Mang danh trường tốp trên mà ra sức vơ vét thí sinh là kém văn hóa

08/08/2016 13:30
Ngọc Quang
(GDVN) - Điều mà người ta sợ nhất trong cuộc đời không phải vì nghèo khó, mà là bị người khác đánh giá thấp về văn hóa ứng xử.

Nhưng dường như điều đó đã bị rất nhiều Hiệu trưởng của các trường đại học lớn trên cả nước lãng quên trong kỳ tuyển sinh 2016.

Hàng loạt trường đại học lớn muốn vơ vét thí sinh đã hạ điểm nhận hồ sơ xuống mức điểm sàn mà Bộ Giáo dục công bố (15 điểm) hoặc chỉ cao hơn chút đỉnh. Họ bất chấp dư luận, bất chấp uy tín của cá nhân, của tập thể giảng viên và uy tín của ngôi trường, tìm mọi cách vơ vét thí sinh, còn chất lượng thế nào thì chưa cần tính tới.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chiều 5/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ rõ, một số trường ở tốp cao cũng lấy điểm đầu vào là 15 điểm, bằng mức điểm sàn.

Tư lệnh ngành giáo dục thể hiện rất rõ thái độ không hài lòng với cách làm của những trường này, bởi vì điểm sàn là điểm đạt chất lượng tối thiểu chỉ dành cho các trường có mức độ vừa phải, còn các trường tốp cao thì phải lấy 20 điểm trở lên.

Bộ trưởng chia sẻ: “Nếu động vào thì các trường sẽ bảo đó là việc của tôi. Đúng thật, tuyên bố điểm sàn là 15 thì về mặt luật pháp cớ gì mà ngăn cấm? Nhưng cái văn hóa của ta là tận thu, không tính đến một cách nghiêm túc của người học, và cũng không nhìn thấy các trường tốp dưới.

Đây là vấn đề văn hóa, vấn đề ứng xử với cộng đồng. Đối với những trường này là vấn đề tận thu, nhưng vô hình trung đối với rất nhiều cháu là trượt, bởi vì cứ tin như thế, rồi không được rút ra. Điều này khiến tôi rất lo lắng”.

Đại học Giao thông Vận tải là một trong những trường nhận hồ sơ xét tuyển ở mức điểm sàn (15 điểm). ảnh: vtc.edu.vn
Đại học Giao thông Vận tải là một trong những trường nhận hồ sơ xét tuyển ở mức điểm sàn (15 điểm). ảnh: vtc.edu.vn

Tư lệnh ngành giáo dục cho biết thêm: “Đối với các trường đại học thì sẽ tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, nhưng tự chủ không có nghĩa là tự trị, muốn làm gì thì làm.

Có một số trường chưa hiểu đúng ý nghĩa của tự chủ, muốn tự do, tự trị, thích làm theo ý mình, nhưng trong đó yếu tố vô cùng quan trọng là tự giải trình thì lại mờ đi”.

Trước đó, trong Hội nghị tổng kết ngành giáo dục 2015-2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nói rõ: “Tôi đề nghị các trường đã công bố rồi thì rút lại, đưa ra thông báo mới để các trường tốp dưới có cơ hội, đặc biệt là các thí sinh có thông tin minh bạch đăng ký vào là có cơ hội trúng tuyển cao, cũng để giữ vị thế của các trường”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khuyến cáo.

Ứng xử phản giáo dục ngay trong môi trường giáo dục

Chỉ cần chưa đến 30 giây lướt qua google là có thể thấy ngay hàng loạt trường đại học lớn công bố nhận hồ sơ xét tuyển ở mức điểm sàn (15 điểm).

Đó là Đại học Giao thông Vận tải; Đại học Thủy lợi; Đại học Hà Nội; Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh); Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội; Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế Tài chính TP.Hồ Chí Minh...

Một số trường đại học lớn khác cũng vơ vét thí sinh bằng cách nhận hồ sơ xét tuyển ở mức 17 điểm, như Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội; Học viện Tài chính.

Mang danh trường tốp trên mà ra sức vơ vét thí sinh là kém văn hóa ảnh 2

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang lo lắng điều gì?

Đúng như Bộ trưởng Nhạ nói, đây mới là giai đoạn nhận hồ sơ, nhưng nếu như hạ điểm nhận hồ sơ quá thấp thì rất nhiều thí sinh sẽ “bị kẹt” vì khi trót nộp hồ sơ vào trường rồi thì không được rút ra nữa.

