Từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 1 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin thăm Nhật Bản, hai bên ký kết văn kiện tăng cường hợp tác quốc phòng, làm cho báo chí Trung Quốc ra sức nói ra nói vào. |
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 1 tháng 2 đăng bài viết "Chuyên gia: Nhật hỗ trợ Philippines leo thang khiêu khích ở Biển Đông, mưu toan liên kết hành động ở biển Hoa Đông và Biển Đông".
Theo bài báo, từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 1 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thăm Nhật Bản, hai bên muốn ký kết Bản ghi nhớ nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng Nhật Bản-Philippines.
Một tuần trước, Philippines và Mỹ đã tổ chức đối thoại chiến lược lần thứ năm, nội dung bao gồm bàn thảo Mỹ-Philippines làm thế nào để tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh. Báo Trung Quốc tuyên truyền, Philippines liên tiếp hành động như vậy, bề ngoài là thúc đẩy hợp tác quốc phòng, thực ra là "kết bè kéo cánh" để đối phó với Trung Quốc.
Theo thói quen xấu xa, tờ "Hoàn Cầu" đã đổi trắng thay đen, đánh lừa nhân dân Trung Quốc, ra sức xuyên tạc, cho rằng: "Philippines xâm chiếm đảo đá ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông, những năm gần đây càng đẩy nhanh các bước khiêu khích, trở thành người tiên phong thách thức quyền lợi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong các hành động của Philippines, Mỹ và Nhật Bản đã đóng vai trò đồng lõa".
Chúng ta đã biết, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có hòn đảo nào ở phía dưới đảo Hải Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm lược một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, còn hiện nay cũng mưu đồ ăn cướp nốt các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 28 tháng 6 năm 2014, Mỹ và Philippines tiến hành tập trận chung trên Biển Đông |
Báo "Hoàn Cầu" Trung Quốc cho rằng, Mỹ và Nhật Bản đều không phải nước đương sự của tranh chấp Biển Đông, nhưng lại muốn "nói ra nói vào" đối với các vấn đề có liên quan. Quan chức Mỹ nhiều lần công khai cho biết ủng hộ Philippines đệ trình tranh chấp Biển Đông lên tòa án trọng tài quốc tế, bất chấp sự phản đối (không chấp nhận luật pháp quốc tế) của Trung Quốc.
Yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc quốc tế, yêu cầu Trung Quốc cung cấp bằng chứng yêu sách chủ quyền ở Biển Đông lên tòa án trọng tài, ép Trung Quốc tham gia vụ kiện trọng tài.
Trên thực tế, Trung Quốc làm gì có bằng chứng chủ quyền mà cung cấp cho tòa án trọng tài, làm gì có bằng chứng chủ quyền nên không dám tham gia, không chấp nhận vụ kiện của Philippines. Là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc rất có ưu thế, nhưng Trung Quốc lại sợ sệt tòa án quốc tế đến như vậy.
Với thói quen "chuyên đổ tội cho người khác", báo "Hoàn Cầu" cho rằng, Mỹ còn quen "đổi trắng thay đen", "làm ngơ trước hành động vô lý của Philippines", nhưng lại lên án Trung Quốc "bảo vệ quyền lợi hợp pháp" bằng mọi cách.
Lưu ý là, Trung Quốc hoàn toàn không có bất cứ quyền lợi chủ quyền nào đối với các hòn đảo và vùng biển trên Biển Đông dưới đảo Hải Nam. Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng hợp pháp nào cho những yêu sách bành trướng đó, nên bị cộng đồng quốc tế vạch mặt thì phải khó chịu thôi. Ăn cướp thì nuốt không trôi, khó tiêu hóa được, thậm chí có thể đổi bằng thảm họa.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario |
Theo bài báo, gần đây, khi gặp gỡ báo chí trong đối thoại chiến lược vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia đã phê phán các hoạt động (bất hợp pháp, vi phạm DOC) của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây căng thẳng, tuyên bố đây là vấn đề mà Mỹ và Philippines cần ứng phó, ASEAN cũng không nên bàng quan đứng nhìn.
Ông Daniel Russell được báo "Hoàn Cầu" cho là có "dụng tâm" khi đề xuất: "Nước lớn không thể ăn hiếp nước nhỏ", đã khẳng định Trung Quốc là nước gây bất ổn ở Biển Đông.
Trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản cũng liên tiếp lên tiếng. Các quan chức như Ngoại trưởng Nhật Bản trong nhiều hội nghị đa phương quan trọng đã bày tỏ ủng hộ quyết định kiện Trung Quốc của Philippines, ca ngợi kiện lên tòa án trọng tài là hành động "tranh thủ hòa bình để giải quyết tranh chấp" của Philippines. Báo Trung Quốc coi các động thái nêu trên của Mỹ và Nhật Bản là đã "đứng về một bên" trong tranh chấp.
Trên thực tế, vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014 là điển hình của "nước lớn ăn hiếp nước nhỏ" mà Trung Quốc đang hành động ở khu vực, đòi hỏi có sự can dự của các nước lớn, của cộng đồng quốc tế, để buộc những hành động phi pháp, gây bất ổn phải được kiểm soát và chấm dứt, không được thích làm gì thì làm, không được coi thường quyền lợi hợp pháp của các nước ven Biển Đông.
