Bước vào năm học mới, 600 trường tiểu học nhưng Thanh Hóa chỉ có 175 GV Tin học

25/08/2022 06:37
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhu cầu đặt hàng giáo viên Tin học tăng nhưng trường đại học chỉ có 20 chỉ tiêu khiến địa phương loay hoay tìm giải pháp khi thiếu giáo viên. 

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên đưa vào triển khai dạy môn Tin học bắt buộc đối với lớp 3. Dù đã có thời gian chuẩn bị từ trước, nhưng đến thời điểm này, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn phải đối mặt với bài toán thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho môn học này.

600 trường tiểu học nhưng chỉ có 175 giáo viên Tin học

Thanh Hóa là 1 trong 10 tỉnh, thành phố đang phải đối mặt với bài toán thiếu giáo viên trầm trọng ở tất cả các cấp học, nhất là khi năm học 2022-2023 đưa vào triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 3, 7 và lớp 10.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Vinh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không phải là câu chuyện mới xảy ra mà đã trở thành “điệp khúc” kéo dài nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.

Thạc sĩ Trịnh Vinh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Xuân Thiên).

Thạc sĩ Trịnh Vinh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Xuân Thiên).

“Chuyện thiếu giáo viên đang là khó khăn chung của hầu hết các trường học trên địa bàn cả nước. Đối với tỉnh Thanh Hóa, tình trạng thiếu giáo viên càng nan giải hơn khi năm học 2022-2023 đưa vào triển khai một số môn bắt buộc ở cấp tiểu học như Tiếng Anh, Tin học.

Hiện nay, riêng cấp tiểu học, tỷ lệ giáo viên đứng lớp chỉ đạt 1,2 giáo viên/lớp so với định mức 1,5 giáo viên/lớp. Con số này là thấp hơn so với quy định chung.

Dù đã có thời gian chuẩn bị "dài hơi", nhưng đến thời điểm này, nhiều trường tiểu học vẫn chưa trang bị đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên.

Theo báo cáo tổng hợp của các trường cho thấy, hiện, toàn tỉnh có 600 trường tiểu học nhưng chỉ có 175 giáo viên Tin học. Theo đó, tỉnh thiếu khoảng hơn 420 giáo viên (nếu bố trí mỗi trường 1 giáo viên Tin học)”, Thạc sĩ Trịnh Vinh Long chia sẻ thêm.

Năm học này, 400/600 trường tiểu học ở Thanh Hóa chưa có giáo viên Tin học đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục địa phương, đặc biệt là vùng núi, biên giới, vùng sâu vùng xa khó thu hút giáo viên về công tác.

"Nhằm giải quyết vấn đề này, Phòng Giáo dục Tiểu học tích cực tham mưu và có hướng dẫn các trường tiểu học tập trung khắc phục trên tinh thần không để thiếu giáo viên làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận môn Tin học của học sinh.

Trước mắt, Phòng tham mưu cho huyện bố trí, phân công giáo viên giảng dạy sao cho đảm bảo tất cả các trường tiểu học đều đạt đủ tiêu chí tổ chức dạy và học.

Cơ sở vật chất phục vụ cho môn Tin học, phòng học chuyên biệt của môn tiếng Anh còn thiếu nhiều cũng là nguyên nhân khiến các trường tiểu học “than khó” khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính vì thế, Phòng có hướng dẫn các trường đề xuất phân bổ kinh phí trang bị máy tính, máy chiếu phục vụ cho các môn học đặc thù như Tin học, Tiếng Anh.

Phòng khuyến khích trường tiểu học tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh để tổ chức dạy học. Theo đó, trường có thể cân nhắc, bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường. Những trường có giáo viên Tin học thì mạnh dạn bố trí thầy, cô dạy tăng thêm số tiết.

Việc triển khai dạy liên trường, liên cấp và tăng số tiết môn Tin học vừa nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa đảm bảo quyền lợi được tham gia học tập của học sinh. Do đó, trường không ấn định khoanh vùng di chuyển đối với giáo viên dạy liên trường là bao nhiêu km mà sẽ triển khai một cách linh hoạt, dựa vào khả năng, tinh thần tự nguyện của giáo viên”, Thạc sĩ Trịnh Vinh Long thông tin thêm.

Nhu cầu đặt hàng giáo viên Tin học tăng nhưng trường đại học chỉ có 20 chỉ tiêu đào tạo

Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Hồng Đức đào tạo giáo viên Tin học nhằm tìm giải pháp căn cơ, lâu dài chuyện thiếu giáo viên.

Bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ: “Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Trường Đại học Hồng Đức được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 20 chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm Tin học. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này là rất ít so với nhu cầu tuyển dụng giáo viên môn học này ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: website Nhà trường).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: website Nhà trường).

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền, với bề dày kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực sư phạm chất lượng cao, nhà trường hoàn toàn có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giảng viên đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu đào tạo cho khoảng 100 chỉ tiêu ngành Sư phạm Tin học. Song, do đây là năm đầu tiên đào tạo ngành này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giao 20 chỉ tiêu.

Lý giải nguyên nhân “khát” nguồn nhân lực giáo viên môn Tin học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền cho biết, thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Tin học là môn học bắt buộc đối với lớp 3, do đó, nhu cầu tuyển dụng đội ngũ giáo viên này tăng cao trong khi nguồn tuyển khan hiếm.

Nguồn tuyển khan hiếm là vì trước đây các trường đại học, cao đẳng ít đào tạo ngành Sư phạm Tin học và chỉ tiêu giao cho các trường đại học chưa thực sự bám sát với nhu cầu thực tế địa phương. Chưa kể, lượng sinh viên Sư phạm Tin học ra trường có nhiều cơ hội tiếp cận việc làm với mức lương cao hơn, ổn định hơn, nên ít “mặn mà” nghề dạy học.

“Để tìm lời giải cho bài toàn thiếu giáo viên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đối với trường Đại học Hồng Đức, từ năm học trước, trường được tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên ở tất cả các môn học. Năm nay, trường tiếp tục nhận nhiệm vụ đào tạo thêm ngành Sư phạm Tin học và Sư phạm Tự nhiên (đào tạo giáo viên môn tích hợp Vật lý và Hóa học). Điều này chứng tỏ tỉnh đã có những tiên lượng trong giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu thiếu giáo viên đang rất lớn thì chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường lại giảm hơn so với năm ngoái ở tất cả các ngành đào tạo sư phạm. Do đó, dự báo tình trạng thiếu giáo viên vẫn sẽ là hồi chuông báo động kéo dài nếu các cấp, ngành giáo dục không có kịch bản dự báo kịp thời”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền chia sẻ.

Cũng theo nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền, về biện pháp căn cơ, lâu dài, đối với môn Tin học cũng như các môn khác trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, để đáp ứng tình hình thực tế, tỉnh nên có tham mưu và xây dựng văn bản đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao thêm chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường Đại học.

"Ngoài ra, trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có thể nghiên cứu, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch đặt hàng đối với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo giáo viên ở các môn còn thiếu theo tình hình nhu cầu thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, muốn cơ chế đặt hàng giáo viên đạt hiệu quả thì địa phương phải có thống kê, tầm nhìn rộng trong dự báo nguồn nhân lực, biên chế sát với tình hình thực tế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền nêu gợi ý.

Ngọc Mai