Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ngụy biện, xuyên tạc |
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 27 tháng 6 đưa tin, cùng ngày, Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ tư đã tổ chức ở Bắc Kinh. Khi đó, nói về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ra sức xuyên tạc để đánh lừa nhân dân Trung Quốc và đánh lừa cộng đồng quốc tế, đồng thời buông lời đe dọa vũ lực đối với các nước ven Biển Đông và cộng đồng quốc tế.
Sau đây là toàn văn những gì Vương Nghị đã nói tại diễn đàn này:
“Hiện nay, các cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông có xu thế gia tăng, là ảnh hưởng thậm chí chi phối từ tư tưởng nhất thời. Chính khách một số nước thích thú đối với điều này, có thể có các loại nhu cầu về chính trị.
Thứ nhất, Trung Quốc ngay từ 1.000 năm trước đã là nước lớn hàng hải, là nước phát hiện, sử dụng và quản lý sớm nhất quần đảo Trường Sa, cho nên về luật pháp quốc tế truyền thống, chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa có đầy đủ căn cứ pháp lý và sự thật.
Thứ hai, trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Quân đội Nhật Bản xâm chiếm quần đảo Trường Sa. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chính phủ Trung Quốc căn cứ vào các điều ước và tuyên bố quốc tế như Tuyên bố Cairo, Thông cáo Potsdam, đã thu hồi quần đảo Trường Sa theo pháp luật và công khai.
Trung Quốc và Mỹ khi đó là đồng minh, Quân đội Trung Quốc khi đó ngồi tàu chiến Mỹ thu hồi quần đảo Trường Sa, về điểm này, bạn bè Mỹ cần hiểu rõ.
Thứ ba, ít nhất trong thập niên 60 của thế kỷ trước, cộng đồng quốc tế bao gồm các nước xung quanh Trường Sa đều sử dụng các phương thức khác nhau như công hàm ngoại giao, bản đồ xuất bản công khai, thừa nhận hoặc ngầm thừa nhận Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.
Nhưng, sau đó, do nguyên nhân trong nước của Trung Quốc và nghe nói phát hiện dầu mỏ ở Biển Đông, một số quốc gia bắt đầu xâm chiếm phi pháp, từng bước xâm chiếm đảo đá ở Biển Đông. Cho nên, trên thực tế Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất của vấn đề này.
Thứ tư, mặc dù như thế, Chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì thủ đoạn hòa bình để giải quyết vấn đề Trường Sa, luôn chủ trương trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, căn cứ vào luật pháp quốc tế bao gồm Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), thông qua đàm phán tham vấn với các nước đương sự trực tiếp để giải quyết tranh chấp, lập trường này trong tương lai sẽ không thay đổi.
Thứ năm, từ sau thập niên 1970, một số nước bắt đầu xây dựng rầm rộ trên đảo đá ngầm xâm chiếm phi pháp của Trung Quốc, dựng lên các loại công trình, bao gồm cơ sở quân sự, trong khi đó Trung Quốc chỉ gần đây mới bắt đầu một số xây dựng cần thiết, chủ yếu là để cải thiện điều kiện công tác và sinh hoạt của nhân viên trên đảo đá ngầm.
Là nước lớn, Trung Quốc cũng muốn cung cấp sản phẩm công cho cộng đồng quốc tế, thông qua công trình dân dụng phát huy hiệu ích công. Trung Quốc triển khai xây dựng cần thiết trên đảo đá ngầm của mình và một số nước tiến hành xây dựng trên các đảo đá xâm chiếm của Trung Quốc là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Thứ sáu, lập trường của Trung Quốc về quần đảo Trường Sa được kiên trì từ chính phủ các khóa trước, sẽ không thay đổi. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa hoàn toàn không mở rộng, cũng tuyệt đối sẽ không thu hẹp, nếu không, chúng tôi không thể đối mặt với tiền nhân và tiền bối.
