Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản (ảnh minh họa) |
Tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc ngày 18 tháng 2 có bài viết với mục đích tuyên truyền cho rằng, gần đây, có phương tiện truyền thông cho biết, Nhật Bản thông qua các con đường dự trữ nhiên liệu hạt nhân, trong đó có plutonium và uranium vật chất phóng xạ có mức độ làm giàu cấp vũ khí.
Đối với vấn đề này, ngày 17 tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" của phía Trung Quốc đối với nhiên liệu hạt nhân cấp vũ khí này của Nhật Bản.
Các chuyên gia vấn đề quốc tế Trung Quốc phân tích cho rằng, vấn đề Nhật Bản dự trữ lượng lớn nhiên liệu hạt nhân nhạy cảm nếu không được giải quyết, sẽ phá hoại nghiêm trọng hệ thống chống phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và an ninh quốc tế, khu vực.
Theo hãng Kyodo, Nhật Bản, trong những nhiên liệu hạt nhân được Nhật Bản dự trữ này, có hơn 300 kg plutonium cấp vũ khí là do Mỹ bàn giao cho Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhật Bản ban đầu mạnh mẽ phản đối trả lại số plutonium này, lý do là muốn số plutonium này dùng để nghiên cứu lò phản ứng nhanh.
Trong vài năm qua, Mỹ nhiều lần đưa ra yêu cầu, Nhật Bản cuối cùng đáp ứng trả lại, hiện nay, Mỹ có kế hoạch hoàn thành thỏa thuận trả lại với Nhật Bản trong thời gian tham gia Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân ở Hà Lan vào tháng 3.
Ngoài ra, có tin cho biết, Nhật Bản cũng đã tích trữ trên 1,2 tấn uranium làm giàu cao (gồm 215 kg uranium làm giàu cao cấp vũ khí tấn công) và khoảng 44 tấn plutonium phân tách.
Bom nguyên tử (ảnh minh họa) |
Chuyên gia cho rằng, Nhật Bản dự trữ nhiên liệu hạt nhân sẽ xảy ra vấn đề trên 2 phương diện: Một là rủi ro phổ biến hạt nhân, bởi vì phổ biến nhiên liệu hạt nhân là khâu nguy hiểm nhất trong chuỗi phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hai là cung cầu nhiên liệu hạt nhân mất cân bằng nghiêm trọng, hiện nay, nhiên liệu hạt nhân do Nhật Bản dự trữ đã vượt xa nhu cầu thực tế.
Nhà nghiên cứu Chư Húc Huy của Tập đoàn công nghiệp hạt nhân Trung Quốc cho biết, plutonium là một loại vật liệu cực kỳ nguy hiểm, một khi cơ thể con người hấp thụ sẽ gây nguy hại nghiêm trọng.
"1 gam plutonium có thể giết chết 10.000 - 100.000 người. Nhiên liệu hạt nhân nguy hiểm như vậy một khi rơi vào tay các phần tử khủng bố, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được".
Chư Húc Huy cho rằng, "Hướng dẫn quản lý nhiên liệu plutonium" của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế yêu cầu các nước thực hiện cân bằng cung cầu nhiên liệu hạt nhân, Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa ra cam kết với cộng đồng quốc tế về vấn đề này, "nhưng những năm gần đây, tổng số lượng nhiên liệu plutonium của Nhật Bản luôn không ngừng tăng lên, họ đã sớm từ bỏ cam kết".
Chư Húc Huy cho phàn nàn rằng, là nước ký kết "Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân", Nhật Bản dự trữ lượng lớn nhiên liệu hạt nhân nhạy cảm, đã đi ngược lại quy định quốc tế liên quan, cũng tự mâu thuẫn với cam kết của họ.
Tên lửa đẩy của Nhật Bản (ảnh minh họa) |
Bài báo "khuyên" Nhật Bản cần coi trọng sự nghi ngờ và quan ngại của cộng đồng quốc tế (Trung Quốc), trước hết cần trả lại plutonium cấp vũ khí cho Mỹ trước Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân Hà Lan, đồng thời cam kết không dự trữ nhiên liệu hạt nhân cấp vũ khí trong nước, đồng thời cũng cần nói rõ vấn đề mất cân bằng nghiêm trọng cung cầu nhiên liệu hạt nhân của mình, đưa ra phương hướng giải quyết vấn đề này và loại bỏ những ảnh hưởng có liên quan.
