Ly biệt
Năm 1937, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bun sinh được đứa con gái đặt tên là Nguyễn Thị Đòn.
Giữ lời hứa với bạn, ông Bun trao bé Đòn cho bà Cúc nuôi.
Nhưng bà Cúc bận rộn với hoạt động cách mạng nên không có thời gian để chăm sóc con, đành phải trao lại cho cha mẹ đẻ của bé.
Đến tuổi trưởng thành, chị Nguyễn Thị Đòn kết duyên với anh Lê Văn Quang, một Việt kiều ở Thái Lan.
Đôi vợ chồng này sinh được 7 người con, 4 trai, 3 gái.
Lúc đó, bà Cúc ở cùng vợ chồng anh Quang, chị Đòn.
Năm 1960, gia đình anh Quang, chị Đòn hồi hương về Việt Nam, trở về xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nơi mà ngày xưa đã sinh ra cha mẹ mình.
Bà Cúc cũng theo vợ chồng anh Quang về nước, về tìm chồng.
Tháng 2/1965, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, anh Quang và chị Đòn mang đàn con sơ tán lên tận Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Nghệ An. Cuộc sống của họ ở đây rất khó khăn, vất vả.
Một thời gian, hai vợ chồng lại lên Quỳnh Châu sống để nuôi đàn con nhỏ.
Thấy ở Thái Hòa có thể sống được nhờ làm vườn và tiền trợ cấp ít ỏi của địa phương đối với người già, bà Cúc chủ động xin cậu bé Lê Văn Lợi, lúc đó chưa tròn tuổi, ở lại cùng bà.
Hơn 60 tuổi, bà Cúc vẫn cặm cụi nuôi nấng, chăm sóc bé Lợi chu đáo, nhưng trong tâm can bà vẫn đau đáu câu hỏi chồng đang ở đâu?.
Ngày 30/4/1975, đất nước hòa bình, thống nhất, vợ chồng anh Quang, chị Đòn lại dắt các con trở về quê hương ở xã Lương Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình.
Bà Cúc và anh Lợi cũng về.
Hai bà cháu ở trong một túp lều bên cạnh hố bom ở bến phà Quán Hàu, vừa bán nước mưu sinh. Cuộc sống của hai bà cháu rất khổ cực nhưng họ luôn đùm bọc, yêu thương nhau.
Một ngày cuối tháng 5/1979, bà Cúc tình cờ đọc được một bài viết trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 19/5/1979, chào mừng sinh nhật Bác Hồ.
Đó là bài viết của đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác, trong đó có đoạn nói về bà và ông Lộc thời ở Xiêm La.
Bức ảnh bà Cúc và anh Lợi chụp chung cùng đồng chí Vũ Kỳ. (Ảnh: Thủy Phan) |
Niềm hy vọng tìm được chồng lại bừng lên trong bà.
Không đợi thêm được nữa, bà Cúc gom góp tiền bán nước kèm tiền bán đàn gà chọi còn nhỏ mà anh Lợi đang nuôi, được tất cả là 11 đồng 2 hào rồi hai bà cháu ra Hà Nội tìm đồng chí Vũ Kỳ để hỏi về ông Lộc.
Khi gặp bà Cúc, đồng chí Vũ Kỳ đã nhận ra bà ngay. Ông vô cùng cảm động và kể lại cho hai bà cháu nghe những cống hiến lớn lao cho cách mạng của liệt sĩ Phạm Văn Lộc.
Ông Lộc sau khi theo Bác sang Trung Quốc, luôn ở cạnh Người, nấu ăn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Bác tận tình.
Trong chuyến vượt biên giới để trở về Tổ quốc (1941), ông Lộc gánh tư trang cho Bác (đúng như hình ảnh trong bức tranh “Bác Hồ về nước” của họa sĩ Trịnh Phòng).
Đến ngày giành được độc lập (2/9/1945), ông Lộc vẫn ở cạnh Bác Hồ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, trước khi trở về Hà Nội, Bác Hồ giao cho ông Lộc ở lại Chiến khu Việt Bắc đảm nhiệm chức giám đốc một phân xưởng cơ giới sản xuất, sửa chữa vũ khí.
Khi thực dân Pháp lật lọng, Chính phủ và Trung ương Đảng lên Việt Bắc chỉ đạo cuộc kháng chiến, ông Lộc lại được Bác gọi về ở cạnh Người.
