Học giả Tang Siew Mun, ảnh: Cciee.org.cn. |
Học giả Tang Siew Mun, thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc tổ chức Yusof Ishak ngày 13/8 bình luận trên The Straits Times, ASEAN phải nói nhiều hơn về vấn đề Biển Đông. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông khó được đảm bảo nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục bóp nghẹt (thành công) các cuộc thảo luận về tranh chấp.
Bất chấp những áp lực từ Bắc Kinh muốn loại Biển Đông khỏi nội dung nghị sự và tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua tại Kuala Lumpur, nước chủ nhà Malaysia đã chứng tỏ vai trò Chủ tịch luân phiên của khối một cách khá ổn định và nhất quán. Ngoại trưởng nước này Anifah Aman đã nêu bật tranh chấp ở Biển Đông như ví dụ điển hình cho những thách thức trong khu vực khi phát biểu khai mạc hội nghị.
Tuy nhiên, trái ngược với thái độ táo bạo của Ngoại trưởng Anifah là Thủ tướng Najib Razak. Trong bài phát biểu 1508 từ của ông, không có lần nào ông nhắc tới Biển Đông trước diễn đàn an ninh quan trọng nhất của khu vực. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông chỉ có thể được đảm bảo nếu ASEAN và Trung Quốc có thể làm việc trong trạng thái nhất trí, hài hòa với nhau. Nhưng mục tiêu này khó có thể nắm bắt một khi Trung Quốc vẫn còn tiếp tục bóp nghẹt các cuộc thảo luận về tranh chấp chủ quyền, hàng hải trên Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế.
Sau 13 năm đàm phán bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), mức độ tiến triển dường như bị đóng băng trái ngược hoàn toàn với xu thế quân sự hóa ngày càng tăng trên Biển Đông. Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc một lần nữa lặp lại quan điểm (vô lý) của Bắc Kinh rằng, ASEAN không phải nơi để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Lập luận này không thể chấp nhận được vì ba lý do.
Thứ nhất, Biển Đông sẽ tiếp tục là vấn đề nổi bật trong lĩnh vực an ninh khu vực khi tranh chấp leo thang giữa Trung Quốc với 4 nước thành viên ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Ngoại trưởng Singapore Shanmugam đã đúng khi khẳng định rằng, ASEAN và Trung Quốc không thể "giả mù giả điếc" rằng căng thẳng trên Biển Đông không tồn tại. Ảnh hưởng chính trị từ tránh chấp Biển Đung đủ để đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của ASEAN.
Thứ hai, việc Bắc Kinh liên tục từ chối chấp nhận vai trò của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông là một sai lầm, nó bỏ qua thực tế rằng 6 nước ASEAN không có yêu sách ở Biển Đông không có nghĩa là không liên quan. Và sau này, 6 quốc gia đó cũng không tránh khỏi những thiệt hại nếu tranh chấp ở Biển Đông bùng lên và đe dọa tới an ninh khu vực.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF tổ chức tại Kuala Lumpur vừa qua. Ảnh: Prokerala. |
Thứ ba, quan tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy COC ràng buộc các hành vi trên Biển Đông phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế chính là nền tảng cho mối quan hệ giữa các quốc gia. Nếu không có một khung pháp lý vận hành, quan hệ quốc tế sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, nơi mà sức mạnh quân sự và cưỡng chế sẽ được sử dụng để đe dọa các quốc gia nhỏ hơn. Trong bối cảnh này COC có ý nghĩa nhiều hơn một phương tiện để ổn định tranh chấp ở Biển Đông, quan trọng hơn là ngăn ngừa bạo phát xung đột.
COC đóng vai trò khuôn khổ cho các thành viên ASEAN quản lý các mối quan hệ của họ với nhau và với bên ngoài, đặc biệt là các cường quốc, tránh làm "đổi màu" luật pháp quốc tế. Áp lực của Bắc Kinh lên ASEAN để gạt Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự và tuyên bố chung của khối làm giảm giá trị của ASEAN cũng như nỗ lực của khối trong việc kiểm soát sự khác biệt thông qua kênh ngoại giao, đối thoại.
Rất khó để xác định cách thức Trung Quốc can thiệp vào việc ASEAN ra tuyên bố chung lần này như thế nào sau thất bại "ô nhục" của Campuchia khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2012. Tuy nhiên sẽ đáng lo ngại hơn nếu một số quốc gia ASEAN sẽ tự kiềm chế, xoa dịu vấn đề Biển Đông để tìm kiếm lợi ích từ Trung Quốc. Trong trường hợp này, ASEAN sẽ phải đối mặt với một tương lai ảm đạm nếu đánh mất tính độc lập của mình trong việc đưa ra các chương trình nghị sự mà để "bên ngoài" chi phối.
Các nguyên tắc thảo luận tự do và thẳng thắn về tranh chấp trên Biển Đông (trong khuôn khổ ASEAN) phải được bảo vệ và duy trì bằng bất cứ giá nào. Việc Biển Đông được đưa vào tuyên bố chung và thông cáo báo chí của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào phút chót là một triệu chứng của căn bệnh. Ngay cả khi Biển Đông được đưa vào thông cáo, cơn bão ngoài thực địa vẫn đang tiếp tục hình thành.
Thảo luận chân thành và thẳng thắn là bước đầu tiên và cần thiết để lấy lại lòng tin chiến lược vốn có nguồn cung ngắn hạn giữa ASEAN và Trung Quốc. Singapore sẽ đảm nhận "ghế nóng" điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong 3 năm tới sẽ xử lý vấn đề như thế nào là điều đáng chú ý.
Trong một cuộc thảo luận gần đây, Thủ tướng Lý Hiển Long đã khiến dư luận có cảm giác về chủ nghĩa thực dụng khi ông thông báo: "Chúng tôi không thể giải quyết vấn đề ngay lập tức. Tuy nhiên, ít nhất chúng ta có thể hạ nhiệt những căng thẳng và tránh được nguy cơ căng thẳng leo thang".
Liên quan đến vấn đề này, tạp chí Nikkei Asian Review ngày 13/8 bình luận, Trung Quốc đang đặt ra thách thức cho khu vực khi tiến hành bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông và đang tạo ra cơ sở hạ tầng quân sự ở đó. Nếu Bắc Kinh thống trị được vùng biển, vùng trời ở khu vực này, thì chính người Trung Quốc sẽ xác định trật tự chính trị và kinh tế của Đông Nam Á. Singapore nên duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong lúc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Mọi bế tắc giữa liên minh Mỹ - Nhật với Trung Quốc có thể phân hóa các thành viên ASEAN, hy vọng rằng với vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Singapore có thể làm cầu nối giữa hai bên và thúc giục Bắc Kinh kiềm chế tham vọng bành trướng (vô lý, phi pháp) của họ trong khu vực. Cuối năm nay, 10 quốc gia thành viên ASEAN sẽ tiến tới thành lập một thị trường chung gọi là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Singapore cần phát huy vai trò đảm bảo cho ASEAN phát triển nhất quán với những nền kinh tế tiên tiến.