Giàn khoan nước sâu 981 Trung Quốc |
Tờ "Thanh niên online" Trung Quốc ngày 24 tháng 7 có bài viết tuyên truyền xuyên tạc về Biển Đông, phản ánh sự thèm khát lãnh thổ, vùng biển, dầu khí của Việt Nam và nước khác ở Biển Đông. Báo GDVN xin đăng lại nội dung bài viết để độc giả rộng đường tham khảo.
Bài báo tự tin cho rằng, lấy giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 làm đại diện, Trung Quốc đang chiếm “điểm cao khống chế” trong lĩnh vực khai thác tài nguyên ở Biển Đông (đương nhiên là có hoạt động phi pháp như việc hạ đặt giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vừa qua).
Mặc dù là hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế rất rõ ràng, được dư luận quốc tế chỉ ra, nhưng báo Trung Quốc vẫn tuyên truyền rằng: “Vào trung tuần tháng 7, giàn khoan 981 Trung Quốc đã hoàn thành công tác khoan thăm dò ở cái gọi là "vùng biển quần đảo Tây Sa" (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), chuyển sang tiếp tục hoạt động ở vùng biển gần đảo Hải Nam”
Theo bài báo, trong thời gian hơn 1 tháng, Trung Quốc và Việt Nam đã “diễn ra nhiều đợt đối đầu trên biển” xung quanh giàn khoan này, hơn 100 tàu công vụ và tàu cá của hai bên “qua lại như thoi đưa”, gây sự quan tâm cho dư luận quốc tế.
Trung Quốc cho tàu chiến, máy bay quân sự xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. |
Theo bài báo, cùng với chuyện “ầm ĩ” có liên quan kết thúc, tạp chí “Nhà quân sự” Đài Loan tổng kết cho rằng, đối đầu trên biển giữa Trung-Việt hoàn toàn không bất ngờ.
Báo Trung Quốc cho rằng “Việt Nam luôn muốn tiến hành khai thác dầu khí ở Biển Đông”, nhưng, xuyên tạc rằng “xuất phát từ sự cân nhắc để tình hình ổn định, Trung Quốc tương đối dè dặt trong yêu sách lợi ích kinh tế thực tế”.
Bài báo để lộ ý đồ dùng vũ lực để cướp đoạt lãnh thổ, vùng biển, tài nguyên của Việt Nam, cho rằng: “Đến nay, cùng với việc khai thác dầu khí Biển Đông được đẩy tới vùng nước sâu, Trung Quốc quyết tâm không chờ đợi tiêu cực nữa, mà lợi dụng ưu thế về sức mạnh quốc gia tổng hợp (vũ lực) và khoa học công nghệ (giàn khoan), chiếm trước điểm cao khống chế (lợi thế) trong khai thác dầu khí biển sâu”.
Lợi dụng ưu thế của giàn khoan 981
Theo bài báo, sự xuất hiện của giàn khoan 981 được cho là “cột mốc” Trung Quốc thoát khỏi toàn diện sự lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ thăm dò và giếng khoan nước sâu. Ngay từ năm 2007, Trung Quốc đã chế tạo giàn khoan SE-VAN650 cho công ty SEVANMARINE của Na Uy, đã tích lũy được kinh nghiệm liên quan.
Tàu Trung Quốc dâm chìm tàu Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: Đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngăn chặn không cho cứu ngư dân của tàu cá này. |
Tháng 8 năm 2007, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty Aker Kvaerner MH Na Uy ký kết “hợp đồng thiết bị giàn khoan nửa chìm biển sâu”, cùng năm bắt đầu chế tạo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 (vừa hạ đặt phi pháp ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam).
Năm 2009, Trung Quốc và Công ty Total Pháp chính thức đầu tư vào giếng dầu nước sâu hợp tác khai thác ở Nigeria, tiếp tục cho thấy công nghệ thăm dò dầu khí biển sâu của Trung Quốc từng bước trở nên hoàn thiện.
Theo bài báo, giàn khoan 981 do Viện nghiên cứu 708 của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc thiết kế, bản gốc công nghệ đến từ Công ty giàn khoan F&G của Mỹ. Ngày 26 tháng 2 năm 2010, giàn khoan 981 chính thức hoàn thành tại cơ sở chế tạo ở Thượng Hải.
Thông tin công khai cho biết, nó thuộc giàn khoan thế hệ thứ 6, có thể tiến hành khoan thăm dò ở vùng biển sâu 3.000 m, độ sâu khoan có thể đạt 10.000 m. Ngày 9 tháng 5 năm 2012, giàn khoan 981 đã “khoan thử thành công” lần đầu tiên ở vùng biển sâu 1.496 m, cách Hồng Kông khoảng 320 m về phía đông nam, sau đó tiến ra vùng nước sâu Biển Đông.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: định đâm chìm tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam. |
Theo bài báo, giàn khoan 981 giúp cho Trung Quốc đã có được khả năng khoan thăm dò nước sâu mà các nước ven Biển Đông khác không có được, làm cho Trung Quốc “giành được quyền chủ động” trong khai thác tài nguyên dầu khí ở đáy Biển Đông (vào cả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua, bất chấp luật pháp quốc tế).
