Các trường ở Quảng Ninh tranh thủ thời gian an toàn dạy học trực tiếp

09/11/2021 06:30
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp để hoàn thành kế hoạch dạy học.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, tính đến 12 giờ ngày 8/11, trên toàn tỉnh có 16 học sinh là F0, tăng 5 học sinh so với thời điểm 16 giờ ngày 7/11, trong đó thị xã Đông Triều có 11 học sinh; thành phố Uông Bí có 5 học sinh.

Qua rà soát, truy vết, toàn tỉnh có 807 trường hợp F1 là học sinh, giáo viên, trong đó, thành phố Uông Bí có 480 trường hợp (142 giáo viên; 338 học sinh).

Thị xã Đông Triều có 301 trường hợp (58 giáo viên; 243 học sinh); thị xã Quảng Yên có 20 trường hợp (8 giáo viên; 12 học sinh); thành phố Hạ Long có 4 trường hợp (2 giáo viên; 2 học sinh); thành phố Cẩm Phả có 1 trường hợp (học sinh); huyện Hải Hà có 1 học sinh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian an toàn để dạy học trực tiếp (Ảnh: CTV)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian an toàn để dạy học trực tiếp (Ảnh: CTV)

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tận dụng tối đa thời gian an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp nhằm hoàn thành kế hoạch dạy học với chất lượng tốt nhất.

Đối với cấp mầm non, cần thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 theo hướng đảm bảo mục tiêu, kết quả mong đợi.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà trong thời gian chưa đến trường để tránh dịch và khi đến trường trở lại.

Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với trẻ mầm non khi trẻ chưa đến trường để tránh dịch.

Đối với cấp tiểu học, sở yêu cầu các trường ưu tiên thời gian, nguồn lực để tăng thời lượng dạy và hoàn thành các môn Tiếng Việt, Toán (đối với lớp 1, lớp 2) và các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh (đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5).

Qua đó đảm bảo nội dung, tiến độ chương trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian an toàn để dạy học trực tiếp (Ảnh: CTV)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian an toàn để dạy học trực tiếp (Ảnh: CTV)

Đối với cấp trung học, cần triển khai đúng, đủ nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi các môn học theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học tại Công văn số 4040 ngày 16/9/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022 và các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục chưa tổ chức kiểm tra giữa kỳ, khẩn trương tổ chức kiểm tra giữa kỳ.

Giáo viên chuyển giao mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ học tập cho học sinh khi phải dừng đến trường để học trực tuyến ở nhà; hướng dẫn cho học sinh phương pháp, kỹ năng học trực tuyến theo đặc thù của bộ môn.

Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống tổ chức dạy học và triển khai các hoạt động giáo dục đảm bảo chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện tình hình dịch Covid-19.

Các cơ sở giáo dục phải cho học sinh nghỉ học ở trường để dạy học trực tuyến tiếp tục rà soát những học sinh còn thiếu phương tiện tối thiểu để học trực tuyến (mạng internet, Wifi, điện thoại thông minh, máy vi tính...) báo cáo về cơ quan quản lý trực tiếp.

Các cơ sở giáo dục xây dựng tổ tình nguyện để sẵn sàng giúp đỡ những học sinh còn gặp khó khăn trong học tập trực tuyến.

Đối với các trường đang tổ chức dạy học trực tiếp nhưng có học sinh tại địa bàn có cấp độ dịch đến mức phải nghỉ học ở trường, Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên có giải pháp cụ thể, phù hợp để truyền tải kịp thời nội dung tiết dạy trên lớp tới những học sinh nghỉ học nhằm không làm gián đoạn việc học tập của học sinh theo kế hoạch giáo dục của lớp, của trường.

Nhà trường phải có kế hoạch giáo dục để hỗ trợ, bù đắp những kiến thức theo mục tiêu bài dạy cho những học sinh này khi quay trở lại trường học trực tiếp.

Được biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại 2 địa phương là thị xã Đông Triều và thành phố Uông Bí đã cho trẻ mầm non nghỉ học; học sinh phổ thông, học viên, sinh viên chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

LÃ TIẾN