Cấm tài xế sử dụng điện thoại khi lái xe: Làm nghiêm để đảm bảo ATGT

03/08/2024 06:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Người dân nhận định, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định cấm việc sử dụng điện thoại khi lái xe là thiết thực.

Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).

Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ có 9 Chương, 89 Điều quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại Điều 9 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, tại Khoản 6, Điều 9 quy định cấm: "Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ".

Cùng với đó, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe, đang được Bộ Công an lấy ý kiến.

Hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt.

gdvn_tai-xe-su-dung-dien-thoai-khi-di-duong (5).JPG
Một tài xế điều khiển xe bằng một tay, tay kia sử dụng điện thoại di động. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Liên quan đến các nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Đỉnh - giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, trên thế giới, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra việc sử dụng trang thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại khi lái xe sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

"Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định rõ cấm hành vi này này sẽ tác động đến ý thức của người dân khi tham gia giao thông", Phó Giáo sư Đỉnh nhận định.

Tuy nhiên, cá nhân ông cũng băn khoăn trong việc xử lý đối với người vi phạm là phải có minh chứng.

Theo đó, đối với người lái xe máy, việc ghi hình hình ảnh vi phạm sẽ dễ hơn là so với người lái ô tô.

"Việc xử phạt trong đảm bảo an toàn giao thông là cần thiết, nhưng quan trọng hơn vẫn là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Để làm được điều này, cần tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông", thầy Đỉnh nói.

Theo Phó giáo sư Đỉnh, ông từng gặp nhiều trường hợp vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động. Thậm chí, vừa lái xe máy vừa gọi điện hoặc tài xế ô tô sử dụng điện thoại khi lái xe.

Từng có quá trình làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, Phó giáo sư Đỉnh nhận thấy, người dân Nhật Bản rất chấp hành giao thông, việc xử phạt với hành vi vi phạm là rất ít. Có những trường hợp vô ý vi phạm, họ được lực lượng chức năng nhắc nhở.

"Tôi vẫn nhớ trường hợp một người lái xe đạp đi dưới trời mưa to và đến ngã tư vắng vẻ, họ vẫn dừng đợi hết thời gian đèn đỏ mới đi", thầy Đỉnh nói.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng - giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay, ông hoàn toàn đồng tình với việc cấm và dự thảo quy định xử phạt người dùng điện thoại khi lái xe.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ hành vi để xử lý. Bên cạnh đó, việc chứng minh hành vi vi phạm giao thông của tài xế cũng cần phải có công cụ ghi hình.

"Tôi tham gia giao thông trên đường đã chứng kiến thường xuyên hành vi vừa lái xe vừa dùng điện thoại của nhiều người. Có những người đã giật mình, đổ xe khi phương tiện phía trước phanh đột ngột, hoặc va chạm với xe khác...", Phó giáo sư Tùng chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Văn Hướng (tài xế xe ôm công nghệ), để thuận lợi cho việc sử dụng điện thoại theo dõi cuốc xe hoặc hành trình, anh cũng giống như nhiều khác là dùng chiếc kẹp gắn bằng keo 3M vào mặt trước của xe hoặc gắn vào gương xe.

Trên đường đi, điện thoại hiển thị cuốc xe do app chuyển đến, nếu tài xế không nhận cuốc xe sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ chấp nhận chuyến hoặc cuốc xe sẽ chuyển cho người khác.

Điều này cũng đồng nghĩa, tỷ lệ chấp nhận chuyến ít, tài xế sẽ nhận được ít cuốc xe, thậm chí nguy cơ cao là khóa tài khoản. Vì vậy, trên quãng đường di chuyển, tài xế thường sẽ chú ý đến điện thoại.

"Có những lúc tôi mải nhìn vào điện thoại và thao tác vuốt để chấp nhận cuốc xe, nên suýt va chạm vào phương tiện khác", anh Hướng nói.

Trong quá trình đi đường, anh Hướng cũng nhìn thấy rất nhiều người vừa một tay lái xe, một tay nghe hoặc sử dụng điện thoại. Hành vi này còn nguy hiểm hơn việc tài xế gắn điện thoại vào kẹp.

Trước câu hỏi về quy định cấm sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khi lái xe, anh Hướng hoàn toàn đồng ý với nội dung này. Bởi lẽ, nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra do vừa lái xe vừa dùng điện thoại.

"Tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh việc đã lái xe không sử dụng điện thoại, đó không chỉ là đảm bảo an toàn cho bản thân tôi và còn là cả những người tham giao thông. Nếu có cuốc xe bắn vào app điện thoại, tôi sẽ xi nhan xe vào lề đường để thao tác nhận cuốc hoặc nếu có khách hàng gọi, tôi cũng sẽ làm như vậy", anh Hướng nói.

Mạnh Đoàn