Bạo lực, gốc rễ và hậu quả

27/01/2015 09:03
NGUYỄN MINH NHỰT
(GDVN) - Bạo lực là sức mạnh được dùng với mục đích cưỡng ép, hay trấn áp. Vì vậy, cho dù được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào, bạo lực đều có tính tiêu cực.

Sự việc nữ sinh L.T.P.H (học sinh lớp 6/7, trường THCS Phan Bội Châu, Q. Tân Phú, Tp. HCM) tử vong vì chứng bệnh động kinh tái phát khi cô giáo nhất định đánh vào mông đã đặt thêm một dấu hỏi lớn cho những  giáo viên đang sử dụng đòn roi để dạy học sinh.

Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng trên cả nước cũng đã đặt ra một dấu hỏi rất lớn cho ngành giáo dục trong nhiều năm qua mà vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Và vấn đề lại được đặt ra trong phạm vi bài viết này là: nguyên nhân người ta dùng bạo lực, và những kết quả của nó.

Tình trạng bạo lực học đường trong ngành giáo dục nói riêng và nạn bạo hành trong xã hội nói chung đang là một vấn đề rất nhức nhối. Chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề nếu như chưa hiểu rõ nguồn cơn của nó.

Ngành giáo dục đang thay đổi chương trình giảng dạy, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy trọng tâm là dạy chữ, dạy kiến thức, phần dạy làm người có phần lép vế.

Thường thì người ta quên một điều rất cơ bản là ta không thể dạy cho bất cứ ai cái mà mình không có được. Ta dối trá thì không thể dạy người trung thực, ta dùng bạo lực thì không thể dạy người cư xử thân thiện, v.v.

Bạo lực là sức mạnh được dùng với mục đích cưỡng ép, hay trấn áp. Vì vậy cho nên dù được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào, bạo lực đều có tính tiêu cực.

Khi bất cứ ai bị cưỡng ép hay trấn áp, người ta đều phản đối hay kháng cự lại bằng cách này hay cách khác. Nếu như không thể kháng cự thì người ta sẽ cam chịu trong sợ hãi, oán giận và đau khổ.

Thầy giáo đánh học sinh, học sinh đánh lại thầy ngay tại bục giảng - Trường THPT Nguyễn Huệ - Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.
Thầy giáo đánh học sinh, học sinh đánh lại thầy ngay tại bục giảng - Trường THPT Nguyễn Huệ - Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.

Để giúp học sinh học bài thì có rất nhiều cách tích cực, ví dụ như: soạn lại giáo án để giúp học sinh nắm bài ngay trên lớp, cho học sinh chép phạt, hay liên lạc với phụ huynh để hiểu rõ hơn hoàn cảnh gia đình cũng như sức khỏe học sinh, và từ đó có cách hỗ trợ thích hợp, v.v.

Dùng đòn roi để ép học sinh học bài thì luôn có tính tiêu cực và tác hại nó để lại thì thật là khó lường, mặc dầu ở khía cạnh tích cực, nó có thể sẽ làm học sinh lo học hơn, nhưng đây lại là một kết quả dựa trên sự đe dọa và sợ hãi, vì vậy nó phản giáo dục.

Ta có thể khẳng định rằng thiếu hiểu biết là một nguyên nhân của việc dùng bạo lực.

Trở lại với câu chuyện của nữ sinh L.T.P.H, khi cô giáo định phạt lỗi không thuộc bài bằng cách đánh đòn thì các học sinh khác trong lớp can ngăn với lý do là bạn bị bệnh động kinh. Vậy mà cô giáo TV vẫn nhất định đánh!? Thay vì nằm sấp trên bàn để cô giáo đánh vào mông, nữ sinh xin được đánh vào tay mà cô vẫn không cho!? Thật là thiếu tình thương quá phải không?

Xem lại những câu chuyện về bạo lực học đường và bạo hành, ta thấy chúng đều có điểm chung là người ta hành động thiếu tình thương khi sử dụng bạo lực. Thiếu tình thương là một nguyên nhân nữa của việc dùng bạo lực.

Một nữ sinh tuổi mới lớn không còn đến trường cùng bạn bè, một gia đình bỗng dưng mất đi một thành viên thân yêu, một cô giáo trẻ đang có nguy cơ không đứng lớp được nữa, và rất nhiều người Việt trên khắp thế giới lại bức xúc, trăn trở vì một câu chuyện buồn nữa lại xảy ra trên mảnh đất hình chữ S. Một câu chuyện không đáng xảy ra lại xảy ra!?

Đương nhiên buồn thì chẳng giải quyết được chuyện gì. Hậu quả của sự việc đã không thể khắc phục. Ta phải tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và tìm mọi cách khắc phục thì mới mong ngăn được những sự việc tương tự như vậy không xảy ra.

Lỗi của ai đây? Của cô giáo, của nền giáo dục đào tạo nên cô giáo, hay là của cả xã hội này chăng?

Cô giáo có lỗi và đã biết nhận lỗi, nhưng nguyên nhân cơ bản là việc xã hội đang cố thay đổi với bộ máy điều hành có quá nhiều vấn đề cùng với một nền giáo dục lệch lạc, đã và đang tạo ra ngày càng nhiều những người có đủ các loại bằng cấp, nhưng thiếu cả hiểu biết lẫn tình thương, thờ ơ, vô cảm với nỗi đau của đồng loại, với cái sai, cái xấu lẫn cái ác.

Thiếu hiểu biết và thiếu tình thương là gốc rễ của bạo lực. Và hoa trái của bạo lực chỉ có thể là kháng cự, là sợ hãi, là chịu đựng, là oán giận, là khổ đau mà thôi.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả.

NGUYỄN MINH NHỰT