Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm thông tin, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã yêu cầu như trên tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 23/10, tại Hà Nội.
Cả nước có hơn 11 nghìn người hành nghề mại dâm
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý của 63 tỉnh, thành phố là hơn 11,2 nghìn người, trong đó tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng là hơn 3,6 nghìn người, Đông Bắc là 913 người, Bắc Trung bộ 887 người, Đông Nam Bộ là 3,2 nghìn người, Đồng bằng sông Cửu Long là trên 1,3 nghìn người, các khu vực khác là gần 1,2 nghìn người.
Toàn cảnh hội thảo (ảnh: Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm) |
Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là hoạt động khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình.
Hiện đang xuất hiện đối tượng và hình thức mại dâm mới như: Người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, gái gọi, du lịch tình dục, môi giới mại dâm thông qua mạng Internet, Facebook...
Tình trạng mại dâm sử dụng ma tuý có xu hướng gia tăng, đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó đối tượng không nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do chiếm đến 75,7%; doanh nghiệp là 20%, cán bộ, công nhân viên chức chiếm 3%; 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi; trên 40% chủ chứa là phụ nữ.
Tệ nạn mại dâm đã gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS do quan hệ tình dục không an toàn ngày càng gia tăng, chiếm 45,3%; tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 3,9% (tăng gần 2 lần so với 2012)...
Tệ nạn mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma tuý, sử dụng trái phép chất ma tuý, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương. Đồng thời, hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng.
Rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên toàn quốc là trên 161 nghìn cơ sở (tăng 88 nghìn cơ sở so với giai đoạn 2006-2010), số nhân viên nữ dưới 35 tuổi là 69 nghìn người (tăng 22 nghìn người); phát hiện trên 2,5 nghìn cơ sở và 6 nghièn nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm (tăng 327 cơ sở và trên 2,4 nghìn nữ nhân viên).
Để xóa bỏ tệ nạn mại dâm, trong 5 năm qua, các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành 178/CP thực hiện rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm nhằm chấn chỉnh quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép, hợp đồng lao động, tổ chức ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm đối với các cơ sở này.
Theo đó, Đội kiểm tra liên ngành 178/CP đã kiểm tra trên 122 nghìn lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ (giảm 60,5 nghìn lượt cơ sở so với giai đoạn 2006-2010); phát hiện trên 42 nghìn lượt cơ sở vi phạm; xử lý cảnh cáo 6,3 nghìn lượt cơ sở, phạt tiền hơn 28.,5 nghìn lượt cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 167 tỷ đồng; đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh 1,4 nghìn cơ sở và 5,8 nghìn cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Lực lượng công an đã truy quét, triệt phá gần 5,8 nghìn vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 23 nghìn người vi phạm, gồm 9,6 nghìn người bán dâm; 8,2 nghìn người mua dâm; 5,1 nghìn chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi (tăng 1,5 nghìn vụ với 5,8 nghìn người vi phạm so với giai đoạn 2006-2010).
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý: 3,9 nghìn vụ/4,5 nghìn bị can, liên quan đến mại dâm như tội “Chứa mại dâm” là 2,2 nghìn vụ/ 2,2 nghìn bị can; tội “Môi giới mại dâm” là 1,6 nghìn vụ/2,2 nghìn bị can; tội “Mua dâm người chưa thành niên” là 53 vụ/72 bị can. Trong đó, số vụ đã truy tố là 3,7 nghìn vụ/4,7 nghìn bị can; số vụ đã xét xử sơ thẩm là 3,6 nghìn vụ/4,8 nghìn bị can.
Toà án nhân dân cấp sơ thẩm đã thụ lý 3,8 nghìn vụ với 5 nghìn bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm (tăng 34 vụ, 325 bị cáo so với giai đoạn trước); đã xét xử 3,6 nghìn vụ với 4,6 nghìn bị cáo, đạt tỷ lệ 95,2% (vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra).
Trong đó, 2,6 nghìn bị cáo bị xét xử về tội “chứa mại dâm”, 1,9 nghìn bị cáo bị xét xử về tội “môi giới mại dâm” và 59 bị cáo bị xét xử về tội “mua dâm người chưa thành niên”.
Hỗ trợ giảm hại và tái hòa nhập cộng đồng
Bên cạnh công tác tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống, loại trừ, ngăn chặn tệ nạn mại dâm trong các cấp, các ngành và người dân, 5 năm qua, công tác hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng thông qua các mô hình tại cộng đồng cho người bán dâm đã có những bước tiến rõ rệt, đạt hiệu quả giúp cho người bán dâm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, giảm nguy cơ tái phạm.
Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình (năm 2011), hoạt động thí điểm mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội tại cộng đồng được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Đến nay, mô hình đã được thí điểm ở gần 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hoàn thành được chỉ tiêu đặt ra trong chương trình giúp chăm sóc sức khỏe, giảm tác hại từ hoạt động mại dâm, tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng xã hội.
Số liệu thống kê cho thấy, 356 nghìn lượt người bán dâm được hỗ trợ, trong đó 335 nghìn lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 4,6 nghìn lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 5,7 nghìn lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; 10,5 nghìn lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 7,6 tỷ đồng và có đến 5,5 nghìn đối tượng đã từng hoạt động mại dâm tham gia các CLB đồng đẳng, nhóm tự lực.
Để hỗ trợ cho các CLB đồng đẳng, nhóm tự lực, đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã được thành lập tại 38 tỉnh, thành phố, gồm trên 2,7 nghìn đội với hơn 18 nghìn tình nguyện viên đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn.
Tạo sự đồng bộ để loại bỏ mại dâm
Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, để công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị, các cơ quan chức năng liên ngành cần tăng cường sự phối hợp để tạo nên sự đồng bộ để loại bỏ mại dâm, đồng thời thống nhất trong triển khai các hoạt động, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, xem lại các văn bản hướng dẫn còn chưa phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng để người dân tự phòng ngừa, đặc biệt tuyên truyền các mô hình hữu ích để giảm hại do tệ nạn mại dâm gây ra.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền yêu cầu, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, do đó UBND các tỉnh, thành cần chỉ đạo rõ trách nhiệm của các phường trong công tác phòng, chống mại dâm.
Dự kiến, chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung: Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại cơ sở; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; Xây dựng, thử nghiệm, chuẩn hoá các dịch vụ hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trong phòng, chống mại dâm.
Chương trình sẽ xây dựng thử nghiệm 3 loại mô hình bao gồm: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại 10 Trung tâm công tác xã hội; Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm; Truy tố và xét xử tội phạm liên quan đến mại dâm; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm, Bộ LĐTBXH trao tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.