Ngày 3/5/1948, ông Lộc qua đời do bị sốt rét ác tính.
“Chính bác Vũ Kỳ, bác Kháng (Cục trưởng Cục cảnh vệ Bộ Công an) khâm liệm cho ông Lộc.
Ông được chôn cạnh cây đa, gần khe suối ở Yên Định, Thái Nguyên. Sau khi chôn cất ông Lộc chu đáo, Bác Hồ mới ra về”, anh Lợi kể lại lời của đồng chí Vũ Kỳ.
Cũng theo anh Lợi, ông Vũ Kỳ nói rằng, Bác Hồ nói ông Lộc như một ân nhân của Bác. Khi Bác đau ốm, ông tìm mọi thứ lá thuốc để chữa cho Bác.
Bác nói ông Lộc là người suốt đời làm việc cho Nhà nước, cho Đảng nhưng không đòi hỏi gì.
Gặp nhau nơi mộ gió!
Nguyên Tư lệnh Quân khu II viết về hình ảnh “Bác Hồ ra trận” |
Năm mươi năm đằng đẵng tìm chồng, giờ mới biết được tin chồng cũng là lúc biết chính xác chồng đã mất.
Bà Cúc khóc nức nở rồi xin được chít khăn trắng để tang cho chồng.
Anh Lợi kể rằng, trước đó bà Cúc đã từng một mình lặn lội ra Hà Nội tìm gặp Bác Hồ để hỏi tin chồng. Nhưng lần ấy ước nguyện không đạt được.
Sau ngày gặp được đồng chí Vũ Kỳ, bà Cúc được Chính phủ và Nhà nước đặt trong diện quan tâm đặc biệt.
Hai bà cháu được chính quyền địa phương xã Lương Ninh làm nhà lợp ngói để ở.
Sau theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, bà Cúc được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Khu dưỡng lão thành phố Huế.
Bà còn được cấp sổ hưu và chế độ tem phiếu tương đương chức vụ phó, trưởng ty lúc bấy giờ, nhưng bà không hề sử dụng đến cuốn sổ đó.
Anh Lê Văn Lợi theo về ở với cha mẹ đẻ và học hết chương trình phổ thông cấp 3.
Anh Lợi cũng kể rằng, năm 1985, khi các nhà báo vào hỏi bà Cúc về nguyện vọng của bà, bà đã trả lời rằng, bà chỉ có một người cháu, người con là anh Lợi.
Vì vậy bà muốn gửi anh Lợi sang Liên Xô học, nhưng anh Lợi lại muốn đi bộ đội.
Năm 1986, anh tình nguyện gia nhập quân đội, thành chiến sĩ trong đơn vị tăng-thiết giáp của Quân đoàn 2.
Trong thời gian đi bộ đội, nhiều lần anh Lợi có ý định về thăm bà, nhưng vì nhiệm vụ nên anh không về được.
Anh Lợi bên bàn thờ của ông bà nuôi. (Ảnh: Thủy Phan) |
Đến khi bà gần mất, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội đã gọi điện ra đơn vị xin cho anh về chăm bà. Anh Lợi về chăm bà được 1 tháng thì bà mất.
Bà Cúc qua đời tại Khu dưỡng lão Huế lúc 14 giờ ngày 6/5/1990.
Sau khi về chịu tang bà cũng là mẹ nuôi, chiến sĩ Lê Văn Lợi trở về đơn vị nhưng sau đó bị tai nạn gãy chân khi đang làm nhiệm vụ.
Được điều trị lành lặn nhưng sức khỏe không bảo đảm, anh xin ra quân và không hưởng một chế độ đãi ngộ đặc biệt nào.
Sau này, anh lấy vợ ở quê, sinh 2 người con trai và lập một xưởng cơ khí nhỏ để mưu sinh.
Vợ chồng anh đều là đảng viên, được dân làng tin yêu, mến phục.
Năm 2013, tại Thái Nguyên, ở ATK ngày xưa, Nhà nước đã xây bia tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Lộc. Hàng năm, anh Lợi và gia đình thường ra phúng viếng.
Gia đình anh cũng đã cất bốc hài cốt bà Cúc đưa về đặt trong phần lăng, có mộ gió của ông Lộc để thờ tại nghĩa trang ở địa phương.