Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng blogger Nguyễn Ngọc Long, một nhân vật có tiếng và uy tín trong lĩnh vực truyền thông, về một số vấn đề xung quanh việc nổi lên của các “thảm họa mạng”. Dưới góc độ truyền thông, blogger Nguyễn Ngọc Long đã giải mã vì sao các “thảm họa mạng” lại có thể nổi nhanh như “cồn”, về cách ứng xử của cộng đồng mạng trên facebook...
Blogger Nguyễn Ngọc Long - một nhân vật rất có uy tín trong lĩnh vực truyền thông. |
- Nếu nói Kenny Sang, Bà Tưng hay Lệ Rơi là sản phẩm của truyền thông, theo anh điều đó có đúng không?
Blogger Nguyễn Ngọc Long: Kenny Sang nổi lên từ Facebook, Bà Tưng và Lệ Rơi thì từ Youtube. Cả hai mạng xã hội mà chúng ta đang nhắc tới đều có thể coi là các kênh truyền thông. Và mỗi kênh đó có một đối tượng đọc giả khác nhau nhưng đều là đọc giả online.
Để phủ sóng rộng rãi hình ảnh đến đa dạng đối tượng bao gồm cả offline, thì Kenny Sang, Bà Tưng và Lệ Rơi đều nhờ cậy vào báo chí, dù chủ động hay bị động. Cho nên, nhận xét các bạn ấy là sản phẩm của truyền thông cũng không sai, nhưng cần làm rõ ra các giai đoạn khác nhau như vậy.
- Nếu như các “thảm họa mạng” nổi lên do có sự khác biệt, vậy thì sẽ có rất nhiều người dễ dàng tạo nên sự khác biệt cho mình, nhưng vì sao chỉ có một thiểu số nhân vật lại nổi tiếng như Bà Tưng, Lệ Rơi, Quân Kun hay Kenny Sang?
Blogger Nguyễn Ngọc Long: Đúng là rất dễ để trở nên khác biệt, nhưng cái khác biệt đó có đủ để thu hút sự chú ý của công chúng hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Thứ nhất, cái khác biệt của bạn phải đủ sức thu hút sự chú ý của mọi người. Ví dụ, bạn có thể ôm một con chó đi khắp nơi, từ đi học, đi chơi tới cả đi làm. Như vậy là khác biệt rồi đấy. Nhưng chỉ thế thôi thì làm sao mà nổi tiếng? Bạn cũng có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách đi đâu cũng mặc áo sơ mi trắng. Tôi nghĩ, trong một nhóm nhỏ bạn bè của bạn thì như thế đủ gây ấn tượng và làm cho người ta nhớ. Nhưng để nổi tiếng khắp Việt Nam, hoặc ít nhất là ở khu vực TP.Hồ Chí Minh thì bạn phải làm như “Bạch Công Tử” ấy. Tức là phải quần trắng, áo trắng, mũ trắng, giày trắng, sơn xe honda màu trắng và nón bảo hiểm cũng phải trắng luôn. Như thế thì mới đủ “đô” được chứ.
Thứ hai, cái khác biệt của bạn phải có một kênh truyền thông đủ mạnh để phát tán nó đi, để có thể ngay lập tức kể cho hàng trăm ngàn, hàng triệu người được biết. Trong trường hợp các nhân vật mà chúng ta đang nói, thì đó là kênh mạng xã hội.
Thứ ba, sự khác biệt còn phải mang tính thời điểm nữa. Vì cái mà bây giờ số đông coi là khác biệt sẽ trở nên không còn khác biệt sau một khoảng thời gian ngắn. Tôi lấy thí dụ như doanh nhân Hùng Cửu Long đi đâu cũng mặc áo dài. Thế là khác biệt. Nhưng từ khi mọi người đã thấy “quen mắt” với hình ảnh đó, thì người tiếp theo cũng mặc áo dài lại trở thành không có gì mới mẻ. Vậy là tính thời điểm bị trễ mất một nhịp rồi.
Lý thuyết thì chỉ đơn giản như vậy thôi, nhưng cái khó ở chỗ, ai là người đủ “dũng cảm” (hay xã hội quen gọi là “trơ mặt”) để dám làm cho bản thân mình khác biệt? Chẳng phải vừa rồi có một bạn trẻ ở Vũng Tàu đã mang ghế salon ra giữa đường ngồi và cũng nổi tiếng ngay lập tức đó sao.
