Bảo hiểm xã hội Việt Nam sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023

14/07/2023 06:42
Vương Nghị
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội; các Phó Tổng Giám đốc: Đào Việt Ánh, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có: lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh và các phòng trực thuộc cùng Giám đốc Bảo hiểm xã hội các quận, huyện.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị.

6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen, kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thế giới, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức, toàn Ngành đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Theo đó, các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cơ bản đều tăng so với cùng kỳ; việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách kịp thời, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người thụ hưởng; quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật; công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được cường thực hiện; quan hệ hợp tác quốc tế tiếp tục duy trì và mở rộng...

Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng trưởng tích cực:

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã linh hoạt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn để đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phát triển hiệu quả số người tham gia vào “lưới” an sinh Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nhờ đó, số người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 6/2023 đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể có: 17,48 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

90,89 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 4,35 triệu người (khoảng 5,04%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86 % dân số.

14,29 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đảm bảo chi trả chế độ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng: Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động nhất là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân còn chịu tác động nặng nề sau đại dịch Covid-19.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, toàn Ngành giải quyết cho khoảng 37 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng; 665.423 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; 4.386.236 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 499.824 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó: 490.726 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 9.098 người hưởng mới hỗ trợ học nghề.

Bên cạnh đó, công tác chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được thực hiện đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng.

Ngoài việc chi trả Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua hệ thống bưu điện, tiếp tục vận động, khuyến khích người nhận các chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 1% so với năm 2022).

Tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo kịp thời quyền lợi bảo hiểm y tế cho người tham gia: Công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho người tham gia, trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài tại nhiều bệnh viện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế.

Đồng thời, phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế... phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Tính hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 82,98 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú (tăng 18,76 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2022); với số tiền giám định, thanh toán là 57.03 tỷ đồng (tăng 10.79 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).

Đổi mới, kết hợp thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử: Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường triển khai và đổi mới theo hướng kết hợp giữa thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; đồng thời, hoàn thiện và nâng cấp phần mềm hoạt động thanh tra, kiểm tra và bổ sung các dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Theo đó, Ngành đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 9.013 đơn vị, kết quả: Số tiền các đơn vị đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng trong thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp là 425,4 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022);

Ngành đã ban hành, tham mưu ban hành 448 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỷ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.

Tập trung nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số: Công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được Ngành chú trọng, rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa về quy trình, thủ tục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nổi bật, Ngành đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”;

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Chính phủ, như: tiếp tục phối hợp với Bộ Công An thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm;

Triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID với gần 30 triệu tài khoản đã được phê duyệt, tính đến hết tháng 6/2023…

Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội: Công tác đối ngoại, kết nối đa phương khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được duy trì, phát triển.

Bên cạnh các đối tác đã có (Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới), thiết lập thêm các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế tiềm năng khác như Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC)...

Ngoài các lĩnh vực nghiệp vụ của Ngành, 6 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn tăng cường triển khai các hoạt động thiện nguyện, trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho trên 140 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị 53,4 tỷ đồng; cùng với Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trao tặng 2.484 suất quà có giá trị gần 1,42 tỷ đồng cho các bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đang điều trị ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện tại 61 tỉnh, thành phố.

Đây là hoạt động thường xuyên của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội để ngày càng có nhiều người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023

Tại hội nghị, lãnh đạo các ban nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội một số địa phương đã báo cáo tình hình, phân tích một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó dự báo tình hình và giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Cụ thể, theo đại diện các Ban, đối với lĩnh vực phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội các tỉnh cần tham mưu chính quyền địa phương giao chỉ tiêu đến từng quận huyện, ban hành các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên không nên dàn trải mà cần tập trung vào những nhóm lớn; khẩn trương kiện toàn các ban chỉ đạo về thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn đến cấp huyện, cấp xã…

Về lĩnh vực bảo hiểm y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc có sự gia tăng rất lớn so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, một số địa phương tăng đến 60 -70%.

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần đánh giá rủi ro, tìm hiểu nguyên nhân để phục vụ công tác khám chữa bệnh và giám định bảo hiểm y tế; chủ động công tác tham mưu đề xuất, thực hiện các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Liên quan đến việc giải quyết hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đại diện Ban nghiệp vụ thông tin, 06 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố đã rất nỗ lực trong việc giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội cho người dân, đồng thời kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội.

Trong đó, một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương đã làm tốt công tác rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm. Thời gian tới cần có sự phối hợp, thống nhất cao hơn nữa giữa hai ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ngành Công an trong việc xử lý, xét xử các hành vi trục lợi; có quy định, chế tài xử lý mạnh để chấm dứt tình trạng nêu trên...

Ngoài ra, trong thời gian còn lại của năm 2023, toàn ngành sẽ tập trung xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hướng dẫn kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tiễn triển khai.

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn Ngành đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội nhấn mạnh, các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành đều tăng so với cùng kỳ, là tiền đề quan trọng để toàn Ngành hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm.

Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức là không ít nên toàn Ngành không được lơ là, chủ quan, mà cần kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bằng tất cả các giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo, các đơn vị và Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế; nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong tổ chức, thực hiện để chủ động phối hợp với các Bộ, ngành… đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ nhằm đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với Bảo hiểm xã hội các tỉnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu cần khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó, giao được chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến từng cấp xã, phường, đảm bảo kết quả số người tham gia tăng trưởng bền vững…

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ đạo, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; tăng cường các giải pháp thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tăng cường công tác quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi người tham gia; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm...

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong đó bổ sung thêm các tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID, tích cực vận động người dân, người lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng này để chủ động trong việc nắm bắt quá trình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của bản thân, góp phần cùng các cơ quan chức năng phát hiện xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia, thụ hưởng.

Vương Nghị