Biển Đông là một trong những sân sau của tàu ngầm hạt nhân Mỹ

15/09/2014 06:34
Việt Dũng
(GDVN) - "Chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ ở biển Hoa Đông, Biển Đông và biển Philippines. Những khu vực này giống như sân sau lớn của chúng tôi".
Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan lớp Ohio, Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan lớp Ohio, Hải quân Mỹ

Trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 11 tháng 9 đưa tin, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình lớp Ohio tên là USS Michigan (SSGN 727) từ ngày 10 tháng 8 đỗ ở căn cứ hải quân Changi, Singapore, tiến hành chăm sóc nhân viên và tiếp tế trong thời gian 6 ngày. 

Tàu ngầm hạt nhân này hiện đang tiến hành triển khai trong thời gian 4 tháng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bài báo dẫn lời sĩ quan chỉ huy Benjamin Pearson ngày 12 tháng 8 cho biết, từ tháng 12 năm 2013 đến nay, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan đã được triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thực hiện giám sát, huấn luyện và các sứ mệnh đặc biệt khác. Xuất phát từ sự cân nhắc về an toàn tác chiến, ông từ chối tiết lộ chi tiết.

Benjamin Pearson cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ ở biển Hoa Đông, Biển Đông và biển Philippines. Những khu vực này giống như sân sau lớn của chúng tôi. Ngoài Singapore, chúng tôi cũng đã thăm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, những điều này đều đã cho thấy sứ mệnh và hành trình của chúng tôi rất rộng".

Benjamin Pearson nhấn mạnh, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan có thể triển khai thời gian dài trên biển, đồng thời chỉ ra tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio có hai nhóm binh sĩ "vàng" và "xanh", tương tự như tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (SSBN). 

Trên tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình, mỗi nhóm binh sĩ "vàng" và "xanh" thực hiện nhiệm vụ trong 1 chu kỳ khoảng 4 tháng, thông thường, tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ nhiều nhất là 5 chu kỳ, sau đó tiến hành bảo dưỡng thường lệ 6 tháng, rồi bắt đầu vòng chu kỳ tiếp theo.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio Mỹ trang bị tên lửa hành trình
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio Mỹ trang bị tên lửa hành trình

Căn cứ vào "Niêm giám tàu chiến Jane's", Hải quân Mỹ hiện có 4 tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio, tàu ngầm này dài 170,7 m, rộng 12,8 m, lượng giãn nước khi lặn là 19.000 tấn.

Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan có cảng chính nằm ở Bangor, tháng 11 năm 2006 quay trở về biên đội tàu ngầm Hải quân Mỹ, trước đây nó đã được tiến hành cải tạo trong thời gian 2 năm, vốn là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo trang bị tên lửa hạt nhân xuyên lục địa Trident, sau khi cải tạo có thể trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, hỗ trợ cho lực lượng tác chiến đặc biệt.

Tùy thuộc vào kết cấu của chúng, tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio ít nhất có thể mang theo 66 nhân viên đặc nhiệm thực hiện nhiệm vụ dài hạn; hoặc có thể lựa chọn tăng số lực lượng đặc nhiệm lên đến 102 người, nhưng giảm thời gian thực hiện nhiệm vụ. Tàu ngầm hạt nhân này có thể trang bị tới 154 quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Lần triển khai mới nhất ở châu Á-Thái Bình Dương của tàu ngầm hạt nhân USS Michigan trùng với thời gian tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina triển khai đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. USS North Carolina là chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia mới nhất của Hải quân Mỹ, nó cũng từ cảng chính Trân Châu Cảng đến khu vực này vào tháng 12 năm 2013.

Tàu ngầm USS North Carolina trước đó từng đỗ ở căn cứ hải quân Changi Singapore vào ngày 26 tháng 4, tiến hành tiếp tế và chăm sóc cho nhân viên, sớm hơn khoảng 4 tháng so với tàu ngầm USS Michigan.

Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan lớp Ohio, Hải quân Mỹ tại cảng Busan, Hàn Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan lớp Ohio, Hải quân Mỹ tại cảng Busan, Hàn Quốc (ảnh tư liệu)

Trong 2 lần cập bến này, sĩ quan chỉ huy của tàu ngầm hạt nhân USS Michigan và USS North Carolina đều rất nhanh chỉ ra, hành động của Hải quân Mỹ là để hỗ trợ cho "chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" của Washington, căn cứ vào chiến lược này, đến năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ triển khai 60% tài sản của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai tàu ngầm hạt nhân này đến thăm đã thể hiện yêu cầu này.

Hải quân Mỹ triển khai riêng 2 tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio và 3 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia ở khu vực này. Trong khi đó, hiện nay, Hải quân Mỹ tổng cộng chỉ có 4 tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio, 10 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ đầu tư rất nhiều vốn để cải thiện căn cứ hải quân ở Guam để nó có thể chứa tàu lớn hơn.

Do có thể trang bị tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk, số lượng trang bị và phóng tên lửa hành trình Tomahawk của 1 chiếc tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio bằng một nửa tổng số lượng tên lửa hành trình Tomahawk đã phóng trong chiến dịch "Bão táp sa mạc" năm 1991.

Căn cứ vào thông tin công khai của Hải quân Mỹ, tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio có thể bắn xong toàn bộ 154 quả tên lửa hành trình Tomahawk trong vòng 6 phút.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS North Carolina lớp Virginia Mỹ ở vịnh Subic, Philippines (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS North Carolina lớp Virginia Mỹ ở vịnh Subic, Philippines (ảnh tư liệu)
Việt Dũng