Nhu cầu GV khối NCL nhiều, sao trường sư phạm chỉ được đào tạo theo đặt hàng?

22/08/2022 06:55
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các tỉnh hiện nay thực hiện rà soát nhu cầu giáo viên thì chủ yếu mới rà soát và thống kê đối với khối công lập trong khi nhu cầu khối NCL tương đối lớn. 

Được biết, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ nhu cầu các địa phương về đào tạo giáo viên để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu đào tạo năm 2022. Đến thời điểm hiện tại, do nhiều địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên hoặc vẫn đang tiến hành rà soát nhu cầu giáo viên, do đó chưa có báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, nhiều trường cao đẳng đến nay vẫn “án binh bất động” đối với ngành cao đẳng giáo dục mầm non dù năm học mới đang đến gần.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Thanh Tâm - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ cho biết, đến nay nhà trường vẫn đang chờ quyết định chỉ tiêu đào tạo ngành giáo dục mầm non cho năm học mới.

Đến nay, Trường Cao đẳng Cần Thơ vẫn đang chờ quyết định chỉ tiêu đào tạo ngành giáo dục mầm non cho năm học mới. Ảnh: Fanpage của trường Cao đẳng Cần Thơ.

Đến nay, Trường Cao đẳng Cần Thơ vẫn đang chờ quyết định chỉ tiêu đào tạo ngành giáo dục mầm non cho năm học mới. Ảnh: Fanpage của trường Cao đẳng Cần Thơ.

Đây là năm thứ hai Trường Cao đẳng Cần Thơ thực hiện đào tạo ngành giáo dục mầm non theo Nghị định 116. Thầy Hồ Thanh Tâm cho biết:

“Năm học vừa rồi, dựa vào năng lực của trường, Bộ đã giao đào tạo 303 chỉ tiêu. Trên thực tế, trường được thành phố giao nhiệm vụ là 190 chỉ tiêu. Theo quy định trong Nghị định 116, ngoài nhiệm vụ tỉnh giao, các chỉ tiêu còn lại thì trường có thể tham gia đấu thầu, nhận đặt hàng đào tạo với các tỉnh khác và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên năm vừa rồi là năm đầu tiên thực hiện nên vẫn còn những bỡ ngỡ nhất định, hơn nữa nguồn các em đăng kí đủ với số lượng đặt hàng của thành phố nên trường vẫn chưa thực hiện được với 3 đối tượng còn lại”.

Theo thầy Tâm, năm nay trường đã chuẩn bị các phương án tuyển sinh và hiện tại chỉ chờ chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao để thực hiện.

Trước đó, trường Đại học Phạm Văn Đồng cũng chưa nhận được chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho năm học mới này do địa phương vẫn chưa cân đối được nguồn ngân sách. Tuy nhiên, ngày 17/8, qua trao đổi với thầy Trần Đình Thám - Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng, trường vừa mới được Bộ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho năm học 2022-2023 với 345 chỉ tiêu.

Cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học mới, tuy nhiên trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình lại gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai tuyển sinh chính thức do chưa nhận được văn bản ký quyết định từ Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Lệ Hường - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình cho biết:

“Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản hướng dẫn các tỉnh, địa phương về việc triển khai thực hiện Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trường vẫn gặp một số vướng mắc.

Cụ thể, ở tỉnh Hòa Bình, trên cơ sở nhu cầu do tỉnh đề xuất, Bộ giao chỉ tiêu trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đào tạo 300 chỉ tiêu cao đẳng sư phạm ngành giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, trường chỉ được triển khai tuyển sinh khi có văn bản đồng ý của tỉnh về việc đảm bảo chế độ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ".

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Ảnh: Fanpage của nhà trường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Ảnh: Fanpage của nhà trường

Theo cô Hường, hiện nay tỉnh Hòa Bình đang rà soát lại các điều kiện thực hiện, đặc biệt là dự toán kinh phí và xác định nguồn kinh phí để thực hiện Nghị định 116 nên trường vẫn đang chờ ý kiến chính thức từ Ủy ban nhân dân tỉnh rồi mới tổ chức tuyển sinh cho năm học mới.

“Hiện tại đang là giai đoạn gấp rút cho việc tuyển sinh, mà tuyển sinh thì chỉ có thời điểm thôi. Tuy nhiên, do chưa có văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh nên trường chưa thể thực hiện việc tuyển sinh.