Báo "Hoàn Cầu" cho rằng, Mỹ và Nhật Bản cũng tích cực phối hợp với Philippines phát triển lực lượng trên biển để phục vụ cho "tranh đoạt chủ quyền". Mỹ cung cấp trang bị hải, không quân cho Philippines, Nhật thì sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Philippines. Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines sẽ tham quan căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không ở tỉnh Okinawa. Tình hình Bộ trưởng Quốc phòng nước ngoài đến thị sát căn cứ này hoàn toàn không nhiều.
Nhật Bản từng điều tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga đến Philippines hỗ trợ cứu nạn sau cơn bão Haiyan |
Theo tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Nhật Bản đã tiến hành sắp xếp như vậy theo yêu cầu của Philippines. Lực lượng Phòng vệ Biển phụ trách cảnh giới giám sát trên biển, Lực lượng Phòng vệ Trên không có chức năng chống xâm lấn, trong khi đó Philippines đang nỗ lực tăng cường cả hai năng lực này.
Mỹ và Nhật Bản nhiệt tình tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines cũng có ý đồ ngăn chặn Trung Quốc - báo Trung Quốc lo ngại. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, rất quan tâm đến việc bố phòng của Trung Quốc, ứng phó với sự "trỗi dậy" của Trung Quốc. Mỹ tuyên bố Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia của họ, trở thành bên thứ ba của tranh chấp, báo "Hoàn Cầu" gọi Mỹ là nước "chia rẽ quan hệ" giữa Trung Quốc với các nước liên quan, "gây rối môi trường phát triển" của Trung Quốc.
Bài báo tiếp tục tuyên truyền cho rằng, ngoài muốn "làm trì trệ" sự phát triển của Trung Quốc, Nhật Bản còn có ý đồ thực hiện liên kết giữa tranh chấp biển Hoa Đông với Biển Đông, qua đó gia tăng cảnh khốn khó cho Trung Quốc trong cái mà bài báo gọi là "bảo vệ chủ quyền". Để cân bằng với Trung Quốc, Philippines bày tỏ "hoan nghênh" đối với tái vũ trang của Nhật Bản (để Trung Quốc không dám ăn hiếp bằng vũ lực).
Báo "Hoàn Cầu" chê bai, cho rằng, sự liên kết hiện nay của Mỹ-Philippines, Nhật Bản-Philippines là hành động "thiển cận". Hòa bình và phát triển là chủ đề thời đại, các nước có chung an-nguy. “Đi ngược lại với trào lưu” sẽ làm cho vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn, phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực.
Các nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã hoàn thành lấn biển ở đá Chữ Thập, chuyển sang xây dựng công trình ở đây. Hoạt động bất hợp pháp này bị Philippines vạch trần là nhằm mục đích "phi hòa bình" |
Nói như vậy, chắc báo "Hoàn Cầu" quên các hành động ăn cướp biển đảo Việt Nam của Trung Quốc bằng chiến tranh xâm lược như năm 1956, 1974, 1988, 1995... Và chắc bài báo cũng quên luôn hành động đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực khi Trung Quốc dám hạ đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014. Khi đó, Trung Quốc huy động một lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào đe dọa, uy hiếp người Việt.
Báo Trung Quốc còn tuyên truyền: sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội, chứ không phải là thách thức, trong tương lai, nhu cầu "hợp tác cùng thắng" của các nước trên thế giới đối với Trung Quốc sẽ tăng lên. Bao vây Trung Quốc chắc chắn sẽ chặn đường của mình.
Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như Trung Quốc và báo chí của họ nói. Khi Trung Quốc mạnh lên, tham vọng bành trướng lãnh thổ cũng không ngừng gia tăng, xu thế bất ổn tăng lên. Những hành động hung hăng, đe dọa vũ lực trên biển của Trung Quốc rất rõ ràng.
Nhiều người biết rõ, Trung Quốc đang ra sức phát triển vũ khí trang bị để làm gì, ngoài đối phó với Mỹ, Trung Quốc còn đang tìm cách từng bước bành trướng ở khu vực xung quanh. Trung Quốc ra sức phát triển vũ khí nóng như vậy, nhưng lại luôn xuyên tạc cho rằng các nước láng giềng phát triển vũ khí trang bị là nhằm chống lại họ, ví dụ như Nhật Bản. Đấy có phải là Trung Quốc tìm cách chặn đường phát triển và bảo vệ mình của nước khác hay không?
Trung Quốc ra sức tìm cách xuất khẩu vũ khí để kiếm tiền, nhưng khi nước khác như Nhật Bản cũng làm như vậy (mới bắt đầu gần đây) thì Trung Quốc luôn mồm tuyên truyền Nhật Bản theo “chủ nghĩa quân phiệt”. Phải chăng Trung Quốc chỉ muốn mọi thứ có lợi cho mình, có hại cho nước khác, chỉ muốn mình mạnh lên và nước khác không được mạnh như họ? Phải chăng Trung Quốc đang muốn làm đảo lộn cân bằng sức mạnh ở khu vực?
Trung Quốc phá hoại luật pháp quốc tế và DOC: Kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam |