Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm

03/02/2021 22:41
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố bám sát chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 275/BHXH-TST gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khai thác, phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2021.

Theo đó, để phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng ường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố:

Thứ nhất, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về chỉ tiêu phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đến cấp huyện, cấp xã và ban hành kế hoạch, chương trình, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Đồng thời, đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ thêm kinh phí cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình, người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần đóng ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

Tổng quan về các chế độ của bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh: ebh.vn)

Tổng quan về các chế độ của bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh: ebh.vn)

Thứ hai, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phân công, giao trách nhiệm cho từng công chức, viên chức và người lao động xây dựng kế hoạch cụ thể hằng tuần, hằng tháng; bám sát địa bàn, đơn vị, đại lý thu để hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.

Trong đó, cần tập trung vào những giải pháp như: Tích cực rà soát, đối chiếu dữ liệu từ cơ quan Thuế, Kế hoạch và Đầu tư với dữ liệu đang quản lý để xác định người thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc để tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra và yêu cầu người sử dụng lao động đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phân loại đối tượng tiềm năng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (theo độ tuổi, giới tính, công việc và thu nhập…), Bảo hiểm y tế hộ gia đình theo địa bàn cấp xã.

Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức, đại lý thu tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia mới.

Chú trọng vận động, đôn đốc người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình đến hạn phải đóng tiếp tục tham gia để duy trì bền vững.

Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng hoặc đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam khen thưởng theo quy định đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Công văn cũng nêu rõ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố bám sát chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả.

Theo chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, trong năm 2021, cả nước phấn đấu mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội với hơn 14,8 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc và hơn 1,7 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; hơn 14,1 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và hơn 88,4 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế.

Thu Giang