Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: The Straits Times. |
Học giả Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 11/8 bình luận trên trang cá nhân của tờ The National Interest rằng, không thể tiếp tục chờ đợi bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông thêm nữa, bất chấp tuyên bố của Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc rằng: "Trung Quốc đã dừng lại. Bạn chỉ cần bay ra đó là có thể nhìn thấy".
Một đường băng gần như đã hoàn thành trên đá Chữ Thập trong khi hình ảnh vệ tinh cho thấy một đường băng khác cũng đang hình thành trên đá Su Bi (2 trong 6 bãi đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cất quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 đến nay). Ngoài ra người ta thấy rõ các doanh trại quân đội, trạm radar cảnh báo sớm, sân đỗ trực thăng, tháp pháo phòng không mọc lên trên một số đảo nhân tạo.
Cảm nhận được lo ngại ngày càng gia tăng của các nước trong khu vực về hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp mà mình tiến hành ở Biển Đông, trong thời gian diễn ra Diễn đàn An ninh ARF, Trung Quốc đã cố gắng báo hiệu "sẵn sàng làm việc với các bên liên quan bằng cách thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước" để đối phó với trường hợp khẩn cấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên hiệu quả của đường dây nóng như vậy không rõ ràng, bởi lực lượng cảnh sát biển, hải quân và dân quân biển không được quản lý bởi Bộ Ngoại giao. Hơn nữa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc được biết đến như một cơ chế yếu kém và hiếm khi được độc lập phụ trách xử lý các cuộc khủng hoảng. Vấn đề hàng hải được lãnh đạo bởi một nhóm quan chức do ông Tập Cận Bình đứng đầu.
Trong một cuộc hội đàm giữa Trung Quốc và ASEAN tuần này, Bắc Kinh đồng ý một lần nữa tăng tốc độ "tham vấn COC", nhưng trong thực tế họ sẽ không làm gì cả, ít nhất là cho đến khi hoàn thành kế hoạch ngắn hạn của mình, bao gồm đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và tạo ra cơ sở hạ tầng để thực thi nó.
Mặc dù rất lo lắng, nhưng cho đến nay phản ứng của các bên trong khu vực vẫn chưa đủ mạnh để buộc Trung Quốc thay đổi tính toán của họ. Trong dài hạn, các nước Đông Nam Á có thể sẽ buộc phải "thích nghi với lọi ích của Trung Quốc ở Biển Đông", vì vậy cần có nỗ lực lớn hơn để thuyết phục Trung Quốc tôn trọng lợi ích của các bên liên quan, bất kể sức mạnh quân sự lớn nhỏ thế nào.
Muốn đạt được mục tiêu này, ASEAN cần phải ký kết được COC trước khi năm 2015 kết thúc, trong đó bao gồm các biện pháp giảm nguy cơ đối đầu và cơ chế giải quyết tranh chấp. Nếu Trung Quốc không tham gia, ASEAN hoặc một nhóm nhỏ các nước thành viên nên chủ động tiến hành đơn phương, Mỹ nên làm hết mình giúp đỡ, ủng hộ sự đồng thuận này, bà Glaser lưu ý.