Điểm chuẩn ở các trường tốp đầu thường ở mức cao, nếu lấy tối thiểu từ 18 điểm trở lên, như vậy sẽ có hàng nghìn thí sinh bị rớt.

Trong khi đó nếu tính toán ngay từ đầu quy mô đào tạo, số lượng được phép tuyển sinh thì những trường này hoàn toàn có thể công bố số điểm nhận hồ sơ sát với điểm chuẩn.

Vì vậy, cách làm của các trường này vô hình trung đã tạo ra một nguy cơ rất lớn cho nhiều thí sinh. Đó là sự yếu kém trong văn hóa ứng xử với cộng đồng, là một hành động phản giáo dục trong chính môi trường giáo dục.

Vấn đề thứ hai đó là khi các trường tốp trên tìm mọi cách tận thu sẽ dẫn tới các trường tốp dưới không thể tuyển sinh được.

Như vậy, trong khi các trường tốp trên luôn nêm chặt cứng sinh viên và đào tạo không đạt chất lượng, quy mô quá lớn so với khả năng... thì các trường tốp dưới dù nỗ lực đến mấy cũng không tuyển sinh nổi.

Trên thực tế, thí sinh vẫn nộp hồ sơ vào các trường đại học hầu như dựa trên “danh tiếng cũ” chứ không có đầy đủ thông tin để xác định chính xác ngành học và môi trường đào tạo của từng trường.

Hiện nay có rất nhiều trường đại học ngoài công lập dù chưa có thương hiệu lớn như các trường tốp đầu, tuy nhiên cách tuyển sinh lại rất chuyên nghiệp:

Tư vấn cho thí sinh ngay từ khâu chọn ngành; tổ chức làm thử các bài kiểm tra để đánh giá khả năng của thí sinh phù hợp với những ngành nào; đưa thí sinh đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp để hiểu về các vị trí việc làm... sau đó mới cùng trao đổi giúp thí sinh chọn ngành chính xác.

Ở chiều ngược lại, hầu hết các trường đại học công lập chỉ đang sống dựa vào nền tảng uy tín sẵn có chứ không quan tâm tới chuyện thí sinh đăng ký học ngành đó có phù hợp hay không? Khả năng tìm việc làm và phát triển thế nào? Đó là một vấn đề hết sức quan trọng mà thí sinh cần phải lưu ý khi chọn trường.

Mang danh trường tốp trên mà ra sức vơ vét thí sinh là kém văn hóa ảnh 3

Bộ trưởng Nhạ ơi, nền giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu nếu ta tiếp tục VNEN?

(GDVN) - “Chúng tôi mong rằng các tỉnh, thành ở nước ta hãy dũng cảm như tỉnh Hà Tĩnh, quyết định dừng ngay “Cái VNEN” - sản phẩm từ năm 2000 của xứ sở Colombia”.

Lo lắng của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là lo lắng của rất nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu trong buổi làm việc giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chiều 5/8.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nói thẳng rằng, đây là một sự hỗn loạn trong giáo dục đại học, chỉ biết vơ vét thí sinh, không quan tâm thực chất tới đào tạo.

“Nhà nước chỉ nên giành ngân sách cho một số ngành nghề đặc biệt mà nhà nước sẽ phân công công tác, nói cách khác là nhà nước đặt hàng các trường đào tạo theo nhu cầu của hệ thống các cơ quan thuộc khối công vụ. Còn lại những ngành khác, như kế toán – tài chính thì không hưởng chế độ bao cấp nữa.

Không thể để tình trạng 80% các trường công lập vẫn được hưởng các khoản trợ cấp, ưu đãi từ nhà nước, đào tạo tràn lan rồi gây ra nạn thất nghiệp, thế rồi chẳng có ai chịu trách nhiệm gì cả”, PGS. Nhĩ nêu quan điểm.

Trong hội nghị tổng kết ngành giáo dục hôm 5/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị các trường tốp đầu đã công bố nhận hồ sơ từ mức điểm sàn thì phải rút lại, để tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh và các trường tốp dưới.

Nhưng liệu thông điệp đầy tính nhân văn ấy của Bộ trưởng sẽ được bao nhiêu trường hưởng ứng?

Ngọc Quang