Trước tình trạng chậm hủy chuyến bay liên tục của các hãng hàng không trong thời gian qua khiến hành khách bức xúc, gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh hàng không Việt Nam, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT Quy định chất lượng dịch vụ hàng không tại cảng hàng không.
Theo đó tại Điều 7 Thông tư 36 quy định quyền lợi hành khách được hưởng với chuyến bay bị chậm, hủy chuyến. Cụ thể, hãng hàng không phải cung cấp thông tin tình trạng chuyến bay cho doanh nghiệp cảng hàng không, bố trí nhân viên thông báo và tổ chức cung cấp các dịch vụ mà hành khách được hưởng.
Tỷ lệ chậm, hủy chuyến ngành hàng không gây bức xúc hành khách ảnh hưởng hình ảnh hãng không Việt Nam (ảnh minh họa). |
Trường hợp chuyến bay bị chậm chuyến theo kế hoạch 15 phút, hãng hàng không phải thông báo cho hành khách thông tin liên quan đến chuyến bay như số hiệu chuyến bay và chặng bay, lý do chậm chuyến, thời gian cất cánh dự kiến và kế hoạch bay thay thế, kế hoạch phục vụ hành khách. Đồng thời phải xin lối hành khách.
Trong trường hợp thời gian chậm chuyến từ 02 giờ hãng hàng không phải phục vụ nước uống nhẹ, chậm chuyến 03 giờ phải phục vụ ăn uống.
“Là những hành khách trả tiền để sử dụng dịch vụ của Vietnam Airlines, chúng tôi muốn được biết thông tin chính xác về nguyên nhân dẫn đến việc chậm chuyến bay, trách nhiệm của Vietnam Airlines đến đâu trong sự việc này. Nếu Vietnam Airlines sai thì có bồi thường gì cho hành khách hay không, hay vẫn chỉ là câu nói SORRY AIRLINES”, một hành khách trên chuyến bay VN1560 Nha Trang - Hà Nội chia sẻ sau khi lên máy bay phải ngồi đợi thêm 1h30p mà không biết vì lý do gì.
Cụ thể, nếu chậm chuyến trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ phải phục vụ ăn sáng, từ 12 giờ trưa đến 14 giờ chiều phải phục vụ ăn trưa và nếu chậm chuyến từ 19 giờ đến 21 giờ hãng hàng không phải phục vụ bữa tối cho hành khách.
Thời gian chậm chuyến từ 6 giờ trở lên (trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không.
Chậm chuyến từ 6 giờ trở lên (trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến trước 7 giờ sáng hôm sau) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không hoặc có biện pháp thay thế khi được sự đồng tình của hành khách.
Tuy nhiên hãng hàng không sẽ không phải thực hiện việc phục vụ ăn, nghỉ cho hành khách nếu lý do chậm chuyến do thời tiết, do nguy cơ an ninh ảnh hưởng việc khai thác bay.
Cũng tại thông tư, Bộ GTVT đã có quy định yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phi hành không tại các cảng hàng không phải niêm yết giá, cung cấp nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… ở vị trí dễ nhận biết.
“Đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu và đồ uống không cồn trong khu vực cách ly với mức giá hợp lý, phù hợp với giá chung của từng cảng hàng không” trích Thông tư 36.
Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 01/12/2014.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam trong tháng 8/2014, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) có 1.007 chuyến bay bị chậm (chiếm 10,4%) trong đó có 274 chuyến bay chậm xuất phát từ điều hành của VNA.
Trong khi đứng ở vị trí “quán quân” tỉ lệ chậm chuyến là Jetstar Pacific với 391/ 1556 chuyến bay bị chậm (chiếm 25,1%). Tính chung trong cả tháng 8 có đến 2.057/14.942 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị chậm chuyến (chiếm 13,8%), gần 1/3 trong số chuyến bay chậm nguyên nhân chủ quan như: Trang thiết bị, dịch vụ tại Cảng hàng không, tư vấn đề quản lý bay, Hãng hàng không…
Vấn đề đáng nói ở mỗi chuyến bay bị chậm hoặc hủy chuyến hành khách luôn phải chờ đợi, vật vờ tại sân bay. Có trường hợp hành khách phải chờ cả đêm tại sân bay mà không được hãng hàng không bố trí nơi ăn, nghỉ.