Kỷ luật nghiêm minh là một trong những việc quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh trong những năm vừa qua.
Đặc biệt là năm 2018, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đánh giá, là năm có nhiều dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng.
Trước đó tại hội nghị Trung ương 6 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết về xếp sắp lại bộ máy trong Đảng và cả hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế. Năm 2018 đã có những triển khai rất cụ thể.
Hiện nay các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cũng đang tiến hành việc sắp xếp lại bộ máy một cách tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thơm |
“Theo tôi đó là một bước tiến trong công tác xây dựng Đảng nói chung và tổ chức nói riêng.
Xét đến cùng, tổ chức như thế nào sẽ thể hiện được sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý của cả tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Đó là một thành công”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Thành công thứ hai trong công tác xây dựng Đảng là tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đã có Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Công tác cán bộ đã được bàn đến toàn diện, trong đó nhấn mạnh đến xây dựng đội ngũ cấp chiến lược. Đề ra những vấn đề lớn như vai trò của cán bộ cấp chiến lược như thế nào, quy hoạch, xây dựng đội ngũ này ra sao.
Hội nghị Trung ương 7 và trước đó đã ban hành nhiều văn bản về tiêu chí, tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Đó là bước tiến quan trọng về công tác cán bộ cấp chiến lược.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, một điểm nhấn về công tác xây dựng Đảng trong năm 2018 nhận được sự đồng tình trong Đảng, nhân dân, dư luận quan tâm.
Đó là Hội nghị Trung 8 khóa 12 đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên. Nhất là cán bộ chủ chốt ở Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư.
“Ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương cũng là văn bản cần thiết, là chuyển động tích cực trong công tác cán bộ, xúc tiến chuẩn bị cho tổng kết nhiệm kỳ này và Đại hội 13 sắp tới”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nói.
Đặc biệt, trong năm 2018, việc quy hoạch cán bộ chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới, ở cấp địa phương, Trung ương đã được tiến hành.
Các ngành, địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ giới thiệu nhân sự vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng đối với ông Tất Thành Cang |
“Việc giới thiệu quy hoạch đã làm theo đúng hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trình tự giới thiệu nhân sự đưa vào quy hoạch.
Những tiêu chuẩn đặt ra để đưa vào quy hoạch Trung ương khóa 13 với cách thức bỏ phiếu kín từ các ngành, địa phương, Trung ương.
Tôi đặc biệt chú ý đến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng, dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lệch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực.
Những người có dấu hiệu như thế dứt khoát không được đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch này cũng phải chống biểu hiện “chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy phiếu. Các yếu tố này cũng được chỉ ra rất cụ thể”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc phân tích.
Theo ông, tất cả biểu hiện tiêu cực đó đã được chỉ ra để ngăn chặn. Làm sao việc quy hoạch đạt được yêu cầu tốt nhất, đưa vào quy hoạch các đồng chí hoàn toàn xứng đáng, đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín…
“Có một điều tôi khá ấn tượng nữa về công tác xây dựng Đảng năm 2018 là ghi nhận sự chuyển động dưới các địa phương trong công tác này.
Thực tế, chúng ta vẫn lo ngại “trên nóng dưới lạnh” nhưng theo dõi năm 2018, ở nhiều địa phương lãnh đạo đã chuyển biến mạnh mẽ tích cực.
Họ đã xử lý các vấn đề nổi cộm ở địa phương như tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là kết quả của công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là vị trí người đứng đầu ở các nơi này", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc đánh giá.
Nhìn rộng hơn ra, từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có.
Trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương.
Những con số kỷ lục trên tiếp tục cho thấy tinh thần xử lý kỷ luật không có "vùng cấm", không có ngoại lệ.
Năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự. Nó cho thấy kỷ luật Đảng được làm mạnh mẽ ra sao.
“Tất nhiên, không ai vui mừng vì nhiều cán bộ bị xử lý cả. Nhưng nó thể hiện tính nghiêm túc kỷ luật trong Đảng. Pháp luật nghiêm hơn trước.
Trong xây dựng Đảng đã tập trung vào chống những vụ tham nhũng lớn. Các vụ án đều được đưa ra xét xử công khai, có tác động rất lớn trong Đảng, xã hội. Bản thân những người vi phạm người ta cũng thấy vấn đề, thấy được sai phạm của họ.
Tôi ví dụ như vụ ông Đinh La Thăng. Khi nói lời sau cùng trước tòa, ông Thăng cũng đã thừa nhận cái sai của mình và xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân”, Phó Giáo sư Phúc nhận định.
Gần đây, những Ủy viên Trung ương nào đã bị kỷ luật, cách chức? |
Theo vị nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, quan trọng không phải xử lý nhiều hay ít, nặng hay không nặng, quan trọng là làm cho người ta nhận thức được sai lầm của họ. Họ nhận thức được thì cũng có tác động đến những người xung quanh.
“Theo dõi xử lý tất cả các vụ án tham nhũng lớn vừa qua, có thể có những phản ứng khác nhau nhưng tôi thấy chúng ta xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Qua một loạt các sự kiện trên cho thấy, năm 2018 có một bước tiến rõ hơn trong xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12. Nó củng cố thêm niềm tin trong Đảng trong nhân dân.
Chúng ta đừng sợ xử lý cán bộ nhiều lấy đâu người làm việc hay làm ảnh hưởng đến tâm tư làm việc của cán bộ khác. Vì xử nghiêm xử đúng tội sẽ cổ vũ cho những người làm đúng, làm tốt”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm.