Trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo, giáo dục, đào tạo là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngành đã rất cố gắng và đạt được những kết quả.
Tuy nhiên, so với kỳ vọng của cử tri và nhân dân thì ngành vẫn còn nhiều tồn tại. Bộ trưởng mong muốn trong phiên chất vấn sẽ nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để cùng trao đổi, phân tích, nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, xây dựng ngành phát triển.
Các đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị), Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng).... đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về các vấn đề:
Đề án dạy học Ngoại ngữ quốc gia 2020 và Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam vấn đề liên quan đến quy định trình độ ngoại ngữ đối với giáo viên và học sinh, sinh viên; đào tạo trình độ sau đại học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số;...
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh chụp màn hình) |
Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu ra Đề án ngoại ngữ 2020 có mục tiêu đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp có khả năng sử dụng độc lập ngoại ngữ, tự tin giao tiếp trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
“Hiện nay, sau 8 năm nhiều mục tiêu chưa đạt được với nhiều hạn chế. Đến năm 2020 dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không?”, đại biểu Dương Minh Ánh đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nhạ.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đến năm 2020 không thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
Bởi theo Bộ trưởng, việc dạy - học ngoại ngữ cần có thời gian, chi phí rất lớn để đạt được mục tiêu.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề thời gian, kinh phí, chuẩn bị. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cá nhân Bộ trưởng thì chúng tôi có trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.
Do đó, hiện Bộ đang rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại các mục tiêu đề ra; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; thiết kế lại các chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dạy, học ngoại ngữ...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 16/11 (Ảnh chụp màn hình) |
Bộ trưởng khẳng định, cái được của đề án Ngoại ngữ 2020 là bài học kinh nghiệm, để tập trung vào những vấn đề liên quan đến chuyên môn, không chỉ tập trung đào tạo sinh viên, giảng viên mà còn là toàn dân trong việc "xóa mù chữ" tiếng Anh.
Vì vậy, người đứng đầu ngành giáo dục cũng thông tin thời gian tới khi xây dựng các đề án khác phải hết sức thiết thực, khả thi bám sát vào yếu tố để thực hiện mục tiêu này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiết lộ, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ điều chỉnh đề án Ngoại ngữ 2020.
“Thứ nhất, việc điều chỉnh theo nguyên tắc chương trình nội dung phải thống nhất. Trong đó, chương trình có tính đến hội nhập quốc tế và tránh tình trạng biên soạn theo năng lực các thầy các cô.
Thứ hai là tập trung đào tạo giáo viên. Thực tế vừa qua có việc đào tạo giáo viên chưa kỹ nên quá trình thực hiện khó khăn. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm vấn đề này”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt vấn đề học ngoại ngữ suốt đời để ai cũng có quyền được học, hưởng lợi từ sự hội nhập.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào các phương thức đào tạo trực tuyến từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, Bộ sẽ nhấn mạnh xã hội hóa chứ không phải tất cả trông chờ vào đề án này. Để tạo động lực cho xã hội quan tâm và học tiếng Anh.
“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm để điều chỉnh”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ, không hy vọng đến 2035 chúng ta phổ cập được tiếng Anh.
Kinh nghiệm của Malaysia, Singapore là từ khi giải phóng, những nước này đã có nền tảng tương đối tốt nhưng để đến khi cả nước có thể nói tiếng Anh thì cũng là thời gian dài.
“Nếu không có lộ trình, không có quyết tâm thì chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đề án Ngoại ngữ 2020”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu các nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày 16/11: Tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện,đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội; Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp; Công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; Giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực; Việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; Giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020. |