Đảng, Nhà nước ta có giá trị nhân văn, nhân đạo to lớn, góp phần bảo đảm chăm sóc sức khỏe Nhân dân và ổn định, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta trong những thời điểm dịch bệnh hoành hành.
Trong giai đoạn này, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của mình, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của toàn Ngành trong công tác chung tay của các cấp, các ngành phòng chống dịch Covid-19.
Hỗ trợ Nhân dân thực hiện khai báo y tế điện tử
Với việc quản lý cơ sở dữ liệu của gần 86 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, trên 15 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, nhận thấy việc thực hiện khai báo y tế điện tử toàn quốc có ý nghĩa tích cực trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình, đề xuất những phương án, cách thức giúp kết nối, liên thông, chia sẻ Cơ sở dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế để phục vụ cho công tác khai báo y tế của người dân được diễn ra thuận tiện, đảm bảo chính xác, hiệu quả.
Hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai dịch vụ tin nhắn thông báo mã số bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến người tham gia phục vụ cho việc khai việc khai báo y tế điện tử; đồng thời, qua kênh truyền thông của các cơ quan báo chí, qua Cổng Thông tin, Fanpage Facebook và Trung tâm Dịch vụ khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hướng dẫn người dân có thể chủ động tra cứu mã số này.
Với mã số Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cung cấp khi khai báo y tế điện tử, người dân sẽ giúp ngành Y tế và các cơ quan chức năng có thêm thông tin về quá trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được lưu trữ trên Hệ thống Thông tin Giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Qua đó, cơ quan chức năng có thể biết được bệnh lý nền của người khai báo, phòng khi người này mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra sẽ được kịp thời điều trị với các phác đồ điều trị kết hợp phù hợp với tiền sử bệnh của từng bệnh nhân, góp phần hạn chế, khống chế được số ca tử vong do Covid-19 gây ra.
Đặc biệt, trong hơn một tháng trở lại đây, số lượng cuộc gọi đến Trung tâm Dịch vụ khách hàng Bảo hiểm xã hội Việt Nam gia tăng đột biến.
Đa số các cuộc gọi đến đều xoay quanh nội dung cần tư vấn về các quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người có thẻ khi không may bị mắc Covid-19 và đề nghị cách hướng dẫn tra cứu mã số bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phục vụ cho việc khai báo y tế điện tử.
Có thể thấy, sự chủ động, vào cuộc tích cực của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc cung cấp thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đã góp phần: chia sẻ thông tin, kịp thời giúp Ngành Y tế trong công tác điều trị bệnh do virus Corona gây ra; công khai, minh bạch và ổn định tâm lý của Nhân dân trong lúc tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp.
Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội
Về phía người lao động, người sử dụng lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 khi tình hình sản xuất đình trệ, thực hiện Chỉ thị số 11/CP-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hướng dẫn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch |
Điều kiện đối với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc diện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất:
- Gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó, số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.
- Hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Doanh nghiệp có văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất kèm theo văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để tạm dừng tính thu quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp.
Trong đó, thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc đối với doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân địa phương quản lý, do cơ quan LĐ-TB&XH địa phương xác định; đối với doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, do Bộ, ngành xác định, số lao động thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc được tính so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
Thẩm quyền xác định giá trị tài sản bị thiệt hại đối với doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân địa phương quản lý, do cơ quan Tài chính địa phương xác định; đối với doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, do cơ quan tài chính của Bộ, ngành hoặc Bộ Tài chính xác định.
Giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan xác định số lượng lao động thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc, hoặc cơ quan xác định giá trị tài sản bị thiệt hại có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời doanh nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định.
Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 mà dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị, thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra, nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, hằng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đặc biệt, kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.
Công văn cũng nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi.
Hiện nay, tỷ lệ đóng vào các quỹ bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất), bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là 32% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng.
Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ trọng lớn với tỷ lệ là 22%, trên 2/3 tổng số tiền đóng vào các quỹ.
Như vậy, thực hiện chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, việc bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành và tổ chức thực hiện Công văn số 860/BHXH-BT về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của người lao động trong điều kiện dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ kép mà Thủ tướng Chính phủ vừa giao, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của Nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực vì sự hài lòng của nhân dân |
Góp phần ổn định đời sống của người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, làm tăng tỷ lệ người lao động thất nghiệp.
Trong quý I năm 2020, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp ước thực hiện là 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019 (346.582 người) với số tiền được chi trả ước thực hiện là 2.119 tỷ đồng; số người được chi trả hỗ trợ học nghề ước thực hiện là 8.160 người, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019 (7.409 người) với số tiền chi trả ước thực hiện là 18 tỷ đồng (nguồn số liệu: Hệ thống Tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH - DWH).
Theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, người lao động thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ gồm:
- Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa), thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
- Được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
- Được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.
Đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh mà buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.
Như vậy, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid 19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… dẫn đến việc làm của một bộ phận người lao động bị cắt.
Thì với vai trò của mình, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống của bản thân một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.
Điều này càng cho thấy sự ra đời của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đóng vai trò tích cực trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Đặc biệt, đối với các trường hợp người lao động bị thất nghiệp đang chờ nhận trợ cấp thất nghiệp phải đi cách ly y tế hoặc bị nhiễm Covid-19 không thể đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo thời hạn quy định (chỉ ảnh hưởng đối với những trường hợp không đến nhận tiền nhưng gần quá thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn hưởng ghi trên quyết định), hiện bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền trợ cấp thất nghiệp bằng thời gian cách ly y tế hoặc điều trị do nhiễm Covid-19 để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Toàn Ngành bảo hiểm xã hội chung sức phòng, chống dịch Covid-19
Trong suốt hơn 2 tháng vừa qua, trong nội bộ Ngành, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời, chủ động ban hành nhiều công văn (số 320/BHXH-VP ngày 06/2/2020; số 820/BHXH-VP ngày 13/3/2020…) quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế: phun thuốc khử trùng, tổng vệ sinh toàn cơ quan; trang bị nước rửa tay tại các phòng làm việc; yêu cầu toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động thực hiện đeo khẩu trang khi làm việc, họp; cắt giảm các cuộc họp, hội nghị… góp phần chung tay cùng cộng đồng hạn chế sự lây lan, phòng chống dịch Covid-19.
Về phía các địa phương, hiện nay, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cũng đã và đang tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19 như: tăng cường các hình thức giao dịch điện tử, qua hệ thống Bưu điện nhằm hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc và lây lan dịch bệnh.
Đối với công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong bối cảnh không thể tổ chức các hội nghị tập trung, bảo hiểm xã hội các tỉnh và hệ thống đại lý đều tổ chức truyền thông theo nhóm nhỏ tại các hộ dân cư tiềm năng, các tiểu thương tại các khu phố, chợ với các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn khi đi tuyên truyền...
Song song với đó, bảo hiểm xã hội các tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động khi có phát sinh, đặc biệt là các trường hợp thất nghiệp do dịch bệnh, các trường hợp người lao động phải nghỉ việc để cách ly, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có hệ thống bảo hiểm xã hội các cấp, đã được triển khai tích cực, có hiệu quả.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
Vì vậy, bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định, thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chống dịch song vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Ngành; đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.