Cán bộ không còn uy tín với Đảng, với nhân dân thì nên từ chức cho dân được nhờ

12/05/2018 08:31
QUỐC TOẢN (GHI)
(GDVN) - Nếu cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ do Đảng cử, dân bầu không làm tròn trách nhiệm, hoặc có dư luận không tốt, thì cán bộ đó nên xem xét lại bản thân.

Trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn Nghị định về vấn đề từ chức làm cơ sở để các lãnh đạo từ chức khi cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, những cán bộ vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ uy tín thì nên tự nguyện từ chức hoặc nếu không tự nguyện thì buộc phải từ chức.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Nếu cán bộ vi phạm không tự nguyện từ chức thì bắt buộc phải từ chức

Việt Nam từ trước đến nay không phải là không có cán bộ từ chức, nhưng con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là vấn đề mới trong công tác cán bộ nhưng rất cần thiết phải có quy định cụ thể.

Nếu cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ do Đảng cử, dân bầu không làm tròn trách nhiệm, hoặc có dư luận không tốt, thì cán bộ đó nên xem xét lại mình.

Hay nói cách khác, nếu cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm, không còn uy tín thì nên báo cáo với Đảng, với nhân dân để xin từ chức.

Trong trường hợp cán bộ có vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, nếu không từ chức thì phải buộc người đó từ chức.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, công tác cán bộ của chúng ta còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Tại một số Bộ, ngành, địa phương còn tình trạng nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ trong tuyển dụng, bổ nhiệm...  

Do đó, chúng ta cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề bãi nhiệm, từ chức, miễn nhiệm, xin thôi làm nhiệm vụ.

Xin hỏi, nay còn đồng chí nào chưa bị lộ?

Cán bộ là cái gốc của công việc. Cán bộ tốt thì công việc mới tốt, cán bộ xấu thì công việc xấu. Cho nên muốn công tác cán bộ thực sự lành mạnh phải chọn được cán bộ đúng, trúng, có phẩm chất, có đạo đức, năng lực, bố trí vào vị trí công việc phù hợp.

Do đó, tôi đồng tình với quan điểm cần xây dựng nghị định về vấn đề từ chức của cán bộ.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ: Nên coi từ chức là vấn đề nhẹ nhàng

Cần đưa nội dung từ chức trong công tác cán bộ thành vấn đề có tính pháp lý.

Thực ra, trước đây ở nước ta cũng có người từ chức vì có vi phạm, nhưng việc này chưa trở thành thứ văn hóa có tính phổ biến như nhiều nước trên thế giới.

Từ chức hay không phụ thuộc vào quan điểm mỗi người. Một số người cho rằng, việc từ chức là vấn đề rất nặng nề, ảnh hưởng tới uy tín, quyền lợi của họ.

Tôi cho rằng, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ này và nên coi vấn đề từ chức nhẹ nhàng hơn.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: VOV.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: VOV.

Nếu vì lý do nào đó, cán bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao thì nên từ chức để tạo cơ hội cho người khác.

Nhưng cái chính là phải có khuôn khổ pháp lý để cán bộ có "cơ hội" từ chức.

Trường hợp cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ thì nên tự nguyện xin từ chức, hoặc nếu không từ chức thì phải bãi nhiệm.

Ví dụ về trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai), sau khi Ban Bí thư đưa ra hình thức kỷ luật cán bộ này, thì bà Thanh mới xin thôi Đại biểu Quốc hội.

Tôi cho rằng, trong trường hợp này, căn cứ vào kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và mức kỷ luật do Ban Bí thư đưa ra, cơ quan có thẩm quyền cần làm thủ tục bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Thanh chứ không nên đồng ý cho thôi Đại biểu Quốc hội.

Cho thôi và bãi nhiệm là hai vấn đề khác nhau.

Do vậy, để tạo nền tảng cho văn hóa từ chức, cần xây dựng những tiêu chí cụ thể (cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút, sức khỏe có vấn đề...) để tạo điều kiện cho cán bộ từ chức. Khi có quy định về từ chức thì người ta sẽ soi chiếu bản thân mình vào các quy định đó để từ chức.

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Sắp bị bãi nhiệm rồi thì mới xin thôi làm nhiệm vụ là chuyện khó chấp nhận được

Đối với những cán bộ chân chính, vì nước vì dân, thì từ chức là chuyện hết sức bình thường.

Cần biểu dương những cán bộ xin từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc bản thân nhận cán bộ đó thức được vấn đề vi phạm, hoặc uy tín giảm sút...

Phải coi việc “lên- xuống” trong công tác cán bộ là chuyện bình thường nếu anh xác định anh làm công việc đó vì dân vì nước.

Nhưng có lẽ ở nước ta chức tước đó gắn với nhiều quyền lợi đi kèm nên họ khó lòng từ chức ngay cả khi có vi phạm. Có người cảm thấy nuối tiếc nên không nỡ từ chức.

Người ta chỉ xin thôi chức khi sắp bị kỷ luật. Đây là chuyện vô lý. 

Phó Giáo sư Bùi Thị An. Ảnh: Trinh Phúc.
Phó Giáo sư Bùi Thị An. Ảnh: Trinh Phúc.

Do đó, trường hợp cán bộ không đủ năng lực làm việc, vi phạm kỷ luật thì nên tự nguyện từ chức hoặc buộc họ phải từ chức. 

Tôi cho rằng, những người có phẩm cách kém, yếu về năng lực thì nên từ chức cho dân được nhờ, chứ dân không muốn nghe câu "bổ nhiệm đúng quy trình" mỗi khi phát hiện cán bộ có vi phạm nữa đâu.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ cần thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ một cách công khai, minh bạch, đồng thời để tạo điều kiện cho những người có năng lực có cơ hội nỗ lực, phấn đấu.

QUỐC TOẢN (GHI)