Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 8 tháng 3 dẫn báo Nga đưa tin, Trung Quốc tập trung chi tiêu quân sự cho phát triển công nghệ thông tin hiện đại cho các quân chủng của nước này, trong tương lai không xa, sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ không thua kém Mỹ, đặc biệt là do kinh tế của họ không còn kém Mỹ. Mục tiêu của họ là hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2020 - điều này là khả thi.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận |
Theo bài báo, sau khi Trung Quốc phát triển mạnh mẽ không quân và lực lượng phòng không, đã đến lúc họ đổi mới hải quân. Đây là vấn đề cấp bách, vì Mỹ có lợi ích địa-chính trị quan trọng ở khu vực, trong khi Trung Quốc tích cực thúc đẩy tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.
Theo chuyên gia Nga, Bắc Kinh sẽ tập trung phần lớn nguồn lực để đầu tư cho hải quân, nhất là tàu ngầm, tàu săn ngầm và tàu đổ bộ (dùng để đánh chiếm đảo). Trung Quốc vừa công bố ngân sách quốc phòng năm 2015 sẽ tăng 10,1%, tiếp tục duy trì tăng trưởng 2 con số (từ năm 2010), điều này giúp họ thu hẹp khoảng cách chi tiêu quốc phòng với Mỹ (đang giảm đi).
Trung Quốc còn đang tập trung chế tạo tàu sân bay nội, đồng thời thực thi chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài gia nhập quân đội.
Báo Mỹ: Việt Nam tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó "bành trướng"
Mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 5 tháng 3 dẫn tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ đưa tin, rất nhiều nước láng giềng Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu mới và các vũ khí trang bị khác để thúc đẩy xây dựng hiện đại hóa sức mạnh quân sự.
Tàu ngầm Hải Phòng HQ184 của Hải quân Việt Nam (ảnh tư liệu) |
Để ứng phó với các cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc (do họ bành trướng lãnh thổ gây ra), không ít quốc gia châu Á vẫn không có lý do tiến hành điều chỉnh đối với việc chuẩn bị quân sự đã tiến hành từ lâu. Đáng chú ý, chi tiêu quân sự của Trung Quốc lớn gấp trên 5 lần so với các nước láng giềng của họ cộng lại.
Bài viết cho rằng, Indonesia gần đây đã mua sắm tàu hộ vệ và máy bay trực thăng vũ trang của Mỹ và cho rằng để ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng bài viết cũng lưu ý là Indonesia cũng mua sắm tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không... của Trung Quốc, và có thể dùng để đối phó với sức mạnh quân sự của Malaysia và Australia.
Ngoài ra, theo bài báo, mặc dù Trung Quốc cam kết đầu tư vài tỷ để xây dựng cảng biển và hạ tầng cơ sở ở khu vực, đem lại "lợi ích to lớn" cho láng giềng (?), nhưng vẫn không hoàn toàn làm mất đi căn nguyên sâu xa của tình hình căng thẳng (do Trung Quốc bành trướng lãnh thổ gây ra).
Chẳng hạn, Việt Nam gần đây mua sắm 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga có ý nghĩa mang tính cột mốc. Việt Nam còn mua 6 tàu hộ vệ và tăng số lượng máy bay chiến đấu Sukhoi lên 36 chiếc, đều mua từ Nga.
Tàu hộ vệ tàng hình Lý Thái Tổ HQ-012 của Hải quân Việt Nam (ảnh tư liệu) |
Theo bài viết, các nước nhỏ như Việt Nam không có ý định thách thức sức mạnh quân sự của Trung Quốc (!), nhưng muốn Trung Quốc phải tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra yêu sách lãnh thổ (có tính chất bành trướng, xâm lược, vô lý, phi pháp). Việt Nam đã tuyên bố là kế hoạch quân sự của mình không hề nhằm vào Trung Quốc, mua sắm trang bị phòng thủ là việc làm bình thường của tất cả các nước trên thế giới (Trung Quốc đang phát triển mọi loại vũ khí trang bị để làm gì thì ai cũng thấy rõ).
Bài viết cũng khẳng định các nước Nhật Bản, Ấn Độ có nhu cầu bình đẳng quân sự với Trung Quốc thông qua việc phát triển các lực lượng dùng để tác chiến biên giới và vũ khí tên lửa tầm xa (của Ấn Độ), hay phát triển lực lượng tác chiến đổ bộ, ngăn chặn kẻ xâm lược biển đảo, mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 (Nhật Bản).
Bài viết cho rằng, các nước đồng minh châu Á được Mỹ khuyến khích tăng cường sức mạnh quân sự, nhất là Nhật Bản nhằm hỗ trợ Mỹ và mang lại lợi ích khi Mỹ bán vũ khí.
