Tờ Lenta của Nga ngày 22/6 dẫn báo cáo của Reuters cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter muốn xây dựng một cách tiếp cận hai mặt với Nga, vừa mạnh mẽ nhưng lại vừa cân bằng và sẽ thuyết phục các đồng minh theo đuổi điều này.
Phát biểu trước chuyến công du châu Âu ngày 21/6, Bộ trưởng Carter cho biết, ông không thể chắc chắn rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thay đổi lập trường đối ngoại hiện nay trong khi còn cầm quyền hay không. Do đó, Mỹ và các đồng minh cần phải có phương pháp tiếp cận theo hai hướng là vừa thắt chặt hợp tác với Moscow trong một số vấn đề nhưng đồng thời ngăn chặn và đối phó với sự xâm lược của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khởi hành đến thăm châu Âu ngày 21/6. |
Ông Carter cũng bày tỏ kỳ vọng rằng các nhà lãnh đạo Nga trong tương lai, những người kế nhiệm ông Putin, sẽ xem xét mối quan hệ Moscow-Washington theo chiều hướng ngược lại với chính sách hiện nay của ông Putin, "hướng tới tương lai chứ không phải nhìn lại quá khứ".
Chuyến thăm châu Âu lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhằm thảo luận về sự gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga để tăng áp lực với Moscow trong vấn đề Ukraine.
Bình luận về tuyên bố bổ sung 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới vào kho hạt nhân của Nga mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi là "mối đe dọa hạt nhân", ông Carter cho rằng đó là hành vi không phù hợp.
Bộ trưởng Carter dự kiến sẽ có một bài phát biểu tại Berlin, sẽ đến thăm Estonia và tham dự một cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO trong tuần này.
Một chủ đề quan trọng ông sẽ thảo luận tại tất cả các điểm dừng chân trong chuyến công du là Mỹ, NATO và các đối tác khác làm thế nào để đối phó tốt nhất với Kremlin sau sự sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai chiến đấu chống chính quyền Kiev.
Tuy nhiên, ông Carter dự kiến cũng sẽ nhấn mạnh tới vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, cuộc chiến chống khủng bố IS và thay đổi quyền lực một cách hòa bình ở Syria.
Ông Carter dự kiến cũng sẽ thảo luận với các đối tác về đề xuất của Mỹ triển khai một lữ đoàn vũ khí hạng nặng tới Đông Âu. Chính kế hoạch này của Mỹ đã châm ngòi cho những phản ứng quân sự mạnh mẽ của Nga như bổ sung 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tăng quân đến biên giới phía tây.