Tôi sinh ra trong một gia đình có ba mẹ làm công chức. Mẹ tôi là cán bộ ở cửa hàng ăn uống, rồi cửa hàng thực phẩm thuộc công ty thương nghiệp của huyện.
Nhờ gặp cô, tôi đã trở thành cô giáo như bây giờ (Ảnh Phan Tuyết) |
Thế nên, dù người dân lúc đó còn đói khổ, thiếu thốn trăm bề về cái ăn, cái mặc nhưng gia đình tôi luôn có cuộc sống đủ đầy và không bao giờ bị thiếu thốn cái gì.
Dù còn nhỏ nhưng tôi vẫn ý thức được quyền uy của một cô mậu dịch viên chứ nói gì đến một cán bộ của ngành thương nghiệp.
Bởi thế, nghề nghiệp của tôi sau này cũng được bố mẹ sắp xếp sẵn, đó là sẽ trở thành một kế toán thương nghiệp dù cho tôi học các môn tự nhiên chẳng có gì nổi trội.
Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ an bài như cái tương lai sáng lạn mà ba mẹ đã vạch sẵn cho tôi.
Ai ngờ, bao dự định của người lớn bỗng sụp đổ tan tành khi tôi vào học cấp 3 và gặp được cô- cô giáo Đỗ Minh Nguyệt, một cô giáo dạy Văn giỏi, tràn đầy nhiệt huyết.
Cô giáo Đỗ Minh Nguyệt của tôi (Ảnh Phan Tuyết) |
Cô cứ như một nghệ sĩ cháy hết mình trên bục giảng. Chúng tôi say sưa với từng bài cô dạy, trông ngóng, đợi chờ đến tiết học tiếp theo.
Những bài giảng không còn đóng khung trong sách giáo khoa như nhiều thầy cô giáo khác vẫn thường dạy. Những tác phẩm văn học trong nước, thế giới được cô dẫn chứng, giới thiệu cho chúng tôi vừa lạ lẫm, vừa vô cùng hấp dẫn.
Cô không chỉ dạy hay mà còn rất yêu thương học sinh. Cô lo cho chúng tôi từng li từng tí.
Ngày ấy làm gì có khái niệm về kĩ năng sống như bây giờ? Nhưng cô đã dạy và trang bị cho chúng tôi nhiều kĩ năng bổ ích.
Cô chỉ bày từng cái nhỏ nhất như con gái phải nói nhẹ, cười duyên, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, vào mâm ăn phải biết nhìn trước ngó sau kiểu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”…
Cô dạy chúng tôi cả cách chống rét mùa đông nhất là vào những ngày thời tiết xuống đột ngột dẫn đến tình trạng rét đậm rét hại (vì thời ấy trời rét nhưng quần áo cũng không đủ mặc ấm như bây giờ).
Cô thường xuyên bỏ thời gian để dạy phụ đạo cho chúng tôi và không thu một khoản tiền nào cả. Cô luôn bảo, trả công cô thì phải học cho giỏi và thi đậu đại học.
Yêu cô, yêu cả nghề giáo. Tôi khát khao đến cháy bỏng sẽ được trở thành cô giáo dạy Văn giỏi như cô, tôi cũng sẽ yêu thương, quan tâm học trò mình như thế.
Tôi đã cãi lời ba mẹ. Còn nhớ, mẹ đã nổi nóng khi nghe tôi chọn đi sư phạm:
“Lương ba cọc ba đồng, ăn còn chưa đủ nói gì nuôi con? Chỉ cho con đường sướng không muốn lại cứ đâm đầu vào bụi rậm, sau này khổ thì tự chịu đừng kêu ca gì”.
Thế là, tôi làm đơn thi vào khoa Văn Trường Đại học sư phạm Vinh, Nghệ An. Chẳng hiểu sao năm ấy trường chúng tôi thi vào lấy điểm cao bất thường nêu thiếu chút may mắn, tôi chẳng thể đạt được điều mình mong muốn.
Rồi dòng đời xô đẩy, tôi vào học kế toán như mong ước của ba mẹ lúc đầu. Ra trường đi làm có lương khá cao nhưng tôi vẫn yêu nghề giáo và chấp nhận bỏ làm xin đi dạy với đồng lương thấp hơn một nửa.
Tôi đã trở thành đồng nghiệp của cô. Vẫn noi gương cô hết lòng vì công việc, yêu thương và chăm sóc học sinh bằng khả năng có thể.
Dù nghề giáo bây giờ không còn đẹp như xưa khi không ít học sinh ngỗ ngược, ít nghe lời thầy cô hơn trước, khi một số phụ huynh thiếu đi lòng tôn trọng thầy cô, khi cuộc sống người thầy còn thiếu trước hụt sau mà áp lực công việc lại luôn đè nặng.
Dù thế, tôi vẫn luôn yêu nghề, vẫn hết lòng vì học sinh đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo trong cuộc sống.
Tôi vẫn luôn nói với mọi người nếu cho chọn lại tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo.
Đã không ít lần tôi thầm cảm ơn cô vì nếu không gặp cô tôi đã không trở thành cô giáo và sẽ khó có được sự nhiệt huyết yêu nghề đến như vậy.