Cách đây 22 năm, việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xem là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình cải cách chính sách và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam.
Từ đó đến nay, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua không ít khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước.
Khẳng định vai trò trụ cột
Ngày 16/2/1995, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 19/CP của Chính phủ, trên cơ sở thống nhất các tổ chức bảo hiểm xã hội ở Trung ương, giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và thực hiện thống nhất các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội theo pháp luật.
Trong 22 năm qua, ngành bảo hiểm xã hội luôn phát triển, đáp ứng nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Chính sách bảo hiểm xã hội cũng ngày càng được hoàn thiện theo hướng đa dạng hơn và không ngừng giúp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh nhóm lao động có quan hệ lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, kể từ năm 2008, người lao động không có quan hệ lao động có cơ hội được hưởng lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh thăm nơi làm việc của cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam. |
Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, xu hướng dịch chuyển lao động ngày càng lớn, thì từ 1/1/2009, người lao động bị thất nghiệp còn được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tính đến hết năm 2016, đã có trên 11,1 triệu người được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, có cơ hội quay trở lại thị trường lao động.
Chính sách bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng diện bao phủ sang khu vực ngoài nhà nước, tạo điều kiện thu hút nhiều lao động vào hệ thống.
Nếu như năm 1995 cả nước có khoảng 2,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, thì đến năm 2016 đã có khoảng 12,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 203.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và trên 75,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt 81,7% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, vượt 2,7% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).
Đặc biệt, đến năm 2016 toàn ngành đã thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 256.874 tỉ đồng (năm 1996 Chính phủ giao thu 2.500 tỉ đồng); giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho 8,67 triệu lượt người (chưa bao gồm khối lực lượng vũ trang); thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 144 triệu lượt người; phối hợp giải quyết cho 846.000 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Phó Thủ tướng mong muốn người dân đều được chăm sóc sức khỏe như có bác sĩ riêng |
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công chức viên chức của ngành cũng ngày càng được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng, từng bước đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đến nay, với hơn 20.000 cán bộ công chức viên chức (tháng 10/1995 toàn ngành chỉ có 4.864 cán bộ công chức viên chức), ngành đã thực hiện tốt việc tổ chức thu, giải quyết và chi trả các chế độ chính sách cho hàng triệu lượt người hưởng.
Ngành cũng chủ động phối hợp với Bưu điện tổ chức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; thu bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức cải tiến quy trình nghiệp vụ, cắt giảm và loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, hướng tới mục tiêu giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp xuống mức thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Vươn lên tầm cao mới
Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, nhiệm vụ của ngành bảo hiểm xã hội ngày càng nhiều. Đặc biệt, năm 2016 là năm đầy gian nan vất vả, thách thức, nhưng cũng là năm thành công của ngành bảo hiểm xã hội nói riêng và của sự nghiệp an sinh xã hội đất nước nói chung.
Đến nay, toàn ngành đang phục vụ hơn 12 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, gần 76 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; nợ đọng bảo hiểm xã hội giảm chỉ còn 3,3%; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 81,7%.
Đặc biệt, lần đầu tiên ngành bảo hiểm xã hội xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của 24,3 triệu hộ gia đình (gần 91 triệu người dân)- cơ bản người dân có thông tin tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Nhận định về sự phát triển của ngành bảo hiểm xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự nghiệp bảo hiểm xã hội vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định như:
Xu thế già hóa dân số ở Việt Nam tăng nhanh đồng thời với thời kỳ cơ cấu dân số vàng; quỹ hưu trí và tử tuất tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần (mức đóng, mức hưởng, tuổi nghỉ hưu và tuổi thọ còn bất hợp lý)…
Do đó, trước xu thế này, ngành bảo hiểm xã hội cần tiếp tục nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý; xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện liên thông dữ liệu với cơ sở khám chữa bệnh; phấn đấu hoàn thành việc tin học hóa các hoạt động của ngành theo đúng lộ trình.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về phương thức, nội dung, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ quyền và nghĩa vụ để có ý thức tự giác tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cần tập trung chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Tập trung phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao...
“Với trọng trách lớn lao trong sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức đủ năng lực, trình độ chuyên môn, tận tụy với công việc và đạo đức nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ”, ông Lợi nhấn mạnh.
Bà Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng khẳng định: Là chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo nguyên tắc đóng- hưởng, mang ý nghĩa cộng đồng, chia sẻ, là sự bảo đảm thay thế cho người lao động nhằm giải quyết những rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, mất việc làm hoặc khi đến tuổi già không còn khả năng lao động. Với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, ngành bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần đảm bảo thực hiện hiệu quả trách nhiệm được giao; khẩn trương hiện đại hoá quản lý Ngành theo quy định tại Điều 9 của Luật Bảo hiểm xã hội; hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong phạm vi cả nước. Cũng theo bà Mai, với tư cách là cơ quan cung ứng dịch vụ công thiết yếu cho người dân, cơ quan bảo hiểm xã hội cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân, xem người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thực sự là khách hàng. Đây là định hướng lớn mà ngành bảo hiểm xã hội cần tập trung chỉ đạo thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.Nội dung |