The Straits Times ngày 9/5 đưa tin, hơn 20 ngàn nhân viên an ninh Philippines đã được điều động đến các điểm bầu cử, nơi 54 triệu dân quốc gia này hôm nay bỏ phiếu lựa chọn ra vị Tổng thống mới thay thế ông Aquino sắp mãn nhiệm.
Ứng cử viên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: The Straits Times. |
Cuộc bầu cử đã bị ảnh hưởng bởi những báo cáo về bạo lực, mua phiếu tràn lan, kể cả đe dọa lẫn uy hiếp. Tuy nhiên Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Andres Bautista cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng bất kỳ người nào thắng cử cũng được mọi người chấp nhận và tôn trọng."
Hiện tại mọi sự chú ý của dư luận đang đổ dồn vào ứng viên Rodrigo Duterte, Thị trưởng thành phố Davao, một nhân vật gây tranh cãi sâu sắc không khác gì Donald Trump trong bầu cử Tổng thống Mỹ. The Straits Times cho rằng, ông Duterte sẽ phải đối mặt với sự chia rẽ trong cả nước vì nhiều người không ủng hộ, bao gồm quân đội.
Ông Duterte năm nay 71 tuổi, cương lĩnh tranh cử của ông tập trung vào sự bất mãn của người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và dân nghèo với lập luận rằng, họ không được hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách cải cách kinh tế của chính phủ tiền nhiệm, họ khó chịu vì tội phạm và tham nhũng tràn lan.
Hầu hết các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Duterte đang dẫn đầu trong số 5 ứng viên và bỏ lại phía sau thượng nghị sĩ Grace Poe xếp thứ 2 với khoảng cách 11% tỉ lệ ủng hộ.
Duterte đưa ra những lời hứa rất kêu, ông sẽ quét sạch tội phạm trong vòng 3 tháng nếu trúng cử, sẽ sửa đổi Hiến pháp. Những cam kết này được giới phân tích tin rằng chỉ nhằm kiếm phiếu bầu mà không khả thi.
Thông thường với khoảng cách 11% có thể đảm bảo cho ông Duterte trở thành Tổng thống, nhưng trong trường hợp có những 5 ứng viên tranh cử, các nhà phân tích không loại trừ kết quả bất ngờ, bởi khoảng 25% cử tri Philippines vẫn chưa quyết định.
Kết quả bầu cử Tổng thống Philippines năm nay đang nằm trong sự chú ý theo dõi sát sao của các nhà đầu tư nước ngoài. Dưới thời chính phủ Tổng thống Benigno Aquino III, một chương trình cải cách kinh tế tập trung đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, giảm nợ công từ 75% năm 2004 xuống còn 45%.
Chính sách tài chính mạnh mẽ của Chính phủ Aquino đã giúp kinh tế Philippines phát triển khá mạnh. Nhưng hậu bầu cử 2016 kinh tế Philippines sẽ ra sao vẫn còn là một ẩn số.
Về mặt đối ngoại, 6 năm nắm quyền của Tổng thống Aquino đã nâng cao vai trò địa chính trị của Philippines, đặc biệt là trước chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông với vụ kiện đường lưỡi bò ra Tòa Trọng tài Thường trực và khả năng phán quyết sẽ có trong một vài tuần tới.
Chính phủ các nước trong khu vực cũng đặc biệt quan tâm đến chính sách đối ngoại của Philippines hậu bầu cử, sau khi ông Duterte công bố ông sẽ đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về Biển Đông nếu sau 2 năm các giải pháp pháp lý không có kết quả.
Trong khi trên thực tế Philippines đã có 18 năm đàm phán với Trung Quốc nhưng không đi đến đâu, bởi một mệnh đề không thể nào chấp nhận từ phía Bắc Kinh: Chấp nhận về nguyên tắc, chủ quyền Biển Đông thuộc Trung Quốc sau đó mới đàm phán - PV.