Bị tố không đứng lớp nhưng vẫn nhận phụ cấp, Hiệu trưởng TH Kế An 1 nói gì?

25/04/2022 11:13
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua xác minh của Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, hiệu trưởng trường tiểu học Kế An 1 đã không đứng lớp giảng dạy thời gian dài.

Một số giáo viên của trường tiểu học Kế An 1, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vừa chuyển ý kiến đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, hiệu trưởng nhà trường là ông Phan Văn Thảo đã không đứng lớp giảng dạy trong một thời gian dài, nhưng vẫn nhận phụ cấp.

Hiệu trưởng không đứng lớp nhưng vẫn nhận phụ cấp

Cụ thể, giáo viên nói rằng, ông Phan Văn Thảo đã lợi dụng chế độ chính sách ưu đãi của ngành để trục lợi kéo dài, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, cụ thể ở đây là việc không tham gia trực tiếp giảng dạy nhiều năm, mà vẫn hưởng đầy đủ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nhà giáo là trái với quy định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các giáo viên này đề nghị các cấp lãnh đạo cần căn cứ vào nghị quyết, bảng phân công chuyên môn đối với ông Thảo – hiệu trưởng dạy môn Đạo đức ở điểm trường chính để làm căn cứ xác minh trực tiếp ở trường có đứng lớp giảng dạy hay không?

Ông Thảo không đứng lớp, nhưng có tham gia các hoạt động khác

Tại văn bản số 27/UBND-VP, do ông Cao Minh Thơm – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng ký ngày 13/1/2022 trả lời các ý kiến phản ánh của giáo viên trường tiểu học Kế An 1.

Đối với nội dung hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy, lãnh đạo huyện Kế Sách trả lời như sau:

Qua kết quả kiểm tra hồ sơ của cơ quan chuyên môn, đối chiếu với các quy định có liên quan đến hoạt động giảng dạy của cán bộ quản lý, thể hiện hiệu trưởng có nhờ giáo viên chuyên môn dạy môn Đạo đức theo giáo án của hiệu trưởng soạn thảo.

Đồng thời, hiệu trưởng Phan Văn Thảo có tham gia các tiết ngoại khóa như: Bồi dưỡng học sinh tham gia các hội thi, các buổi sinh hoạt dưới cờ…

Trường tiểu học Kế An 1, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng (ảnh minh họa: P.L)

Trường tiểu học Kế An 1, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng (ảnh minh họa: P.L)

Các hoạt động nêu trên đều được quy đổi, có hồ sơ minh chứng cơ bản phù hợp theo quy định tại công văn số 2160/SGDĐT-TCCB ngày 18/9/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, về việc thực hiện giờ dạy của cán bộ quản lý các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tiết (13 tiết) trong năm học 2020-2021 được quy đổi thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhưng hồ sơ minh chứng chưa đầy đủ.

Qua đó, thực tế cho thấy, hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy theo quy định, giai đoạn từ học kỳ 2 năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021.

Như vậy, về trách nhiệm giảng dạy của hiệu trưởng thực hiện chưa nghiêm túc quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tinh thần công văn số 2160/SGDĐT-TCCB ngày 18/9/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng (quy định hiệu trưởng dạy đủ 2 tiết/tuần).

Do các điểm trường chính, điểm lẻ của Trường tiểu học Kế An 1 đều thuộc các ấp, xã diện đặc biệt khó khăn, nên tất cả các cán bộ, giáo viên trong trường đều được hưởng chế độ thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (căn cứ vào Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ, khoản 1 – điều 11 của Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ, quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng khẳng định, việc hiệu trưởng được hưởng phụ cấp ưu đãi trong giai đoạn nêu trên là đúng theo quy định.

Trích văn bản số 27 do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng ký hồi tháng 1/2022 (ảnh: P.L)

Trích văn bản số 27 do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng ký hồi tháng 1/2022 (ảnh: P.L)

Tuy nhiên, một giáo viên của trường tiểu học Kế An 1 khẳng định ông Phan Văn Thảo – hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy trong thời gian dài.

Ông Phan Văn Thảo nói gì về việc không đứng lớp giảng dạy?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Văn Thảo – Hiệu trưởng Trường tiểu học Kế An 1 chia sẻ, đúng là học kỳ 2 của năm học 2019 – 2020 và năm học 2020-2021 ông không trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Lý do là do học kỳ 2 của năm học 2019-2020 dịch Covid-19 xảy ra, còn năm học 2020-2021 thì là do trường Kế An 1 sát nhập chung với trường tiểu học Kế An 2, dư giáo viên đến 4 người nên ông để tiết cho giáo viên dạy.

Ông Phạm Văn Thảo khẳng định, dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy trong thời gian nói trên, nhưng có tham gia vào các hoạt động được phép quy đổi ra tiết dạy, như thanh tra và Ủy ban nhân dân huyện đã kết luận bằng văn bản.

Tại văn bản 2160/SGDĐT-TCCB, do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Tuyết Hà ký ngày 18/9/2017 nêu rõ: Hiệu trưởng trường phổ thông công lập phải dạy đủ 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy đủ 4 tiết/tuần.

Cán bộ quản lý có thể tham gia bồi dưỡng giáo viên, giảng dạy trên lớp theo đúng chuyên môn đào tạo, tham gia dạy học môn Đạo đức (với tiểu học), tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phụ đạo học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh giỏi.

Cán bộ quản lý là công tác viên thanh tra giáo dục nếu được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động, tham gia các đoàn thanh tra thì thời gian làm việc một buổi được thanh toán số tiết bằng 3 tiết (hoặc giờ dạy) định mức (có quyết định triệu tập cộng tác viên thanh tra của Sở giáo dục và Đào tạo).

Cán bộ quản lý tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn được tính bằng 1,5 tiết định mức (có quyết định điều động, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và nội dung báo cáo, tập huấn kèm theo).

Quy định này chỉ áp dụng đối với cán bộ quản lý được điều động làm báo cáo viên, không áp dụng đối với cán bộ quản lý là học viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn.

Cán bộ quản lý tham gia báo cáo ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh do nhà trường tổ chức thì mỗi tiết báo cáo thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức (có giáo án, kế hoạch dạy học, đề cương báo cáo).

Việt Dũng