Bộ trưởng Giáo dục không nên kêu gọi từ thiện!

09/08/2016 07:13
TS. Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách-Hiệp hội các trường CĐ-ĐH Việt Nam)
(GDVN) - Bộ muốn kiên quyết với các trường, trước hết phải cương quyết với chính đội ngũ cán bộ quản lý của mình.

Sống và làm việc theo pháp luật” là khẩu hiệu được kẻ vẽ, tuyên truyền khắp nơi.

Trong một đất nước pháp quyền, những người tuân thủ pháp luật chính là những người có đạo đức và ngược lại.

Nhiệm vụ của Nhà nước, của cơ quan quản lý là bắt buộc dân chúng, các pháp nhân… phải tuân thủ pháp luật.

Nói đến pháp luật phải nói lý trước, tình sau, cũng như nói người lãnh đạo phải là người tài đức: tài trước, đức sau.

Làm lãnh đạo phải vừa có tài vừa có đức (Ảnh: anninhthudo.vn).
Làm lãnh đạo phải vừa có tài vừa có đức (Ảnh: anninhthudo.vn).

Đức” là để cảm hóa, nhưng cảm hóa con người cần một quá trình, không thể ngay lập tức khiến kẻ có tội trở thành người lương thiện.

Chính vì thế để xã hội không hỗn loạn, cần phải dùng luật, chỉ có luật pháp mới ngay lập tức ngăn chặn tội phạm, khống chế tội phạm, trừng trị tội phạm, điều mà “đức” không làm được.

Trong phạm vi giáo dục, các hành vi giáo dục sẽ phải đi theo chiều ngược lại, dạy “đức” trước, dạy “tài” sau vì dạy “đức” cần rất nhiều thời gian, có thể là cả đời người, trong khi dạy “tài” chỉ cần 4-5 năm Đại học, thêm vài năm cho bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Bộ trưởng Giáo dục không nên kêu gọi từ thiện!    ảnh 2

“Sâu” tiến sĩ và “canh” Giáo dục

Những ngày qua, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến chuyện “văn hóa” các trường đại học tốp trên khi hạ điểm chuẩn xuống 15 điểm nhằm vơ vét thí sinh.

Ý kiến của Bộ trưởng Nhạ nhận được sự đồng tình của khá nhiều người trong và ngoài ngành.

Người viết lại có quan điểm hơi khác.

Là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ trưởng Nhạ trước hết hãy nói đến lý, sau đó hãy nói đến tình.

Nói đến lý nghĩa là các trường Đại học, Cao đẳng được phép làm những gì mà pháp luật cho phép, nói cách khác, họ được quyền làm theo đúng quy chế tuyển sinh mà Bộ đã ban hành.

Dùng khái niệm “văn hóa, đạo đức” để khuyên nhủ các trường tốp trên đừng “tận thu” thí sinh không hề sai nhưng theo người viết đó chưa phải là cách hay nhất của lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục.

Bộ có đầy đủ quyền hành và cơ chế khiến các trường không thể “tận thu”, vấn đề là Bộ có “dám” thực hiện hay lại “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”?

Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn nắm được số lượng giảng viên, cơ sở vật chất của các trường, số sinh viên mà trường đang đào tạo.

Bộ cũng đã có quy định cụ thể về tỷ lệ sinh viên trên giảng viên theo các nhóm ngành.

Hiện nay, đang có sự nhập nhèm về lực lượng gọi là “giảng viên cơ hữu” trong cả trường công và trường tư.

Bộ trưởng Giáo dục không nên kêu gọi từ thiện!    ảnh 3

Mang danh trường tốp trên mà ra sức vơ vét thí sinh là kém văn hóa

(GDVN) - Điều mà người ta sợ nhất trong cuộc đời không phải vì nghèo khó, mà là bị người khác đánh giá thấp về văn hóa ứng xử.

Rất nhiều bài báo đã nêu hiện tượng này, nhiều người đã kiến nghị giải pháp quản lý như thành lập ngân hàng dữ liệu về giảng viên đại học, bao gồm cả những người đã nghỉ hưu.