Đồng thời, loại hiện tượng không ngừng gặm nhấm và xâm phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc không thể tiếp tục, nếu không chúng tôi không thể dặn dò con cháu hậu thế.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc có niềm tin kiên định, cũng có năng lực đầy đủ. Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng ở Trường Sa một cách hợp tình và hợp pháp, sẽ cùng với các nước ASEAN thông qua hợp tác bảo vệ hòa bình, ổn định của Biển Đông, bảo vệ tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông mà các nước được hưởng theo luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch |
Báo Giáo dục đăng toàn bộ nội dung phát biểu của Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc như trên để thấy được bản chất ý đồ thực sự của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Báo Giáo dục đã có nhiều bài viết vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Trung Quốc trong việc áp đặt yêu sách vớ vẩn, lố bịch “đường lưỡi bò” cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Với phát biểu lần này của Vương Nghị, xin lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, Trung Quốc đang hết sức lo ngại dư luận ngày càng dị nghị, phê phán, lên án và có nhiều hành động kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” tham lam và phi pháp. Do đó, Trung Quốc không thể không phản ứng.
Chính phủ Trung Quốc phản ứng ngày càng lố bịch, buồn cười, nhưng thực sự là ngày càng ngang nhiên, ngoan cố và tính chất đe dọa vũ lực trong các tuyên bố ngày càng gia tăng.
Thứ hai, Trung Quốc nói họ đã là nước lớn hàng hải từ 1.000 năm trước. Đây là phát biểu phản bội lại các hoạt động tuyên truyền trước đây của họ. Có lẽ ông Vương Nghị chỉ dựa vào chuyến đi của Trịnh Hòa theo truyền thuyết để nói như vậy. Nhưng chính nội bộ Trung Quốc thừa nhận và cộng đồng quốc tế phổ biến cho rằng, Trung Quốc từ trước đến nay luôn là quốc gia có truyền thống lục địa, chẳng mấy khi đi biển xa.
Chỉ khi Trung Quốc tham vọng bành trướng nổi lên thì Trung Quốc đã tiến hành xâm lược biển đảo của láng giềng, hiện nay cũng đang ngày càng hung hăng, diễu võ giương oai ở các vùng biển trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc nói họ có chủ quyền với đầy đủ “căn cứ pháp lý và sự thực”, nhưng họ lại không trưng ra được những bằng chứng đó được bao nhiêu. Trong khi đó, Việt Nam đang tổ chức ngày càng nhiều các cuộc triển lãm về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa ở trong và ngoài nước, công khai được những bằng chứng quản lý hành chính thực tế của triều đình nhà Nguyễn. Trung Quốc thì không có được những bằng chứng vững chắc như vậy.
Thứ ba, Trung Quốc nói chủ quyền từ 1.000 năm trước để tạo ra cái lý do Quân đội Nhật Bản đã xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc và sau đó Trung Quốc dựa vào một số điều ước, tuyên bố quốc tế để thu hồi.
Đây là sự lắt léo trong ngôn từ của Trung Quốc, nhưng đây là logic hết sức ngụy biện và đáng buồn cười. Trung Quốc đang dùng “đầu môi chót lưỡi” để biện hộ cho các cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc đã tiến hành đối với Việt Nam trước đây và một số hoạt động bành trướng, thực dân gần đây.
Trung Quốc lại đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 vào khu vực vùng biển chưa phân định giữa Việt Nam-Trung Quốc |
Thứ tư, việc Quân đội Trung Quốc ngồi tàu chiến Mỹ xâm lược quần đảo Trường Sa như thế nào thì đây là một sự bịa đặt mới của Trung Quốc. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam vừa làm rõ vấn đề này.