- Có nhiều ý kiến cho rằng sự nổi tiếng bất ngờ của những “thảm họa mạng" là do một ekip rất thông minh đứng sau, anh nghĩ thế nào?
Blogger Nguyễn Ngọc Long: Những chuyện đó chỉ có những nhân vật trong cuộc mới có thể trả lời, còn chúng ta bàn ra tán vào cũng là võ đoán. Tôi thì không quan tâm việc đấy lắm vì có êkip hay không cuối cùng vẫn là tập hợp của những cái đầu thông minh, nhạy bén và dám làm, dám chịu.
- Nếu theo dõi Facebook “Ngọc Long Blackmoon Nguyễn”, chắc hẳn mọi người đều thấy anh từng chia sẻ mình nể phục Kenny Sang về tài năng và nhân cách? Không chỉ thế anh cũng từng đánh giá cao Lệ Rơi hay Bà Tưng. Lý do vì sao mà anh có chia sẻ như thế?
Blogger Nguyễn Ngọc Long: Ở khía cạnh truyền thông, Kenny Sang đã làm rất tốt. Cậu ấy có thể thu hút sự chú ý của cả dư luận lẫn các cơ quan báo chí và nhanh chóng trở thành một hiện tượng. Khi hỏi chuyện Kenny Sang rằng tại sao lại làm như thế, làm với mục đích gì, có dự trù kết quả và hậu quả hay không, tôi thấy cậu ấy có những suy nghĩ làm tôi bất ngờ vì nó đúng với lý thuyết truyền thông, dù rất bản năng.
- Anh có sợ bị "ném đá" khi bày tỏ những ý kiến như thế không?
Blogger Nguyễn Ngọc Long: Trên đời này tôi chả sợ bất cứ người nào khi bản thân tôi làm đúng. Tôi chỉ thấy sợ khi tôi làm gì đó khiến người thân của tôi buồn. Còn những thành phần mà chúng ta gọi là “trẻ trâu” trên mạng, ngày đêm tìm cách rình mò để chửi bới linh tinh tôi cảm thấy rất khinh thường. Đôi khi tôi cũng cảm thấy họ thật đáng thương và hy vọng cộng đồng sẽ làm gì đấy để giáo dục lại những con người như vậy.
- Nhưng vấn đề ở đây là những người đó sử dụng tài khoản ảo để làm như thế...
Blogger Nguyễn Ngọc Long: Sử dụng nick ảo hay không ảo thì vẫn cứ là sai về mặt pháp luật đã. Còn truy tìm tung tích người thật đằng sau cái nick ảo đó để xử lý thì không khó với các cơ quan quản lý. Có thể thấy một số trang web khiêu dâm có máy chủ đặt ở nước ngoài, đội ngũ điều hành lại rất giỏi công nghệ, họ biết sử dụng nhiều hệ thống che giấu thân phận nhưng vẫn bị bắt và bị khởi tố đấy thôi. Một lúc nào đó, sự việc trở nên nghiêm trọng, tôi tin là những con người thật đằng sau các nick ảo kia sẽ bị lôi ra ánh sáng.
- Với một người nổi tiếng và có nhiều kinh nghiệm trong cộng đồng mạng theo anh, nên ứng xử thế nào với các "thảm họa mạng"?
Blogger Nguyễn Ngọc Long: Chúng ta sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, thì chúng ta phải tuân thủ pháp luật. Nếu người nào đó làm sai về thì có pháp luật xử lý họ rồi. Còn nếu họ không sai về mặt “lý” như vậy, mà chỉ sai về mặt “tình” thì đó là lúc các tổ chức hoạt động xã hội, các cơ quan đoàn thể và cá nhân mỗi người dân đều có quyền lên tiếng.
Nhưng việc bày tỏ chính kiến đó phải đảm bảo không xâm hại đến quyền của đối tượng mà chúng ta đang “góp ý”. Cái đấy không chỉ là để đảm bảo không đi từ cái sai này qua cái sai khác, mà còn thể hiện phông văn hóa của mỗi người.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!