Chính sách tiền lương của ngành giáo dục cần tương đương lực lượng vũ trang

06/02/2022 06:45
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần phải có tiêu chí rõ ràng trong việc bổ nhiệm nhân sự cấp quản lý bởi nhiều người giỏi chuyên môn nhưng khi nhận trọng trách lớn hơn lại vướng vào sai phạm.

Là người gắn bó, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề nhân sự, cán bộ trong lĩnh vực này.

Năm vừa qua một số giám đốc, cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan đến sai phạm trong đấu thầu thiết bị giáo dục bị khởi tố như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Điện Biên...

Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Đây chính là bài học đắt giá về công tác nhân sự cho toàn ngành giáo dục chứ không chỉ riêng tại một địa phương. Qua vụ việc này tôi thấy những người không có năng lực, đạo đức, không xứng đáng đứng trong ngành giáo dục và cần loại bỏ".

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) (Ảnh: N.Q)

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) (Ảnh: N.Q)

Hoạt động giám sát, kiểm tra và thanh tra còn buông lỏng

Theo ông Lê Như Tiến, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra phải gắn bó chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu, phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước.

Thông qua sự việc giám đốc, cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo một số địa phương bị khởi tố liên quan tới đấu thầu trang thiết bị giáo dục, điều đó chứng tỏ quá trình giám sát cán bộ đang bị buông lỏng.

"Rõ ràng tại một cơ quan chủ quản giáo dục ở địa phương, một cá nhân không thể tự nâng khống giá, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đây chính là hành vi thông đồng, chia nhỏ dự án, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu của một nhóm lợi ích.

Mặc dù trước đó đã có những trường hợp bị xử phạt nghiêm khắc nhằm răn đe nhưng thực tế vẫn còn nhiều cán bộ yếu kém về cả trình độ, tài năng và đạo đức, nhưng tham lam, lừa dối nhân dân, cơ quan và đứng vào đội ngũ quản lý để vơ vét, trục lợi vì động cơ cá nhân.

Chưa kể môi trường giáo dục là một môi trường nhân văn, tôi lo ngại những vi phạm này sẽ khiến nhiều phụ huynh, học sinh mất niềm tin vào người thầy bởi từ trước đến nay, người thầy luôn là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách và tri thức để các trò noi theo. Hơn nữa, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là một chiến lược quan trọng của quốc gia mà trọng trách lớn được đặt trên vai những nhà giáo", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Lê Như Tiến cho rằng ngành giáo dục cũng như các ngành khác cần phải có những tiêu chí rõ ràng trong tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp quản lý bởi rất nhiều thầy cô giỏi chuyên môn, nghiệp vụ nhưng khi được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hay các cấp cao hơn lại vướng vào sai phạm, kỷ luật.

"Người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ khác với người làm quản lý. Một người đứng đầu cơ quan chủ quản giáo dục tại địa phương phải có tâm và có tầm, am tường về pháp luật, hiểu rõ công tác quản lý. Họ là linh hồn của tổ chức và là người dẫn dắt tổ chức đó đến thành công.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp làm tốt ở cả hai phương diện. Nhưng phải cho họ thời gian trải qua thử thách, bình bầu, bổ nhiệm từ cấp thấp đến cấp cao, từ trưởng bộ môn, trưởng khoa rồi mới đến hiệu phó, hiệu trưởng...

Theo tôi, qua mỗi giai đoạn tiếp cận với công tác quản lý, họ sẽ trưởng thành và đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Như vậy, khi nhận trọng trách, nhiệm vụ lớn lao hơn họ sẽ làm tốt. Tuyệt đối, không được đốt cháy giai đoạn", ông Tiến cho hay.

Kẽ hở nào khiến đấu thầu trong giáo dục bị trục lợi?

Trước quan điểm cho rằng, việc đấu thầu phải chăng còn chưa chặt chẽ nên các đối tượng vẫn khai thác triệt để những kẽ hở để vi phạm, như vụ việc ở Bắc Giang vừa khởi tố cho thấy, giá gói thầu bị nâng khống lên tới 5 lần.

Về vấn đề này, ông Lê Như Tiến nhận định: "Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Luật Đấu thầu được biên soạn rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ. Tuy nhiên, trong luật nếu còn một số nội dung lỏng lẻo, sơ hở chưa tạo khuôn khổ pháp lý thì cần sớm sửa đổi, bổ sung. Nhưng luật đã chặt chẽ mà người thực thi còn cố tình lách luật, không tuân thủ thì cần xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội".

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, tất cả các hoạt động mua sắm tài sản công đều phải đấu thầu. Với những gói thầu cấp bách cần triển khai ngay thì được phép chỉ định thầu nhưng phải đảm bảo mục tiêu vì lợi ích chung của toàn ngành.

"Đối với trường hợp được chỉ định thầu phải nhận được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền. Khi đấu thầu cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm định giá thuộc các bộ, ngành kinh tế như Bộ Tài chính và mức giá sẽ được công khai, minh bạch", ông Tiến cho biết thêm.

Luật hóa chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục

Theo ông Lê Như Tiến, chính sách tiền lương của giáo viên hiện nay vẫn còn thấp so với mặt bằng thu nhập chung, đây cũng là nguyên do dẫn đến những hệ lụy tiêu cực trong ngành giáo dục.

Thời gian tới cần phải có chế độ đãi ngộ đặc thù đối với giáo viên, nâng thang bậc lương của ngành giáo dục ở mức xứng đáng bởi sản phẩm của giáo dục là con người, là nguồn nhân lực của toàn xã hội.

"Chính sách tiền lương, đãi ngộ của người công tác trong ngành giáo dục phải tương đương với các lực lượng vũ trang. Khi chúng ta đã đảm bảo, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, nếu họ vi phạm, có hành vi trục lợi, tham nhũng thì xử lý triệt để", ông Lê Như Tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên cần được luật hóa nhằm thu hút người hiền tài công tác, phục vụ cho ngành giáo dục. Các cơ sở giáo dục phải tạo môi trường, điều kiện để họ cống hiến và phát triển sự nghiệp.

"Tôi thấy hiện nay một số đơn vị, cơ quan trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự vẫn còn ưu ái 5 C (con cháu các cụ cả) hay 6 ệ (Tiền tệ, đồ đệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại tệ, trí tuệ). Thực tế nếu môi trường làm việc không bình đẳng, người tài sẵn sàng rũ áo ra đi.

Nhiều địa phương kêu gọi Tiến sĩ, Giáo sư về làm việc và hỗ trợ tiền, cấp nhà, cấp xe... tất cả mới chỉ dừng lại ở phương diện vật chất. Theo tôi, đãi ngộ về tinh thần, cụ thể là môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, văn hóa công sở văn minh, có kế hoạch đánh giá, khen thưởng thường xuyên mới là kế sách lâu dài để giữ chân nhân tài", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Ngọc Ánh