Thi tốt nghiệp môn Lịch sử, thí sinh nên ôn luyện theo công thức “5W + 1H”

04/05/2021 06:54
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để việc ôn luyện môn Lịch sử đạt hiệu quả tốt nhất, cô Thu Hương khuyên học sinh hãy lập sơ đồ tư duy cho mỗi vấn đề.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Thu Hương – giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội - giáo viên Lịch sử tại Hệ thống giáo dục HOCMAI có những chia sẻ hữu ích giúp các em ôn luyện môn Lịch sử đạt hiệu quả cao trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021.

Ôn tập tổng quan kiến thức

Đây là khoảng thời gian vàng, các em cần gấp rút ôn luyện, đi từ khái quát đến cụ thể. Theo đó, học sinh cần nắm được tổng thể nội dung kiến thức lịch sử có thể xuất hiện trong đề thi Tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cô Thu Hương cho biết: “Với kiến thức lớp 11, các em cần ôn tập chủ yếu phần Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến 1918. Ở chương trình Lịch sử lớp 12, học sinh chú trọng ôn luyện các phần kiến thức gồm: Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000; Lịch sử thế giới từ năm 1945 đến năm 2000”.

Thông thường tỷ lệ câu hỏi nằm trong phần kiến thức lớp 11 chiếm 10% còn 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và không có nội dung kiến thức chương trình lớp 10. Các câu hỏi thuộc chương trình kiến thức lớp 11 chủ yếu ở mức độ Nhận biết; Thông hiểu; Vận dụng và không có câu hỏi Vận dụng cao

Cô Lê Thị Thu Hương – giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Cô Lê Thị Thu Hương – giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Để việc ôn luyện đạt hiệu quả tốt nhất, cô Thu Hương khuyên học sinh hãy lập sơ đồ tư duy cho mỗi vấn đề, từ đó các em sẽ hiểu lịch sử và dễ dàng trả lời các dạng câu hỏi trong đề thi.

Ngoài việc tự ôn tập hàng ngày hay ôn luyện thông qua các giờ học trên lớp, các em có thể tìm thêm cho mình nhiều phương pháp ôn luyện khác nhau sao cho đạt hiệu quả tốt nhất trong thời gian này như: lập các nhóm ôn luyện offline, online để thường xuyên trao đổi kiến thức, hỗ trợ nhau trong quá trình ôn thi; học thêm các khóa học của các giáo viên nổi tiếng, có kinh nghiệm trong việc luyện thi; tìm hiểu thêm tài liệu ôn thi thông qua các trang web, youtube hay facebook…

Luyện nhiều đề

Từ việc ôn luyện kiến thức, các em hãy tổng hợp lại kiến thức bằng cách thường xuyên luyện đề thi, để vừa làm quen với các dạng câu hỏi trong đề thi, vừa tìm ra được chiến thuật làm bài hợp lí cho mình.

Các em có thể luyện trực tiếp trên đề thi của các năm trước, hoặc từ đề thi do giáo viên trên lớp cung cấp; hoặc tìm kiếm các đề tham khảo trên mạng để luyện tập hàng ngày.

Việc luyện tập làm đề thường xuyên chắc chắn sẽ giúp các em tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức, từ đó tạo nên tâm lý vững vàng khi đối diện với đề thi trong kì thi chính thức.

Với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh phải trả lời 40 câu hỏi trong vòng 50 phút, do đó, có chiến thuật làm bài hợp lí sẽ giúp các em dễ dàng quản lí thời gian và hoàn thành tốt bài thi.

Trong đề thi Lịch sử có các dạng câu hỏi học sinh cần chú như:

Câu hỏi chọn 1 phương án đúng trong 4 phương án; Câu hỏi yêu cầu thí sinh đọc hiểu 1 đoạn tư liệu; Câu hỏi chọn 1 phương án phủ định trong 4 phương án; Câu hỏi đưa các sự kiện và sắp xếp đúng theo thời gian.

Cô Thu Hương chia sẻ, phương pháp chung để làm được các dạng câu hỏi này là các em hãy đọc kĩ câu hỏi, gạch chân từ khóa xuất hiện trong câu hỏi, sau đó đọc kĩ 4 phương án, phương án nào biết chính xác là đúng thì phải đánh dấu ngay. Với những câu hỏi mà các em cảm thấy không biết chắc chắn đáp án thì hãy bỏ qua để làm câu khác trước.

Sau khi các em đã làm xong các câu mình tự tin là chính xác thì quay lại nghĩ tiếp các câu mình còn nghi ngờ, lúc này thí sinh có thể dùng phương pháp loại trừ để chọn ra phương án đúng. Các em tuyệt đối không nên thấy khó mà bỏ qua không làm.

Ôn tập theo công thức “5W + 1H”

Đối với mỗi nội dung môn Lịch sử, các em nên học theo công thức “5W + 1H”. Công thức “5W + 1 H” là viết tắt của các “từ khóa” trong tiếng Anh, gồm: What – Vấn đề đó là gì? sự kiện nào đã xảy ra, Why – Tại sao lại có sự kiện đó? When – sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm nào, Who – Ai/Giai cấp/Tổ chức nào là người có tầm ảnh hưởng đến sự kiện đó?, Where – Sự kiện xảy ra ở đâu và gắn với không gian nào? và How – Sự kiện đó diễn ra như thế nào và có đặc điểm gì?

Việc vận dụng công thức “5W + 1 H” này giúp các em hình dung cụ thể về những vấn đề xoay quanh một sự kiện, không bị nhầm lẫn với sự kiện khác. Tuy nhiên các em cũng không nên quá máy móc, vì trong một số trường hợp sự kiện lịch sử không cần phải chi tiết, cụ thể về ngày/ tháng/ năm mà mang “tính tương đối”.

Chuẩn bị tinh thần và sức khỏe thật tốt

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kì thi chính thức diễn ra, bên cạnh việc ôn luyện kiến thức, các em cũng cần có kế hoạch học tập phù hợp, ăn uống đầy đủ chất, sắp xếp thời gian ngủ sớm, dậy sớm để học bài.

Kì thi sẽ không chỉ có môn Lịch sử, do đó các em cần phân bổ thời gian ôn luyện hợp lí cho các môn khác. Với môn học nào mà các em cảm thấy chưa thật tự tin về mặt kiến thức và kĩ năng làm bài thì cần đầu tư thời gian nhiều hơn để có kết quả thi tốt nhất.

Cô Thu Hương cũng chia sẻ thêm, môn Lịch sử vốn không quá khó, chỉ cần có niềm yêu thích môn học và có phương pháp học tập đúng thì nhất định các thí sinh sẽ tự tin làm bài và có kết quả cao.

Thùy Linh