Trung Quốc âm mưu xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 18 tháng 6 dẫn trang mạng Đài tiếng nói nước Nga ngày 16 tháng 6 đưa tin, theo tờ "Nam Hoa buổi sáng" Trung Quốc, Trung Quốc đang tính toán xây dựng (trái phép-PV) đảo nhân tạo mang tính vĩnh viễn ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
>> Báo TQ viết gì về chuyến thăm Hà Nội của ông Dương Khiết Trì?
Chuyên gia Cashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga đã có bài viết riêng, tiến hành phân tích đối với vấn đề này từ góc độ chiến lược quân sự.
Bài viết cho rằng, nếu đảo nhân tạo được xây dựng (trái phép-PV), diện tích của nó đủ để có thể làm cho Trung Quốc có được một căn cứ quân sự trong đó có sân bay và các công trình hạ tầng khác ở khu vực cách xa đất liền của họ, trong đó có thể có bến đỗ cho tàu lớp 5.000 tấn.
Theo bài viết, có tin cho biết, ngân sách cho dự án này rất cao, chẳng hạn, diện tích xây dựng căn cứ quân sự trên đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam) khoảng 5 km2 trong đó có sân bay và các công trình khác, chi phí tổng thể cho nó tương đương với chế tạo một chiếc tàu sân bay động cơ hạt nhân (5 tỷ USD), đồng thời cần có thời gian 10 năm.
Quần đảo Cây Cọ (Palm Jumeirah) nhân tạo của Dubai - UAE (ảnh minh họa) |
Nhưng, ý nghĩa chiến lược của đảo nhân tạo lại không thể xem thường. Trung Quốc sẽ cung cấp một căn cứ vĩnh cửu (trái phép) đáng tin cậy cho tàu chiến hạng nhẹ và không quân của họ tại vùng biển cách xa đất liền. Căn cứ này có khả năng không chỉ có đường băng cho máy bay chiến đấu, mà còn sẽ gồm có công trình hạ tầng đồng bộ dùng để dự trữ và bảo trì máy bay chiến đấu, máy bay hỗ trợ và vũ khí trang bị không quân.
Quy mô đảo nhân tạo (trái phép) còn có thể làm cho quân đội Trung Quốc triển khai một phần lực lượng quân sự tương đối, chẳng hạn đại đội pháo binh trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm xa (Hồng Kỳ-9, thậm chí S-400), tên lửa chống hạm hạng nặng Ưng Kích-62 cùng các tên lửa có khả năng răn đe khác - dùng để chống lại "quân đội nước khác" ở đây, trên đảo còn có thể triển khai đại đội máy bay trực thăng vận tải, tàu đổ bộ tốc độ nhanh và thuyền máy (ca nô), từ đó làm cho Trung Quốc chiếm lấy ưu thế to lớn trong tranh đoạt đảo đá.
Do lực lượng quân sự của Philippines rất yếu, không thể thực hiện các biện pháp ứng phó, Mỹ chắc chắn sẽ bày tỏ lo ngại đối với việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự ở khu vực này. Bất kể Trung Quốc có kế hoạch gì, Mỹ hiện đã thực hiện các loại biện pháp nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Á, hơn nữa bất kể thế nào thì Mỹ cũng sẽ không "co lại".
Mỹ từng nghiên cứu khái niệm tàu sân bay di động, một căn cứ di động trên biển có thể cất hạ cánh máy bay cỡ lớn |
Về nguyên tắc, kế hoạch của Trung Quốc chưa chắc sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến những nỗ lực mở rộng lực lượng quân sự ở châu Á của Mỹ - những nỗ lực này trước hết tùy thuộc vào khả năng tự thân của Mỹ.
Hành động (trái phép) của Trung Quốc có thể làm cho các nước tuyên bố chủ quyền đảo đá ở Biển Đông, tiến hành xây dựng và mở rộng tương tự, nhưng Trung Quốc "có ưu thế lớn hơn" trên phương diện này.
Theo bài báo, Trung Quốc có ngành xây dựng "hạng nhất", có thể thực hiện các dự án xây dựng phức tạp, trong khi đó nguồn lực của họ vượt tất cả các nước xung quanh khác cộng lại. Thông thường, xây dựng đảo nhân tạo ở tại Biển Đông có thể sẽ khiến cho quan hệ ngoại giao trở nên phức tạp hơn trong ngắn hạn, nhưng "Trung Quốc cuối cùng sẽ là nước chiến thắng về chiến lược".
Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này đã nhiều lần xuyên tạc cho rằng "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh. Nếu Trung Quốc tiến hành hoạt động gì ở đảo đá có liên quan thì cũng hoàn toàn là việc nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc".
Ngày 16 tháng 4 năm 2014, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trả lời báo chí về vấn đề Trung Quốc xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
>> Báo TQ viết gì về chuyến thăm Hà Nội của ông Dương Khiết Trì?