Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) ngày 28 tháng 1 năm 2015 |
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc chiều tối ngày 28 tháng 1 năm 2015 đăng bài viết nhan đề “Ngoại trưởng ASEAN quan ngại Trung Quốc lấn biển ở quần đảo Trường Sa, đưa ra ý kiến ‘rất mạnh mẽ’”.
Dẫn tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore, bài báo cho rằng, ngày 28 tháng 1, tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Malaysia, Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN đã đưa ra ý kiến “rất mạnh mẽ” đối với việc Trung Quốc tiến hành công trình lấn biển (bất hợp pháp) ở các đá ngầm trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Bài báo còn cho biết, ASEAN đã yêu cầu Thái Lan – nước đảm nhiệm điều phối quan hệ với Trung Quốc của khối này đẩy nhanh thảo luận với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) để nhanh chóng đạt được thỏa thuận hoặc ít ra đạt được một số “thu hoạch sớm”.
Sau khi kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Seri Anifah Aman tổ chức họp báo, tiết lộ có vài Ngoại trưởng ASEAN đã đề cập tới hành động thúc đẩy công trình lấn biển (phá hoại DOC) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.
Ông chỉ ra: “Những người tham dự hội nghị cũng quan tâm đến chủ đề này”, các Ngoại trưởng đã yêu cầu các quan chức cấp cao đẩy nhanh tiến trình thực hiện toàn diện và có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông” (DOC), đồng thời tích cực hơn trong việc thúc đẩy hoàn thành “Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông” (COC).
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, tháng 8 năm 2015, Singapore sẽ tiếp nhận làm nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, mục tiêu của Singapore và các nước thành viên là thống nhất, hy vọng có thể nhanh chóng hoàn thành văn kiện ràng buộc pháp lý “Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông” (COC), hơn nữa, các dấu hiệu hiện nay cho thấy, biện pháp “thu hoạch sớm” liên quan đến Bộ quy tắc có thể “gặt hái”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) ngày 28 tháng 1 năm 2015 |
Ông K. Shanmugam nói: “Chúng ta tin tưởng, Trung Quốc hy vọng khu vực có thể hòa bình và ổn định, Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông có liên quan chặt chẽ tới thúc đẩy tiến trình hòa bình và ổn định khu vực”.
Bài báo còn cho rằng, Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia là 4 nước thành viên tồn tại “tranh chấp chủ quyền Biển Đông” với Trung Quốc, trong đó, mâu thuẫn giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc là “gay gắt nhất”.
Bên cạnh đó, báo “Hoàn Cầu” Trung Quốc tuyên truyền một cách nực cười, thô thiển cho rằng, một số nước và báo chí nước ngoài đã “chỉ trích vô cớ” việc Trung Quốc lấn biển ở Biển Đông. Có lẽ bài báo liên tưởng tới một việc, đó là: Ngày 21 tháng 1 năm 2015, Mỹ và Philippines đã đồng thanh lên tiếng phê phán hoạt động lấn biển, xây đảo ở quần đảo Trường Sa là “hành vi khiêu khích”, yêu cầu Trung Quốc phải “lập tức chấm dứt mọi hành động ở Biển Đông”.
Yêu cầu này của Mỹ và Philippines không mới, nhưng nó được nhắc lại liên tục. Tại các hội nghị ASEAN và Đông Á gần đây ở Myanmar, họ cũng kêu gọi như vậy. Quốc hội Mỹ thậm chí ra nghị quyết lên án các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều tướng lĩnh Mỹ kêu gọi xây dựng các cơ chế trao đổi, giải quyết hòa bình. Các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi thực hiện DOC và tuân thủ luật pháp quốc tế v.v…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) ngày 28 tháng 1 năm 2015 |
Bất chấp, vẫn quen làm trò lừa đảo, báo “Hoàn Cầu” tiếp tục cho rằng: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần cho biết lập trường: "Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận, hoạt động của Trung Quốc ở các đá ngầm liên quan ở quần đảo Trường Sa là việc thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, không thể dị nghị. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở các đá ngầm liên quan chủ yếu là để cải thiện điều kiện công tác và sinh hoạt của nhân viên đồn trú trên đảo”.
