Cô gái Lương Thị Hòa (sinh năm 1986) sinh ra trong một gia đình công nhân, bố mẹ khăn gói từ dưới xuôi theo tiếng gọi Tổ quốc xây dựng Thủy điện Hòa Bình lên đây lập nghiệp.
“Bố mẹ tôi từ nhỏ cứ thích các con sau này làm kĩ sư, hoặc công an, bác sĩ gì đó. Nhưng tôi chỉ nuôi một mơ ước sau này lớn lên mình được trở thành một cô giáo và ước mơ ấy theo tôi cho hết tuổi thơ mình”, cô Hòa kể.
Mang trong mình hoài bão và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 2004, cô học trò Lương Thị Hòa thi đỗ và theo học tại trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình. Vì gia đình không có ai làm nghề giáo nên bố mẹ trăn trở không biết ra trường sẽ đi đâu về đâu.
Rồi cái ngày khát khao ấy cũng đến, năm 2007 cô bé tân sinh viên ngày nào ra trường. Lúc đó, một cô sinh viên Sư phạm Âm nhạc chưa có nhiều va vấp và cũng chưa có quá nhiều trải nghiệm cuộc sống đời thường nhưng thật may mắn cô Hòa được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc, Hòa Bình tuyển dụng lên ngôi trường Trung học cơ sở Yên Hòa để công tác.
Bố mẹ Lương Thị Hòa muốn con cái trở thành kỹ sư, công an nhưng cô chỉ muốn là cô giáo (Ảnh nhân vật cung cấp) |
“Cầm trên tay tờ giấy tuyển dụng mà lòng tôi lâng lâng, hạnh phúc vô cùng bởi từ nay chính thức trở thành cô giáo. Tôi thao thức suốt đêm chờ trời sáng để mai lên đường đến trường.
Khi đồng hồ báo thức đổ chuông, bật dậy chào mẹ rồi xách đống đồ mẹ chuẩn bị cho và bắt đầu hành trình đi gieo chữ.
Lênh đênh trên thuyền suốt 4 tiếng đồng hồ rồi cũng đến Bến Hạt. Bước chân xuống thuyền nhìn quang cảnh 4 phía là rừng, lúc đó trong lòng tôi chợt lóe lên gì đó man mác, tôi quay lại nhìn bác chủ thuyền, như hiểu ý bác bảo:
“Cứ đi đi cô giáo, lên tầm 500m có nhà dân ở thì hỏi người ta đường lên Yên Hòa, còn nếu không hỏi được ai thì cứ đi thẳng đường rừng 8km là đến nơi đông đúc dân cư thì đó là trường cô giáo rồi”.
Thuyền rời bến bác còn cố nói với với tôi: Chúc cô giáo trẻ thành công”, cô Hòa nhớ lại.
Vậy là bắt đầu hành trình trong tiết trời nắng gay gắt, cứ đi, cứ đi rồi bắt đầu ngấm và cảm nhận có gì đó là gian truân, sao đi bộ mãi không thấy ai, đường rừng hoang vu không một bóng người, cô giáo trẻ nhiệt huyết lúc trường giờ đây như muốn khóc gào lên gọi mẹ nhưng rồi tự động viên mình, tiếp tục xách balo lên đi tiếp, bỗng nghe tiếng xe máy vọng từ xa xa, cô Hòa mừng khôn xiết vì đã có người để mình hỏi đường.
Khi còn 4km nữa, may mắn, cô được người đi xe máy qua đường chở đến trường. Thế nhưng khi đến nơi cô Hòa đảo mắt nhìn quanh không thấy cổng trường chỉ thấy dãy nhà cấp 4 ngói đỏ và một dãy nhà đan nứa ở phía xa xa.
“Lúc đó, tim tôi như đập mạnh lên dần, cảm xúc thật khó tả, buồn vui lẫn lộn. Trường của tôi sẽ dạy đây sao? Ngay sau đó, tôi được các anh chị đồng nghiệp của mình sau này hồ hởi chào đón, mỗi người hỏi một câu, làm dòng suy nghĩ buồn trong tôi tan biến.
Rồi đồng nghiệp ra sân gọi bọn trẻ: Trường mình có cô giáo dạy Âm nhạc rồi này các em, chúng hò reo: “Em chào cô, sao cô xinh thế”. Ôi trái tim tôi như vỡ òa cảm xúc hạnh phúc đến khó tả, tôi quên đi hết mệt nhọc và sự vất vả của đoạn đường lên với mái trường vùng cao”, cô Hòa kể.
Cứ thế một miền sơn cước chỉ có cỏ cây hoa lá, chim muông và ánh mắt trẻ thơ vùng cao đầy ước vọng, đầy khát khao khiến cô giáo Hòa càng thêm nhiệt huyết, quên hết khó khăn.(Ảnh nhân vật cung cấp) |
Kể từ đó cô Hòa và đồng nghiệp ở một miền đất có điện mà cũng như không vì trường xa trung tâm có đường điện nhưng chỉ 6-7h tối mới mở, ngày lại cắt), không có nước sạch nên thầy cô phải đi xách từng xô nước về lọc phèn để nấu ăn.
Cứ thế một miền sơn cước chỉ có cỏ cây hoa lá, chim muông và ánh mắt trẻ thơ vùng cao đầy ước vọng, đầy khát khao khiến cô giáo trẻ càng thêm nhiệt huyết, quên hết khó khăn.
Dạy được 2 năm thì cô được luân chuyển về trường mới. Từ đó cho đến nay cô đã luân chuyển 4 trường, đều là trường vùng 135 của huyện.
Trải qua biết bao thăng trầm với nghề, cô giáo trẻ năm nào dần cứng cỏi, trưởng thành hơn và thậm chí đã có nhiều dịp, nhiều cơ hội về gần nhà, về với ánh đèn thành phố nhấp nháy trong đêm, về với tiếng ồn ào nhộn nhịp của phố phường để công tác nhưng cô đều từ chối. Bởi cô muốn mình được hát ca bên trẻ em với các đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
Trường cô Hòa đang dạy hiện nay là trường Tiểu học và trung học cơ sở Cao Sơn, là ngôi trường nhiều chi điểm lẻ nhất huyện, hơn 90% là con em đồng bào các dân tộc: Mường, Dao, Tày.
Ngoài công tác giảng dạy thì cô Hòa được phân công làm công tác Tổng phụ trách, cứ 2-3 hôm lại đến chi lẻ dạy hát múa một lần.
“Tụi nhỏ các chi lẻ, nhất là chi Sưng (tên một chi) lúc nào cũng đếm từng ngày mong cô Hòa lên, bởi trên đó giờ cũng còn thiếu thốn 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Cuộc sống của họ gần như độc lập một vùng, trẻ cứ thấy cô lên là hò reo, huyên náo
Rồi tôi tìm và liên hệ được với các tổ chức thiện nguyện lên với trường, năm 2018-2019 cũng đã xây được một nhà vệ sinh cho các em nhỏ chi Bai, rồi cũng tặng được 50 chiếc xe đạp cho chương trình “ cùng em đến trường”.
Mỗi món quà với trẻ không chỉ là niềm vui nó còn là động lực để nỗi nhọc nhằn trên còn đường đi tìm cái chữ ấy bớt đi”, cô Hòa tâm sự.