Buộc trục xuất đối với lao động nước ngoài không phép

27/09/2011 06:25
Nam Phong
(GDVN) - Không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh đối với người nước ngoài khi chưa được cấp phép lao động hoặc giấy phép hoạt động hết hiệu lực hoặc vô hiệu.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trong cả nước về việc tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bộ trưởng Chuyền yêu cầu các tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định tại Bộ LĐTB&XH, Nghị định số 34/2008 và Nghị định 46/2011 nêu trên đến các doanh nghiệp, các nhà thầu nước ngoài trên địa bàn.

Chỉ đạo các cơ quan quản lý, các tổ chức tuyển dụng người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam: Đối với nhà thầu nước ngoài: Phải có phương án và phải thực hiện đúng nội dung trong hồ sơ về sử dụng lao động Việt Nam và người nước ngoài trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của chủ đầu tư. Báo cáo và đề nghị bằng văn bản với Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, nơi nhà thầu nước ngoài thực hiện gói thầu hoặc dự án đã trúng thầu về việc tuyển lao động Việt Nam bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc. Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật trước khi người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

Hơn 1.000 lao động người Trung Quốc không có giấy phép đã bị phát hiện tại dự án Nhà máy đạm Cà Mau.
Hơn 1.000 lao động người Trung Quốc không có giấy phép đã bị phát hiện tại dự án Nhà máy đạm Cà Mau.

Đối với chủ đâu tư phía Việt Nam, phải quy định nội dung sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, trong đó phải ưu tiên lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà lao động Việt Nam có khả năng thực hiện.

Trường hợp cần sử dụng lao động nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầy nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.

Các Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm giới thiệu, cung ứng lao động Việt Nam cho nhà thầu nước ngoài hoặc cung ứng lao động Việt Nam được cho nhà thầu nước ngoài thì báo cáo Chủ tịch tỉnh, TP xem xét, quyết định cho phép nhà thầu nước ngoài tuyển người nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được lao động là người Việt Nam.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về việc tuyển dụng, cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài trúng thầu đang hoạt động tại các địa phương có sử dụng người nước ngoài. Nếu phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Chuyền đề nghị công an các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, cơ quan cấp thị thực cho người nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động hoặc cấp lại giấy phép lao động. Không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại địa phương khi chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép hết hiệu lực hoặc vô hiệu.

Không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh đối với người nước ngoài làm việc tại địa phương khi chưa được cấp phép lao động hoặc giấy phép hoạt động hết hiệu lực hoặc vô hiệu.

Đối với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần kiểm tra, giám sát thực hiện quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng. Đối với chủ đầu tư của gói thầu EPC phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu (Mời thầu, lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng…) và người nước ngoài làm việc tại các gói thầy EPC. 

Tổ chức thanh kiểm tra về người nước ngoài đang làm việc tại tất cả các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu đã trúng thầu trên địa bàn tại thời điểm ngày 30/9/2011. Kết quả các nội dung thanh, kiểm tra gửi về Bộ LĐ-TB&XH trước 31/10/2011 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 6.8, lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau cho biết, trên công trình Nhà máy đạm Cà Mau (Khu khí - điện - đạm Cà Mau, thuộc xã Khánh An, H.U Minh) hiện có hơn 1.000 công nhân Trung Quốc lao động không phép.
 
Công ty CP khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàng (Trung Quốc) trúng thầu xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, đã tuyển dụng trên 1.700 công nhân người Trung Quốc, nhưng số lao động được cấp phép chưa đầy 700 người. Sở LĐ-TB-XH Cà Mau đang yêu cầu nhà thầu, Ban quản lý dự án Cụm khí - điện - đạm Cà Mau tiến hành làm các thủ tục xin cấp phép cho người lao động nước ngoài đúng theo quy định trong thời gian sớm nhất.

Nam Phong