Khúc Tinh, viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản không thiếu vốn, công nghệ tiên tiến, trong nước cũng có nhà máy điện hạt nhân, từ nhà máy điện hạt nhân đến vũ khí hạt nhân, thực chất không có nhiều rào cản công nghệ.
Những năm gần đây, Nhật Bản cũng đã mua rất nhiều phế liệu nhà máy điện hạt nhân của châu Âu, nói là dùng để cho các mục đích hòa bình như phát điện, nghiên cứu, nhưng thực chất rốt cuộc có công dụng gì, quan trọng còn tùy thuộc vào chính sách hạt nhân quốc gia của Nhật Bản.
Theo chuyên gia Khúc Tinh của Trung Quốc, sau trận động đất lớn gây ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011, người dân Nhật Bản đã có những lời kêu gọi phản đối hạt nhân.
Khi giải thích phát triển năng lượng hạt nhân với người dân, Nhật Bản không chỉ đã tái khẳng định nguyên nhân nghèo năng lượng thường dùng, mà còn khẳng định an ninh quốc gia cần năng lượng hạt nhân, đưa ra nhân tố an ninh "rất gây nghi ngờ cho dư luận" (Trung Quốc).
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản (ảnh minh họa) |
Khúc Tinh tuyên truyền cho rằng: "Mỹ còn rất cảnh giác với Nhật Bản trong vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiện nay, Mỹ thúc giục Nhật Bản trả lại nhiên liệu hạt nhân, cũng không loại trừ có sự nghi ngờ đối với Nhật Bản".
Trần Khải, tổng thư ký Hiệp hội kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản không phải là quốc gia hạt nhân, lại còn tuyên bố kiên trì "Ba nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân", nhưng họ lại thông qua các con đường tích trữ rất nhiều nhiên liệu hạt nhân, "bất cứ ai và quốc gia nào có kiến thức cơ bản về sử dụng năng lượng hạt nhân đều sẽ nảy sinh mối quan ngại và lo lắng nghiêm trọng đối với cách làm của Nhật Bản".
Theo bài báo, Nhật Bản cần tuân thủ cam kết, thực hiện nghĩa vụ, lấy hành động thực tế để đáp lại mối quan tâm, xóa bỏ tai họa ngầm. Trần Khải cho rằng: "Cùng với việc duy trì cảnh giác cao với ý đồ thực sự của Nhật Bản, cộng đồng quốc tế cần tìm được biện pháp thiết thực giải quyết vấn đề, điều này bất luận đối với thể chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân hay đối với an ninh quốc tế, khu vực, đều là một nhu cầu rất cấp bách".
Tuy nhiên, trên báo Trung Quốc luôn thấy tuyên truyền là Trung Quốc sẽ tiến hành "đáp trả hạt nhân" khi cần thiết, và theo các nguồn tin thì Trung Quốc đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân của họ, đang tập trung phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có thể lắp nhiều đầu đạn hạt nhân hoạt động độc lập, đó là tên lửa chiến lược Đông Phong-41 (DF-41).
Truyền thông Trung Quốc liên tục tuyên truyền Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, loại tên lửa có thể lắp 10 đầu đạn hạt nhân hoạt động độc lập. |
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược, gia tăng xây dựng các quân cảng khổng lồ trên Biển Đông, trong đó có căn cứ tàu ngầm Tam Á.
Đặc biệt, nhiều động thái từ Trung Quốc cho thấy, họ đang đẩy mạnh phát triển hải quân, không quân phục vụ cho tham vọng lãnh thổ trên biển "đường lưỡi bò" bất hợp pháp. Đây thực sự là điều đáng quan ngại và cần hết sức cảnh giác của cộng đồng quốc tế.