Những vũ khí Mỹ đã chào bán thành công cho Ấn Độ đã được Tổng thống Obama chứng kiến khi thăm Ấn Độ như máy bay tuần tra săn ngầm P-8I, máy bay vận tải C-130J, những trang bị này có thể được Ấn Độ dùng cho tác chiến ở biên giới với Trung Quốc (hay săn ngầm ở Ấn Độ Dương - nơi tàu ngầm Trung Quốc bắt đầu triển khai hoạt động như thăm cảng Sri Lanka vào năm 2014).
Bài viết nhấn mạnh sự cải thiện của quan hệ Việt-Mỹ, nhất là Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và coi đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường sức mạnh quân sự, từ đó ngăn chặn các hành động (bành trướng lãnh thổ) của Trung Quốc trong tương lai. Dẫn lời chuyên gia, bài viết cho rằng, kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Việt Nam gây bất an cho Bắc Kinh, song chuyên gia Trung Quốc lại tỏ ra coi thường điều này, vì Việt Nam là "nước yếu", Trung Quốc là "nước mạnh".
Bài viết nhấn mạnh Việt Nam và Philippines đang tăng cường hợp tác quân sự, trong đó có hợp tác quốc phòng... Trên thực tế, đây là hợp tác bình thường trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều vấn đề an ninh nổi lên do các hành động bất hợp pháp xâm phạm chủ quyền nước khác ở khu vực Biển Đông hiện nay.
Bài viết cũng nhấn mạnh đến các hoạt động mua sắm vũ khí trang bị của Malaysia và Indonesia. Bài viết cho rằng, các nước Đông Nam Á tăng cường sức mạnh quân sự là "duy trì hoạt động bình thường của quân đội".
Theo bài viết, nếu tình hình căng thẳng tiếp tục xấu đi thì khả năng xảy ra xung đột vũ trang "cực kỳ nghiêm trọng". Trung Quốc cũng không hy vọng vũ khí trang bị hiện đại được bố trí dày dặc ở xung quanh (nếu như thế thì họ nên từ bỏ bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông càng nhanh càng tốt).
Bài viết thống kê tình hình mua sắm vũ khí trang bị của một số nước láng giềng châu Á của Trung Quốc như sau: Ấn Độ đặt mua 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, 22 máy bay trực thăng vũ trang AH-64E Apache của Mỹ. Indonesia mua 3 tàu ngầm của Hàn Quốc, 24 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, 16 máy bay chiến đấu Su-27/Su-30 của Nga, 8 máy bay trực thăng vũ trang AH-64E Apache của Mỹ. Nhật Bản đã biên chế và có kế hoạch biên chế 4 tàu sân bay trực thăng, mua 42 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 17 máy bay vận tải cánh xoay nghiêng V-22 Osprey.
Súng trường Galil của Quân đội Viêt Nam |
Malaysia mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp, 6 tàu hộ vệ lớp Gowind của Pháp. Philippines mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 Hàn Quốc, 2 tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ. Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo, 6 tàu hộ vệ lớp Gepard, 36 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 của Nga.
Việt Nam-Israel ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng
Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 5 tháng 3 đưa tin, ngày 3 tháng 3, Bộ Quốc phòng Việt Nam tuyên bố, Việt Nam và Israle ký kết Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng, nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như hoạt động quân sự, chuyển nhượng công nghệ, hợp tác công nghiệp quân sự. Bộ Quốc phòng Việt Nam không tiết lộ chi tiết của thỏa thuận.
Theo bài báo, trong vài lĩnh vực triển khai hợp tác tiềm năng của hai nước, Việt Nam có thể sẽ mua và thực hiện chuyển nhượng công nghệ từ Israel, từ đó giúp Việt Nam tiến hành nội địa hóa việc sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu. Để ứng phó với “mối đe dọa chiến lược” ngày càng tăng lên, Việt Nam rất quan tâm tới các hệ thống quân sự do Israel chế tạo, chẳng hạn hệ thống chỉ huy kiểm soát máy bay không người lái Heron do Công ty công nghiệp hàng không Israle sản xuất và một loạt hệ thống mặt đất của họ.
Năm 2014, Israel và Việt Nam đã công bố kế hoạch thành lập Ủy ban liên hợp, nhằm làm rõ lĩnh vực quan hệ thương mại và hợp tác quốc phòng của hai bên. Ngoài ra, hai bên cũng đã ký thỏa thuận hợp tác kỹ thuật an ninh lãnh thổ và bảo vệ thông tin cơ mật của đối phương.
Tháng 2 năm 2014, hai nước đã khởi động chương trình hợp tác công nghiệp quốc phòng đầu tiên, đó là Công ty công nghiệp vũ khí Israel xây dựng một nhà máy trong nhà máy Z111 Việt Nam, đồng thời cùng doanh nghiệp địa phương hợp tác sản xuất súng trường tấn công Galil do công ty Israel thiết kế cho Lục quân Việt Nam.