Cùng ngày, báo “Hoàn Cầu” còn một bài viết khác vẫn giọng lừa đảo như trên, cho rằng: “Từ cổ đến nay, đá Chữ Thập luôn là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với đá Chữ Thập”. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Trung Quốc chẳng đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục và chính thống để chứng minh cho những tuyên bố “bành trướng” của họ.
Báo Trung Quốc còn quen thói “gắp lửa bỏ tay người”, cho rằng: “Mỹ-Philippines sở dĩ phản ứng mạnh mẽ như vậy đối với việc xây dựng công trình ở khu vực này của Trung Quốc là do họ có mục đích sâu xa”.
Bài báo “đẩy lỗi cho người” một cách cụ thể hơn: “Tích cực can thiệp vấn đề Biển Đông là bước đi quan trọng thúc đẩy thực hiện ‘tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương’ của Mỹ. Đối với Mỹ, tranh chấp giữa tất cả các nước ở Biển Đông đều là cái cớ và thời cơ để họ chủ động can thiệp”.
“Là bá chủ thế giới, Mỹ giương ngọn cờ bảo đảm tự do hàng hải Biển Đông, một mặt tái khẳng định ‘cam kết vững chắc với Philippines’ của Washington; mặt khác, chỉ trích Trung Quốc lấy lớn hiếp yếu, nhấn mạnh bảo vệ lợi ích của Philippines; mặt khác, chủ động tận dụng thời cơ sinh sự, thông qua lôi kéo, nói cứng, xây dựng cái uy với đồng minh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mở đường cho quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”.
Hình ảnh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 26 tháng 1 năm 2015 |
Ngoài đổ lỗi cho “nước lớn” Mỹ, báo Trung Quốc hay tự cho mình là “nước lớn” còn đổ lỗi cho “nước nhỏ” Philippines với giọng điệu hết sức kiêu ngạo và trịch thượng, khinh thường người khác, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nhất Philippines “dám cứng rắn đối đầu với Trung Quốc” là dựa vào quan hệ liên minh với Mỹ.
Hơn nữa, Philippines còn muốn tích cực thể hiện trước mặt Mỹ, chủ động làm tốt “lô cốt đầu cầu” và “tay sai” trong quá trình Mỹ thúc đẩy thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”. Ngoài ra, Philippines còn muốn thông qua tranh chấp, tận dụng cơ hội để làm ầm ĩ sự việc, từ đó thu lợi tối đa – giọng kiểu miệt thị của báo Trung Quốc.
Theo bài báo, hiện nay, tình hình quốc tế “nhấp nhô trầm bổng”, biến đổi thất thường, Trung Quốc theo sát trào lưu thế giới, nắm chắc thời kỳ cơ hội chiến lược, đẩy nhanh toàn diện các bước cải cách, phát triển, cố gắng nâng cao trình độ phát triển kinh tế. Từ đầu đến cuối, Trung Quốc kiên trì và tuân thủ phương châm nguyên tắc “hòa bình, tự chủ, cùng có lợi, cùng thắng, cùng phát triển”, luôn tích cực hoạt động trên vũ đài quốc tế bằng tư thế tích cực. Bất cứ lúc nào, Trung Quốc đều không đòi người khác nói đến đạo lý này, cũng càng không cho phép người khác chỉ trích, can thiệp.
Nói như bài báo này thì Trung Quốc là “chính nghĩa” trong mọi việc xảy ra ở Biển Đông từ trước đến nay? Trung Quốc không mắc “tội phạm chiến tranh” khi cho quân xâm lược vào các năm 1956, 1974, 1988…? “Trỗi dậy hòa bình” là bành trướng bằng được theo yêu sách “đường lưỡi bò”? Nguyên tắc “hòa bình” với nước khác là cho lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam để đe dọa, uy hiếp như năm 2014?
Nói chung, muốn có hòa bình và phát triển bền vững thì Trung Quốc đừng tham lam theo yêu sách “đường lưỡi bò”, vì không ai cho phép họ làm như vậy. Trên thế giới này, kẻ nào gây chiến tranh xâm lược chắc chắn sẽ nuốt quả đắng.