Bộ nên ban hành quy định, mỗi giảng viên, Phó giáo sư, Giáo sư chỉ được đăng ký cơ hữu tại một cơ sở giáo dục đại học, dựa vào ngân hàng dữ liệu giảng viên, Bộ cần kiểm soát chặt chẽ danh sách giảng viên của các trường theo tiêu chuẩn giảng viên đại học mà Luật Giáo dục Đại học quy định.

Khi làm đúng luật, sẽ có nhiều vấn đề được đưa ra ánh sáng như đội ngũ giảng viên cơ hữu trong không ít trường thiếu về số lượng, yếu về trình độ.

Đội ngũ lãnh đạo một số trường, khoa không thỏa mãn các tiêu chí tối thiểu về học hàm, học vị, thậm chí còn có trường hợp mạo nhận học vị, dùng văn bằng nước ngoài cấp không hợp chuẩn…

Điều duy nhất còn lại là Bộ có “dám” phạt và khi đã phạt có dám phạt thật nặng các trường vi phạm quy định hay không?

Vi phạm quy chế về tuyển sinh cũng giống như vi phạm Luật Giao thông, vì sao không quy định nâng mức phạt như ngành Công an đang làm?

Người viết xin kiến nghị:

Bộ trưởng Giáo dục không nên kêu gọi từ thiện!    ảnh 4

Nhận diện “bộ phận không nhỏ” ngành Giáo dục

Thứ nhất, những trường, ngành không đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… phải bị đình chỉ tuyển sinh ngay lập tức.

Thứ hai, nếu tuyển sinh vượt tỷ lệ quy định từ 1-5% coi như vi phạm pháp luật, phải  dừng tuyển sinh năm tiếp theo.

Thứ ba, nếu vượt quá 5% thì ngoài bị dừng tuyển sinh còn kèm thêm hình thức kỷ luật người đứng đầu như cách chức Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy…

Làm được việc đó, Bộ trưởng không cần kêu gọi các trường dừng “văn hóa tận thu” và dư luận cũng không chia thành hai nhóm, người khen, kẻ chê.

Tất nhiên, vì Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là chủ quản của nhiều trường nên muốn làm được điều này cần phải có tiếng nói của Chính phủ - “cơ quan chủ quản” của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố.

Nhiều năm qua, theo dõi tình hình tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, có thể thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quá nương nhẹ các trường.

Điều gì ẩn sau sự nương nhẹ này không chỉ những người có trách nhiệm biết mà dư luận cũng “lờ mờ” cảm nhận.

Một trường Đại học công lập ngay trên địa bàn Hà Nội mà cả hai Hiệu phó đều chưa phải là Tiến sĩ, mục “ba công khai” bỏ trống không dám công khai bất cứ thông tin gì về học hàm, học vị đội ngũ giảng viên liệu có nên cho phép tuyển sinh?

Có thể Bộ trưởng Nhạ không thể chỉ mặt các Hiệu trưởng như nguyên Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng thể hiện với nhà thầu Trung Quốc.

Nhưng sự kiên quyết của Bộ với lãnh đạo các trường thì không thể không làm cho dù “chủ quản” của họ là ai.

Bộ trưởng Giáo dục không nên kêu gọi từ thiện!    ảnh 5

Nước Việt có bao nhiêu nhân tài?

Bộ muốn kiên quyết với các trường, trước hết phải cương quyết với chính đội ngũ cán bộ quản lý của mình.

Bao nhiêu chủ trương “trên trời” mà Bộ ban hành có làm cho ai mất chức hay bị kỷ luật?

Hình như công chức Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn là những người gương mẫu nhất trong các Bộ, liệu điều này đúng với thực tế hay không thiếu dẫn chứng cho thấy nhận xét trên không hoàn toàn đúng?

Không giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, thật khó để đổi mới giáo dục thành công.

TS. Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách-Hiệp hội các trường CĐ-ĐH Việt Nam)