Bí quyết ôn thi của nữ thủ khoa xinh đẹp người dân tộc Tày

05/06/2021 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hoàng Thị Thu chia sẻ, muốn đạt kết quả tốt thì phải lập kế hoạch ôn tập cụ thể, phù hợp với thế mạnh của bản thân.

Cân đối thời gian với từng môn học

Năm học 2020-2021, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội có 12 thủ khoa đầu vào trong kỳ tuyển sinh của các ngành học. Một trong số đó, có nữ thủ khoa đầu vào ngành Đông Phương học với số điểm 28,5 khối C00.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô gái dân tộc Tày nhỏ bé Hoàng Thị Thu, thủ khoa đầu vào ngành Đông Phương học chia sẻ: “Kết quả đó là cả quá trình nỗ lực của em ngay từ khi mới học lớp 11.

Thực ra, ban đầu mục tiêu của em là vào Trường Đại học Luật Hà Nội nhưng sau nhiều băn khoăn và lớn nhất là sự thu hút của ngành Đông phương học em đã chọn nguyện vọng được học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn”.

Hoàng Thị Thu - Thủ khoa đầu vào khối C00 ngành Đông phương học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. (Ảnh NVCC)

Hoàng Thị Thu - Thủ khoa đầu vào khối C00 ngành Đông phương học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. (Ảnh NVCC)

Khối C00 theo nguyện vọng của Hoàng Thị Thu gồm 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý.

Làm quen với kiến thức môn Lịch sử lớp 12 từ khi chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi vượt cấp lớp 11, đó chính là một lợi thế đối với bộ môn này khi Thu bước vào kỳ thi đại học.

“Lớp 11 em có tham gia các diễn đàn ôn luyện khối C, vì phải ôn tập cả những câu hỏi nâng cao cho kỳ thi học sinh giỏi nên em có được kết nối với thầy giáo Hồ Như Hiển, dạy trực tuyến môn Lịch sử nổi tiếng trên mạng lúc bấy giờ.

Em xem các video trên kênh youtube của thầy và một số câu hỏi nâng cao khó em đã chủ động nhắn tin và rất may mắn được nhận sự hồi đáp của thầy”, Thu cho biết.

Lịch Sử được xem là môn học thế mạnh của Hoàng Thị Thu.

“Để môn học trở thành thế mạnh của bản thân thì đó chắc chắn phải là môn học mình yêu thích nhất”, Thu chia sẻ.

Thu dành tình yêu và theo đuổi với môn Lịch sử bắt đầu từ thời gian em học trung học cơ sở, điều đó cũng giúp em có một lượng kiến thức nhất định khi học lớp 12. Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12, Thu đạt giải nhất môn Lịch sử.

Đó cũng chính là lý do khi các bạn cùng khối bắt tay vào ôn tập các kiến thức cơ bản của môn Lịch sử thì Thu đã có thể luyện đề và làm được cả phần nâng cao.

Hai năm học lớp 10 và 11, Thu dành khá nhiều thời gian cho bộ môn Lịch sử nên ở lớp 12 em có nhiều thời gian mà tập trung vào hai môn còn lại.

“Trong quá trình ôn tập, em chia thời gian biểu khá rõ ràng và nghiêm túc để thực hiện. Vì em học không giỏi môn Địa lý nên thường dành khoảng thời gian tỉnh táo nhất là vào buổi sáng để ôn tập, thường từ 7h-11h30 hàng ngày.

Buổi chiều em thường ôn tập môn Lịch sử. Đó là thời gian không thể tập trung cao độ nên em dành cho môn học mà mình đã nắm chắc”, Thu nói.

Riêng với môn Ngữ văn, Thu cho rằng quan trọng nhất chính là nghe giảng và đọc sách. Như vậy chi tiết nào của môn học này em cũng tập trung hết mức có thể.

Thu cho biết: “Sách tham khảo Ngữ văn em không có nhiều, chủ yếu đọc và nghe lại những tác phẩm liên quan trên mạng internet.

Môn Ngữ văn em thường học vào khoảng từ 19h-22h30 hàng ngày, tuy nhiên thời kỳ gấp rút thì em học muộn hơn một chút nếu thấy sức khoẻ đảm bảo.

Em học trong khoảng thời gian khá dài nên thường chia ra thành những giờ nghỉ ngắn khoảng 5 phút khi quá mệt hoặc không thể tập trung”.

Ước mơ quảng bá văn hóa quê hương

Đối với các phương pháp ôn thi, đúc rút kinh nghiệm, Hoàng Thị Thu cho biết nên tập trung để nghe giảng trên lớp. Việc tham khảo bằng tất cả các phương tiện có thể cũng là một cách tiếp nhận thêm kiến thức môn học.

Thu chia sẻ: “Tùy vào đặc điểm từng môn học để em thực hiện việc tập trung triển khai ôn tập. Ví dụ môn Ngữ văn em nghĩ nên tham khảo nhiều thầy cô càng tốt. Lúc ôn thi em có tham khảo 5 thầy cô trên mạng và tiếp thu được rất nhiều kiến thức.

Còn đối với môn không là thế mạnh như Địa lý thì em tập trung hơn trong thời gian nước rút. Với môn học này em không tham khảo thầy cô trên mạng mà tự học bám sát theo kiến thức sách giáo khoa và kiến thức cô giáo dạy trên lớp.

Khi ôn tập thì em có kết hợp học kiến thức kèm với atlat. Điều đó giúp em nhớ lâu cũng như tiếp thu kiến thức cũng dễ dàng hơn”.

Việc ôn thi tốt nghiệp được cô gái người Tày lên kế hoạch cụ thể từ trước, phân bổ thời gian cho các môn học một cách hợp lý, đồng thời em cũng không quá đặt nặng mục tiêu cho bản thân, giảm bớt căng thẳng trong quá trình ôn thi.

Ngoài ra, để chuẩn bị tâm lý cho học sinh, nhà trường cũng tổ chức nhiều kỳ thi thử để các em làm quen, giảm bớt lo lắng, áp lực tâm lý.

Đang trong thời gian chống dịch Covid-19 nên Hoàng Thị Thu cùng các bạn vẫn đang học trực tuyến vì chương trình học chưa kết thúc.

Vì ngành học có liên quan đến các ngôn ngữ, văn hóa nhiều nước nên trong thời gian rảnh Thu đang bổ sung thêm kiến thức về ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc.

Cô gái Tày nhỏ bé kết thúc câu chuyện với tôi bằng một ước mơ giản dị: “Ước mơ của em trở thành hướng dẫn viên du lịch. Là người dân tộc thiểu số, em mong muốn có thể quảng bá văn hóa, bản sắc dân tộc quê hương Cao Bằng đến nhiều nơi”.

Cao Kim Anh