Kế hoạch mới của Mỹ ở Biển Đông
Sputnik Nga ngày 30/12 đưa tin, cơ quan nghiên cứu Mỹ Stratfor Global Intelligence đưa ra báo cáo dự đoán thường niên, cho rằng, năm 2016 Mỹ sẽ tăng cường hoạt động ở Biển Đông, đồng thời củng cố hợp tác quân sự với các nước đối tác Đông Nam Á.
Máy bay ném bom B-52 đã được Mỹ điều động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, ảnh minh họa. |
“Mỹ đã gia tăng ngân sách cho các cuộc diễn tập phòng thủ Biển Đông năm 2016, đồng thời sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản và Australia”, báo cáo ghi nhận.
Hợp tác kinh tế có thể kiềm chế cạnh tranh trong lĩnh vực an ninh khu vực, nhưng báo cáo này cho rằng, điều này sẽ không giải quyết các tranh chấp chính trị và lãnh thổ, Biển Đông vẫn sẽ là trung tâm chú ý của dư luận.
Báo cáo viết: “Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở xung quanh các thực thể lúc nổi lúc chìm đang tranh chấp, đồng thời mở rộng hợp tác với một số nước ven bờ Biển Đông. Xung quanh các thực thể tranh chấp có thể sẽ tiếp tục căng thẳng, bởi vì Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague Hà Lan sẽ tuyên bố kết quả sơ bộ vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc”.
Đồng thời, phán quyết sẽ tạo ra “khó khăn” mới cho giải quyết tranh chấp trên biển, sẽ đặt ra vấn đề là: Phán quyết này có thể trở thành căn cứ pháp lý để xác định phạm vi lãnh thổ hay không.
Báo cáo cho rằng, mặc dù Mỹ có xu thế tích cực can dự Biển Đông, Trung Quốc vẫn sẽ không hạn chế quan hệ quân sự với Mỹ, cũng sẽ không từ bỏ thường xuyên tham gia diễn tập với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ |
Mỹ sẽ không bỏ qua cho Trung Quốc
Về vấn đề Biển Đông, Thời báo Hoàn Cầu ngày 31/12 cũng đăng bài viết của học giả Chu Phong, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh, Trung Quốc. Ông Phong cho rằng, tình hình Biển Đông năm 2016 chắc chắn sẽ không yên ả, rủi ro xung đột thậm chí sẽ tiếp tục lên cao.
Chu Phong tiếp tục đổ tội cho các nước khác gây ra sóng gió ở Biển Đông, chứ không phải là Trung Quốc đang ra sức khiêu khích bằng các hành vi bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông, điển hình là xây đảo nhân tạo, biến nó thành các tiền đồn quân sự.
Chu Phong lập luận cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành gây sức ép dưới mọi hình thức đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, muốn thông qua chính sách Biển Đông – từ răn đe vũ lực, ngoại giao pháo hạm, dựa vào các cơ chế đa dạng của châu Á-Thái Bình Dương để thường xuyên chỉ trích Trung Quốc, đến tổ chức tập trận ở Biển Đông, phối hợp tuần tra Biển Đông, gây sức ép để Trung Quốc từ bỏ xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Chính quyền Barack Obama mặc dù không muốn đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng sự nhạy cảm cao của Mỹ đối với việc Trung Quốc mở rộng hiện diện quân sự trên biển, cùng với lợi ích chiến lược của Mỹ trong việc hỗ trợ cho các đồng minh, đối tác lớn nhỏ ở châu Á-Thái Bình Dương đều đã quyết định chính quyền Obama sẽ không bỏ qua cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm tàu chỉ huy BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines, biểu tượng cho sự viện trợ của Mỹ đối với Philippines. |
Năm 2016 còn có 2 nhân tố có thể làm leo thang tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ: Một là Trung Quốc hoàn thành xây dựng bất hợp pháp các công trình ở các bãi cạn lúc nổi lúc chìm bị đảo hóa. Hai là “cuộc chiến” chính trị trong bầu cử Tổng thống Mỹ.
Hiệu ứng đan xen của hai nhân tố này sẽ làm cho hai nước Trung Quốc và Mỹ “lên gân” ở Biển Đông trong năm 2016.
Tiếp theo là vụ kiện Biển Đông nhằm vào Trung Quốc của Philippines và cuộc bầu cử ở Philippines. Tháng 6/2016, Philippines tổ chức bầu cử Tổng thống, Tổng thống Philippines hiện nay Benigno Aquino sẽ rời nhiệm sở.
Từ tình hình bầu cử hiện nay ở Manila cho thấy, bất kể ai trúng cử, Tân Tổng thống Philippines sẽ khó có sự khác biệt mang tính thực chất với chính quyền Benigno Aquino trong chính sách Biển Đông.
Sau khi lên cầm quyền, tân Chính phủ Philippines rất có thể sẽ tiếp tục chính sách đối kháng cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông của Manila hiện nay.
Về vụ kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, ở Philippines hiện nay, không khí tràn ngập hy vọng Manila chắc chắn sẽ chiến thắng.
Philippines có thể chiến thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông |
Ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc đã công bố họ có quyền thụ lý vụ kiện của Philippines, đã trực tiếp thách thức yêu sách “đường lưỡi bò” vẽ bậy vẽ bạ của giới cầm quyền Bắc Kinh.
Điều này chắc chắn sẽ đánh thẳng vào tham vọng bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc không kiềm chế, tiếp tục cố tình thực hiện lòng tham này, các nước ven Biển Đông khác kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của mình, thì tình hình Biển Đông chắc chắn sẽ tiếp tục nóng lên.
Thứ ba, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tiếp tục coi vấn đề Biển Đông là con bài chiến lược để kiềm chế Trung Quốc.
Bất kể năm 2016 Nhật Bản có điều tàu chiến cùng Mỹ tiến hành tuần tra thông thường ở Biển Đông hay không, với việc thực hiện Luật bảo đảm an ninh mới, năm 2016, Nhật Bản chắc chắn sẽ không ngừng can thiệp vấn đề Biển Đông.
Chính sách Biển Đông của Nhật Bản đã trở thành thước đo quan trọng nhất để phán đoán phương hướng chiến lược trong chính sách của Nhật đối với Trung Quốc.
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Cuối cùng, Chu Phong đe dọa Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực ở Biển Đông, cho rằng sẽ sử dụng “súng săn” để săn “sói”. Họ sợ con đường pháp lý – một con đường hòa bình.