Như vậy thì không có người học, việc giải quyết vị trí việc làm cho số cán bộ giảng viên cơ hữu của trường đang là bài toán khó. Ngoài ra, kinh phí cấp về trường cũng sẽ không có vì phải có sinh viên học thì mới được cấp”, hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình chia sẻ một số khó khăn hiện nay.

Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên chính thức được triển khai từ năm học 2021-2022. Theo chia sẻ của cô Hường, năm học vừa rồi, trường vẫn thực hiện đào tạo giáo viên theo chế độ cũ, sinh viên được miễn học phí, tuy nhiên chưa được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí.

“Năm vừa rồi, tỉnh Hòa Bình chưa triển khai được Nghị định 116 và tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo về lý do không thực hiện được. Trong đó, có 2 nguyên nhân chính, đó là tỉnh khó khăn trong việc cân đối nguồn ngân sách để thực hiện. Thứ hai, đó là việc tuyển dụng sau này cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên đang khá vướng mắc”.

Thực tế hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức nào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển dụng đối tượng sinh viên sau khi theo học diện Nghị định 116. Do đó, việc tuyển dụng giáo viên vẫn theo cơ chế chung là Nghị định 115/2020/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, tức là vẫn thi tuyển bình thường như các đối tượng khác.

Điều này khiến các tỉnh còn khá e dè và lo ngại trong việc đặt hàng, vì không có đảm bảo chắc chắn nào để có thể tuyển dụng được người mà tỉnh đã “đặt hàng” khi việc tuyển dụng thực hiện theo cơ chế chung là thi tuyển. Ngoài ra, việc thu hồi lại kinh phí nếu sinh viên không công tác trong ngành giáo dục cũng là một bài toán khó đối với các tỉnh.

Đây cũng là một trong những vướng mắc, bên cạnh vấn đề ngân sách khiến nhiều tỉnh từ năm ngoái đến nay vẫn chưa có nhiều động thái tích cực với việc đặt hàng đào tạo giáo viên, dù thực tế trên địa bàn, bài toán thiếu giáo viên năm nào cũng xảy ra.

Cô Hường lấy ví dụ về những vướng mắc giống như việc triển khai học cử tuyển:

“Lấy đơn cử như việc triển khai học cử tuyển, là cử đi học, sau đó về bố trí công việc. Mặc dù quy định rõ ràng như thế, tuy nhiên thực tế sau khi đi học về không phải ai cũng được làm đúng ngay vị trí ấy”.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Nghị định 116, thầy Hồ Thanh Tâm cho rằng để thực hiện tốt Nghị định 116 cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện:

“Các đơn vị cùng nhau làm thì sẽ “ra câu chuyện” sớm. Ví dụ Sở Tài chính cân đối chính sách để có tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối về nguồn nhân lực; về phía các cơ sở đào tạo là trường thì chịu trách nhiệm đào tạo sinh viên theo đơn đặt hàng được giao”.

Việc triển khai thực hiện Nghị định 116 từ năm ngoái đến nay vẫn còn rất nhiều vướng mắc, do đó nhiều lãnh đạo các trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến các địa phương, các trường xem vướng mắc như thế nào; từ đó tổ chức các hội nghị, hội thảo để có giải pháp tháo gỡ.

Ngoài ra, ở góc độ cơ sở đào tạo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho phép các trường ngoài đào tạo theo chỉ tiêu từ Nghị định 116, sẽ được tuyển sinh thêm dựa trên nhu cầu của xã hội:

“Thực tế ngành giáo dục mầm non, khối ngoài công lập rất nhiều. Các tỉnh hiện nay thực hiện rà soát nhu cầu giáo viên thì chủ yếu mới rà soát và thống kê đối với khối công lập; tuy nhiên, nhu cầu giáo viên mầm non ngoài công lập hiện tại tương đối lớn.

Như vậy, với đối tượng này, các trường có được đào tạo không? Vì hiện nay tất cả sinh viên được hưởng ngân sách từ Nghị định 116 học xong về phục vụ trong ngành giáo dục, chủ yếu sẽ vào các trường thuộc hệ thống công lập phục vụ, khối ngoài công lập thì sao?”.

Doãn Nhàn