Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trực tiếp trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Chính Nghĩa nêu dẫn chứng, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay ngành Giáo dục thiếu hơn 94.741 giáo viên và số giáo viên thừa cục bộ là 10.178. Tính nhanh thì toàn ngành vẫn đang thiếu gần 84.000 giáo viên. Vậy giải pháp căn cơ nào để bổ sung được gần 84.000 biên chế này mà vẫn thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Trung ương về giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng như tinh giản biên chế?
Đại biểu Dương Minh Ánh nêu quan điểm: "Theo số liệu báo cáo từ các địa phương hiện có khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với khoảng 30 năm công tác từ 9-11 triệu đồng/tháng.
Hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non và tiểu học theo thông tư mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2,1. Do vậy, giáo viên mới đi làm chỉ có mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi đó Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khẳng định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".
Tại phiên chất vấn, bà Ánh đặt băn khoăn: Khi nào lộ trình cải cách tiền lương cho giáo viên mới được thực hiện?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. (Ảnh: Thế Đại) |
Cùng quan tâm đến chính sách tiền lương của ngành Giáo dục, đại biểu Thái Thị Thu Sương cho rằng, thời gian làm việc của giáo viên mầm non hiện nay đang nhiều hơn so với quy định. Họ làm từ 10-12 tiếng/ngày và phải đến rất sớm để đón trẻ, về rất muộn sau khi hoàn tất nhiều công việc. Thời gian làm cao hơn quy định nhưng lương của giáo viên mầm non rất thấp. Vậy cần có những chính sách gì để hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non?
Trả lời những nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay, Bộ Nội vụ cũng đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông trên tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo;
Tập trung rà soát lại mạng lưới trường lớp, hệ thống mầm non và phổ thông trên địa bàn cả nước để tính toán, sắp xếp lại quy mô cho phù hợp theo hướng tinh gọn. Thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt vấn đề này.
"Trường tiểu học và trường trung học cơ sở có thể thực hiện đào tạo liên cấp. Ở một xã chỉ nên có một trường phổ thông, đối với trường mầm non thì phải dựa vào đặc thù để liên xã", bà Trà cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi sắp xếp được quy mô, mạng lưới trường lớp, đảm bảo được số học sinh trên lớp và các điều kiện về cơ sở vật chất thì sẽ giải quyết được bài toán về thừa thiếu giáo viên một cách thuận lợi.
Nói về chế độ, chính sách tiền lương, bà Trà nêu quan điểm: "Hiện nay, chế độ chính sách về tiền lương của giáo viên, cán bộ ngành giáo dục cao hơn so với cán bộ công chức, viên chức của một số ngành khác. Tuy nhiên, chế độ tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên theo tính chất đặc thù của ngành thì vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế".
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, do tác động của dịch Covid-19, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước khó khăn nên chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW đang tạm lùi thực hiện cho đến khi điều kiện kinh tế - xã hội có thể đáp ứng được.
"Khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn thì nên chọn một đối tượng ưu tiên trước là giáo viên mầm non để điều chỉnh phụ cấp, mức lương. Nhưng cần tính toán để khi triển khai Nghị quyết 27- NQ/TW không bị sai lệch nhiều, cả về mức trần và các phụ cấp theo lương", bà Trà nhấn mạnh.
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Cần có các pháp lâu dài và bền vững để giải bài toán thừa thiếu giáo viên, bởi nếu chỉ có một giải pháp căn cơ thì sẽ rất khó giải quyết được.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang kiến nghị và thực hiện một số giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, ngành Giáo dục rất cần sự vào cuộc và hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương. Học sinh tăng theo cơ giới, mỗi năm tăng khoảng nửa triệu. Vì vậy, nhu cầu cần giáo viên sẽ ngày càng cao".