“Dựa vào sức mạnh phi quân sự giành quyền chủ động”
Theo bài báo, “tranh chấp chủ quyền” giữa Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông (do Trung Quốc gây ra) “hoàn toàn không phải là việc gì mới”. Nhưng, những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu xuất hiện “mô hình đã định” khi “xử lý tranh chấp biển (cướp đoạt biển đảo) ở xung quanh.
Bài báo cho rằng, về ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục thông qua quan hệ đa phương và song phương để “kiểm soát cục diện” như thảo luận vấn đề Biển Đông tại hội nghị hàng hải liên quan với các nước ASEAN, đồng ý đưa Tuyên bố về hành vi ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) nâng lên thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian thích hợp (thực ra thì Trung Quốc luôn muốn trì hoãn điều này, tìm mọi cách dùng thực lực làm thay đổi hiện trạng để có lợi khi xây dựng COC).
Tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. |
Theo bài báo, Trung Quốc còn tiếp tục tăng cường tương tác ngoại giao với “các nước trọng điểm” như lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo Trung-Việt vào năm 2011, lập đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Trung-Việt vào năm 2014.
Về kinh tế, Trung Quốc tiếp tục tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, năm 2007, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, xuất hiện nhập siêu trong thương mại với ASEAN, tình hình này làm cho không ít ngành nghề của ASEAN phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Năm 2012, trong thời gian đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough (thực ra là Trung Quốc ăn cướp), Trung Quốc đã thông qua (thủ đoạn) hủy đơn đặt hàng liên quan với Philippines, tấn công tiêu thụ hàng nông sản của Philippines.
Trong tranh chấp đảo đá ở Biển Đông (Trung Quốc đã xâm lược và đòi xâm lược nốt), Trung Quốc tiếp tục “tăng cường xây dựng hạ tầng và xây dựng hệ thống bảo vệ chủ quyền đa tầng” (đây là một hành động phi pháp, vì Trung Quốc không có chủ quyền với các đảo ở Biển Đông).
Tàu cá QNg 96382 Việt Nam bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy ca bin (ảnh tư liệu) |
Tháng 7 năm 2012, Trung Quốc đã thiết lập (phi pháp) cái gọi là thành phố Tam Sa, đồng thời sau khi Hải quân Trung Quốc tân trang một số tàu chiến cũ, đã lập ra “đại đội tuần tra Biển Đông” với 6 tàu tuần tra, tăng cường “tiếp tế, hộ tống và tuần tra (phi pháp) đối với các đảo ở Biển Đông”.
Năm 2013, tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 12, Trung Quốc chính thức sáp nhập các đơn vị chấp pháp biển như ngư chính, hải cảnh, hải giám thành Hải cảnh Trung Quốc.
Theo bài báo, điều này có nghĩa là: “Trong “xung đột chủ quyền vùng biển xung quanh Trung Quốc tương lai (Trung Quốc xâm lược), tàu chiến chủ lực của Hải quân Trung Quốc sẽ đóng vai trò thứ yếu, lực lượng chấp pháp biển đóng vai trò chủ yếu, đạt được hiệu quả tuyên bố chủ quyền về mặt luật pháp, hơn nữa do nó là lực lượng phi quân sự, trong xung đột cũng có thể giảm thấp rủi ro”.
Bài báo cho rằng, trong vòng đối đầu mới ở Biển Đông có thể thấy, Trung-Việt đều tương đối kiềm chế, chỉ sử dụng lực lượng hải cảnh (thực ra đây là tuyên truyền bịa đặt, Trung Quốc đã sử dụng các tàu chiến như tàu hộ vệ Type 054A, tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, máy bay quân sự… uy hiếp, đe dọa Việt Nam), hai bên có tương tác đường dây nóng về ngoại giao, tình hình còn lâu mới nóng lên đến mức xảy ra xung đột quân sự.
Tảu hải cảnh lớp 5.000 tấn Trung Quốc |
Do vấn đề Biển Đông được quốc tế quan tâm, để “giành được lợi thế dư luận – hành động có danh chính ngôn thuận và được quốc tế đồng tình”, các bên đều không muốn nổ phát súng đầu tiên. Kết quả, Trung Quốc không cần dựa vào hợp tác quốc tế vẫn có thể “tự khai thác dầu khí” ở Biển Đông. Còn trong đối đầu trên biển, Hải cảnh Trung Quốc rõ ràng chiếm ưu thế về số lượng và chất lượng, cho nên dễ dàng giành được quyền chủ động hơn.
Như vậy, bài viết này phần nào đã phản ánh rõ ý đồ, thủ đoạn của Trung Quốc trong việc tìm cách chiếm đoạt chủ quyền, tài nguyên, đe dọa, uy hiếp an ninh của Việt Nam và các nước ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế.
Nhưng hiệu quả của các thủ đoạn này thế nào thì phải trải qua thực tế mới biết được, tin rằng, những thủ đoạn này sẽ hoàn toàn thất bại. Bởi vì, các nước ven Biển Đông cũng như cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ ý đồ, thủ đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, không bao giờ cho phép Trung Quốc thích làm gì thì làm.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng thiêng, sẽ đánh bại mọi thế lực thù địch nhòm ngó lãnh thổ! |