Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ những yếu khuyết của giáo dục nghề nghiệp

18/04/2017 14:04
Trinh Phúc
(GDVN) - “Trong mười nhóm giải pháp, chúng tôi chọn 3 vấn đề mang tính chất đột phá, chắc chắn hệ thống dạy nghề của chúng ta sẽ có những chuyển biến tích cực”.

Sáng ngày 18/4, trong chương trình làm việc của phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – ông Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (ảnh Trinh Phúc).
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (ảnh Trinh Phúc).

Trong buổi chất vấn sáng nay, các Đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến thực trạng chất lượng dạy nghề hiện nay và các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy nghề.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Long Thành (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) đặt câu hỏi: "Với trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có giải pháp cơ bản nào trong điều kiện chất lượng nguồn nhân lực thấp, để đạt mục tiêu đến năm 2020 theo tinh thần Nghị Quyết của Đại hội Đảng lần thứ 12?"

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ những yếu khuyết của giáo dục nghề nghiệp  ảnh 2Phê duyệt chủ trương đầu tư 7 dự án giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Thời gian vừa qua, sau khi thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chính thức đã phân công Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan giúp Chính phủ chức năng quản lý Giáo dục nghề nghiệp.

Chúng tôi và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành bàn giao. Từ ngày 1/1/2017, Bộ chính thức bắt tay vào thiết kế tập trung thực hiện chức năng của mình”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Thời gian qua, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã tập trung vào việc hoàn thiện thể chế. Phối hợp cùng với các Bộ và chủ động hoàn thiện các văn bản pháp lý.

Trong thời gian rất ngắn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hoàn thành 37 văn bản pháp lý bao gồm: 4 Nghị định Chính phủ, 8 Quyết định của Thủ tướng và 25 Thông tư trong đó có những Thông tư liên Bộ và Thông tư nội bộ.

Do đó, đảm bảo từ ngày 1/1/2017, việc thực hiện đúng theo quy định hiện hành.

Còn một số nội dung chưa tiến hành được hoàn thiện thể chế mà chúng tôi thấy rằng trong các văn bản của ngành giáo dục có thuận lợi hơn thì chúng tôi áp dụng cho các em học sinh, sinh viên trong hoạt động giáo dục”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ những yếu khuyết của giáo dục nghề nghiệp  ảnh 3Chờ “cú hích” cho giáo dục và phát triển nhân lực

Về các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng:

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ đã đề ra 10 nhóm giải pháp cơ bản. 10 nhóm giải pháp này được xây dựng trong đề án đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện của giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể:

1. Xây dựng và ban hành các chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp

2. Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp

3. Đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tính cạnh tranh, tăng cường tự chủ, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.

4. Đổi mới chương trình, đổi mới tuyển sinh, tổ chức dạy học và đặc biệt đánh giá chất lượng dạy học.

5. Tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đáp ứng nhu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Trong đội ngũ này, bên cạnh đội ngũ tổng quát, đại trà chúng tôi chú trọng phát triển đội ngũ chất lượng cao nhằm thực thi nhanh 34 bộ giáo trình chuẩn mà quốc gia mới nhập từ nước tiên tiến về hiện nay.

Đội ngũ giảng dạy phải đáp ứng được chuẩn quốc gia, chuẩn ASEAN và Quốc tế.

6. Từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại cơ sở vật chất thiết bị cho giáo dục nghề  nghiệp.

7. Phát triển hệ thống quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

8. Tăng cường quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp.

9. Nâng cao công tác truyền thông, tư vấn giáo dục nghề nghiệp.

10. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 10 nhóm giải pháp trên, Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội đã chọn 3 giải pháp mang tính chất đột phá.

“Nếu làm tốt 3 vấn đề này thì chắc chắn hệ thống dạy nghề của chúng ta sẽ có những chuyển biến tích cực”, ông Dung khẳng định.

Cụ thể, 3 vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tập trung gồm:

Thứ 1: Tăng cường tự chủ của các cơ sở, giáo dục nghề nghiệp. Tự chủ theo chúng tôi hiểu không phải khoán trắng, không có hỗ trợ nhà nước mà thực chất chúng ta khuyến khích và bắt buộc các trường hoạch toán như doanh nghiệp nhà nước.

Hướng đến giao quyền tự chủ, tự chọn loại hình, ngành đào tạo phù hợp với tình hình loại hình đào tạo.

Tự chủ tự tổ chức bộ máy, chương trình, mã ngành.

Tự chủ từng bước chuyển giao dự toán ngân sách. Các cơ sở giáo dục công lập chuyển sang thực hiện công thức đặt hàng đấu thầu, giao nhiệm vụ cho đầu ra, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập.

Từ nay đến năm 2020 chỉ cấp ngân sách bằng năm 2017, như vậy cũng có nghĩa là hàng năm chúng ta cũng giảm được 7% theo quy định chi tiểu để các trường tự chủ.

Thứ 2: Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, người sử dụng lao động với cơ sở đào tạo và người lao động.

Đây là một trong những yếu khuyết của giáo dục nghề nghiệp vừa qua. Sở dĩ, chúng ta đào tạo ra, người ra trường không có việc làm, doanh nghiệp thường phản ánh chưa có sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp.

Chúng ta triển khai một số mô hình hợp tác với doanh nghiệp mà các nước phát triển đang áp dụng. Cụ thể, như mô hình đào tạo kép của nước Cộng hòa Liên Bang Đức.

Tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, xây dựng chương trình, tham gia đào tạo, đánh giá kết quả người học, cung cấp thông tin, nhu cầu đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thời gian qua, chúng tôi tổng kết, ở 3 trường mà chúng ta thí điểm giao tự chủ toàn phần, cũng như 5 trường bây giờ chúng tôi thí điểm liên kết với doanh nghiệp tham gia từ đầu, ký kết giảng dạy, thực hành, tổ chức đi thực tập, thậm chí thực tập doanh nghiệp cũng trả lương.

Trong quá trình đó doanh nghiệp tham gia vào giảng dạy, cũng như sau đó doanh nghiệp ký trực tiếp với nhà trường.

Quá trình theo dõi đó, có trường cam kết nhà trường chịu trách nhiệm về việc làm. Nếu không giải quyết được thì trả lại tiền chi phí học tập.

Thứ 3: Tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia áp dụng trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với các chuẩn mực các nước như các nước ASEAN và các nước phát triển như chuẩn đầu ra, chuẩn về cơ sở vật chất thiết bị, chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý, chuẩn về kiểm định chất lượng".

Một lần nữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Theo tinh thần ba chuẩn hóa như vậy, chúng tôi  tin tưởng với cách làm như vậy sẽ tạo ra được chuyển biến trong giáo dục nghề nghiệp”.  

Trinh Phúc