Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hãn đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, gần nơi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981. |
The Diplomat ngày 12/5 bình luận, một năm trước đây Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan nước sâu 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Vụ việc đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ giữa nước. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu những nỗ lực của Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng các lực lượng phi quân sự.
Diễn biến tóm tắt vụ giàn khoan 981 đã được đưa vào trong báo cáo về tình hình quân sự Trung Quốc năm 2015 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Ngày 3/5/2014 Cục An toàn hàng hải tỉnh Hải Nam tuyên bố rằng giàn khoan 981 sẽ bắt đầu hoạt động khoan thăm dò ở (cái gọi là) ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa và sẽ kết thúc vào tháng 8 cùng năm. Ngay hôm sau chính phủ Việt Nam đã phản đối động thái này của Trung Quốc.
Bắc Kinh tuyên bố bán kính an toàn 3 hải lý xung quanh giàn khoan 981, vượt xa vùng an toàn 500 mét đối với các công trình khoa học kỹ thuật trên biển theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Bắt đầu từ ngày 11/5, Việt Nam đã nổ ra những cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam. Truyền thông Việt Nam thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến, va chạm giữa các tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu cá Việt Nam.
Trung Quốc đã triển khai "tàu cá" kết hợp với hải cảnh, tàu hải quân để tạo thành vòng vây bảo vệ giàn khoan 981. Ngày 26/5, một chiếc tàu cá Việt Nam bị lật sau khi bị tàu cá Trung Quốc (hung hãn) tông vào. Cuối cùng, Trung Quốc sơ tán công dân của họ khỏi Việt Nam sau khi một số cuộc biểu tình bùng phát thành bạo lực. Trong tháng 6 nhằm xoa dịu căng thẳng, Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc sang Việt Nam.
Chuyến thăm này rất ít tiến bộ cụ thể về việc giải quyết tranh chấp, nhưng nó ngăn chặn leo thang căng thẳng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn kiên quyết khẳng định, hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm Mỹ cuối năm ngoái và trở về với sự đảm bảo rằng lệnh cấm vũ khí sát thương của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ được nới lỏng, đặc biệt là Mỹ có thể cung cấp cho Việt Nam các thiết bị cải thiện năng lực đảm bảo an toàn hàng hải. Vụ giàn khoan 981 đã làm cho quan hệ Việt - Mỹ có được những hữu ích đáng kinh ngạc, The Diplomat bình luận.
Thời điểm đó, giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận hành động của Trung Quốc là "bất ngờ, khiêu khích và phi pháp". Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan vào tháng 7, sớm hơn dự kiến, ông Thayer bình luận rằng áp lực chính trị và địa chính trị buộc Trung Quốc phải xuống thang. Người Việt đã thể hiện quyết tâm sắt đá khi đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc.
Giàn khoan 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam sẽ vẫn là một trường hợp cần nghiên cứu tiếp về cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. Tất nhiên từ năm 2014 dư luận đã thấy mức độ tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đang phình to. Vụ giàn khoan 981 không chỉ là sự khởi đầu cho hoạt động nạo vét, cải tạo, xây dựng (bất hợp pháp) quy mô lớn của Trung Quốc ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), mà còn là khởi đầu, bước ngoặt của sự hung hăng Trung Quốc theo đuổi trên Biển Đông.
Một năm sau đó, quan hệ Việt - Trung phần nào được khôi phục, nhưng nó sẽ không thể trở lại tình trạng "bình thường" như trước tháng 5/2014. Lo ngại về chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và an ninh của Việt Nam hơn bao giờ hết. Đối với người Việt, tất cả mọi thứ đã thay đổi từ mùa hè năm ngoái, The Diplomat bình luận.