Thứ năm, chẳng có nước nào trên thế giới này thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc có lẽ nên công bố những “công hàm, bản đồ”, những lời nói “thừa nhận, ngầm thừa nhận” mà Vương Nghị đã nói ở trên. Nhưng, đòi hỏi những điều đó phải là hợp pháp, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ sáu, Trung Quốc cho rằng, các nước nhỏ ven Biển Đông đã xâm chiếm, từng bước gặm nhấm vì Biển Đông có dầu khí, cho rằng, Trung Quốc là “nạn nhân lớn nhất”. Đây chỉ là một sự ngụy biện tiếp theo của Trung Quốc.
Bởi vì, một chân lý hiển nhiên là, chẳng nước lớn nào có thực lực mạnh hơn lại chấp nhận chủ quyền của mình bị gặm nhấm, xâm phạm như vậy cả. Chẳng nước nhỏ nào lại dám thách thức chủ quyền của nước lớn. Trung Quốc luôn rêu rao “nước nhỏ ăn hiếp nước lớn” như vậy đấy – một loại phát biểu hết sức lố bịch và buồn cười.
Trên thực tế, trước đây, Trung Quốc không dám làm gì vì Trung Quốc không có chủ quyền đối với biển đảo ở Biển Đông và lo sợ dư luận quốc tế lên án, kiềm chế, ngăn chặn. Giờ đây, Trung Quốc mạnh hơn nên có đủ năng lực công khai ý đồ, thủ đoạn bành trướng.
Thứ bảy, Trung Quốc tiếp tục công khai hoạt động bành trướng quân sự phi pháp đang tiến hành ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phải tiếp tục khẳng định rằng, những kẻ xâm lược, bành trướng và thực dân thì chẳng có mục đích tốt đẹp nào, không thể dùng biển đảo của nước khác để cung cấp “sản phẩm công” cho cộng đồng quốc tế được.
Đây là một loại hành động lắt léo, tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế để áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” tham lam vô độ, lố bịch và phi pháp, không thể chấp nhận được. Cộng đồng quốc tế chẳng ai hùa theo mưu đồ này của Trung Quốc.
Thứ tám, phát biểu của Vương Nghị cho thấy, Việt Nam và cộng đồng quốc tế không nên và cũng không bao giờ được ảo tưởng về âm mưu bành trướng, thực dân nhất quán cũng như mọi thủ đoạn thâm độc mà Trung Quốc sẽ áp đặt, sử dụng hiện nay và tiếp theo ở Biển Đông.
Những tuyên bố này cho thấy, Trung Quốc đang ngoan cố, ngang nhiên, ngang ngược hơn bao giờ hết khi ngày càng công khai hành động, thủ đoạn xâm chiếm Biển Đông, nhất là khi trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, Vương Nghị tiếp tục buông lời mang tính đe dọa vũ lực.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận đánh đổ bộ chiếm đảo đá (ảnh tư liệu) |
Thứ chín, Vương Nghị nói, nếu không tiếp tục bành trướng, xâm lược ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” thì “không thể đối mặt với tiền nhân, tiền bối” và “không thể dặn dò con cháu hậu thế”.
Nhưng, có lẽ Vương Nghị quên lời Khổng Tử (người có giáo lý mà Trung Quốc tích cực thúc đẩy tuyên truyền trên thế giới) dặn dò con cháu Trung Hoa rằng: Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
Trung Quốc cần thức tỉnh, cần hối lỗi về tội ác chiến tranh xâm lược ở Biển Đông vào các năm 1956, 1974, 1988…, về tội ác vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam. Trung Quốc cần chấm dứt mọi hành động bành trướng khiêu khích ở Biển Đông.
Quay đầu là bờ. Nếu tiếp tục thúc đẩy chính sách bành trướng, thực dân theo lý sự cùn và bất chấp đạo lý, luật pháp, bất chấp chủ quyền của nước khác và cộng đồng quốc tế thì kẻ bành trướng, thực dân chắc chắn sẽ thất bại thảm hại, sẽ nuốt quả đắng đau đớn trong tương lai. Đây là quy luật tự nhiên và xã hội, Trung Quốc chắc không phải không hiểu điều đó.