Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Đảng là chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 13, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chống chạy chức, chạy quyền… góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước phát triển vững mạnh.
Nội dung quan trọng này đã được đặt ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 9 diễn ra vào cuối tháng 12/2018: Trung ương cho ý kiến về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026; lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018.
Một trong những điểm mới của quy trình lần này so với trước đây là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.
Việc quy hoạch đã được tiến hành trước đó với bốn bước từ cơ sở theo kế hoạch của Bộ Chính trị. Ba độ tuổi được quy hoạch là dưới 55, dưới 50 và dưới 45. Trong đó, nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành và được xem là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương.
Tại buổi làm việc trước đó vào ngày 4/11 của Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Nếu phát hiện cán bộ quy hoạch nào có vấn đề sẽ đưa ra khỏi quy hoạch ngay, hoặc cũng có thể bổ sung vào quy hoạch.
Lần này, điểm khác trước là không quy hoạch cho nhiều khóa, mà chỉ tập trung cho khóa tới 2021-2026”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cơ quan, tổ chức phải thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, giữ gìn kỷ luật thông tin, bước đi phải chặt chẽ, bởi đây là việc phức tạp, hệ trọng.
Về trình độ, hiểu biết, phải tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trình độ lý luận cơ bản, bởi đây là những người sẽ hoạch định đường lối chủ trương, lộ trình bước đi sắp tới của đất nước ta, nên phải nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế.
Tổng Bí thư yêu cầu: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như 'con lươn, con chạch' là sau này rất khó”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: "Lãnh đạo là phải xác định hy sinh, cống hiến vì dân vì nước, chứ không phải ngồi vào cái ghế nào đó để hưởng lợi”. |
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) nhận định: “Để chọn được những cán bộ có đủ phẩm chất năng lực quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo là việc vô cùng khó. Rất nhiều yêu cầu về phẩm chất năng lực đã được Đảng ta đặt ra, đó là những tiêu chuẩn bắt buộc.
Tôi chỉ xin nêu thêm một ý nữa đó là phải quan tâm tới năng lực, kỹ năng lãnh đạo. Có nghĩa là trong thời đại hiện nay tư duy của người làm lãnh đạo cũng phải hoàn toàn thay đổi để không bị tụt hậu, phải có được tư duy, kỹ năng tốt, bởi vì có những việc ngày hôm nay tưởng như là đúng nhưng vài ngày nữa thì không còn đúng nữa.
Tôi cho rằng làm lãnh đạo là phải xác định hy sinh, cống hiến vì dân vì nước, chứ không phải ngồi vào cái ghế nào đó để hưởng lợi”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Kiên quyết loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng" |
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, Hội nghị Trung ương 9 vừa qua đã tiến hành hết sức chủ động, đặt ra những vấn đề quan trọng về lựa chọn nhân sự chiến lược, lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư…
“Tôi thấy có một điểm rất khác biệt là Trung ương Đảng đã đổi mới hết sức chủ động, vì trước kia việc giới thiệu nhân sự làm khá sát, thậm chí là chưa tới 1 năm trước khi diễn ra Đại hội Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay Đảng ta làm sớm ngay từ nửa nhiệm kỳ, như vậy sẽ có nhiều thời gian để lựa chọn, sàng lọc cán bộ kỹ hơn, chặt chẽ hơn.
Tôi rất đồng tình với đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đó là cán bộ nào có vấn đề, có vi phạm là phải dừng và loại ra khỏi danh sách, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng làm trong sạch bộ máy để không còn ‘con lươn, con chạch’ trong bộ máy, ngăn chặn triệt để những vấn đề phát sinh trong bộ máy gây ảnh hưởng tới uy tín của Đảng.
Đánh giá tín nhiệm rất quan trọng để xác định năng lực cán bộ
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo lựa chọn được cán bộ đủ năng lực phẩm chất, kỹ năng lãnh đạo là bước đầu, nhưng trong quá trình sử dụng cán bộ phải có giám sát chặt chẽ và đánh giá khách quan để tránh xảy ra việc đã đặt vào vị trí này, vị trí khác thì cứ ngồi mãi ở đó, như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho bộ máy.
“Từ sau kỳ họp 6 Quốc hội khóa 14 thì khi tiếp xúc cử tri, đồng chí Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tới vấn đề này.
Theo tôi thì đây là việc làm thể hiện tính dân chủ trong Đảng, hơn nữa đó cũng là động thái để các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị nhìn vào đó để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Cách nào ngăn chạy phiếu, chặn “con lươn, con chạch" lọt vào Trung ương? |
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị cũng là Đại biểu Quốc hội, và như thế là ở một góc độ nào đó khi được bầu làm Đại biểu Quốc hội thì các đồng chí đã được đánh giá tín nhiệm rồi.
Lần này tại Trung ương chính thức lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá công tâm quá trình công tác của các đồng chí, những gì tốt và chưa tốt để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn.
Đây giống như là một điểm dừng chân đánh giá lại quá trình đã đi và xem xét là chúng ta còn thiếu, còn yếu những điểm nào.
Rõ ràng tổ chức muốn vững mạnh thì những người đứng đầu phải làm gương, tôi rất đồng tình với ý kiến của đồng chí Tổng Bí Thư Chủ tịch nước, đó là: Việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp các đồng chí được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ông Bảo nhận định.
Theo ông Bảo, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hết sức quan trọng, bởi vì ở cấp quản lý cao nhất của đất nước đã làm được việc này thì ở các cấp dưới cũng phải nghiêm túc thực hiện.
"Trong thời gian qua, Đảng ta đã thực hiện rất mạnh việc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ có vi phạm, những việc đó được nhân dân đồng tình đánh giá cao. Và, tôi mong rằng tới đây tiếp tục siết chặt kỷ luật cán bộ, để những ai có khuyết điểm thì phải chịu trách nhiệm, không thể để lọt những cán bộ kém năng lực phẩm chất mà lại vẫn lọt vào quy hoạch.
Đồng thời, tôi cũng mong rằng sẽ có cơ chế, biện pháp để các đồng chí mà năng lực không phù hợp với vị trí, hoặc không đủ tầm lãnh đạo có thể chủ động xin rút khỏi vị trí lãnh đạo ấy để tạo điều kiện cho những đồng chí có năng lực tốt, như vậy cũng để tránh cho bộ máy có những vị trí yếu kém làm ảnh hưởng tới kết quả chung.
Tôi cũng xin nhấn mạnh lại một lần nữa là khi làm lãnh đạo thì các đồng chí phải xác định hy sinh, vì dân vì nước, còn nếu nghĩ rằng ngồi vào cái ghế nào đó để hưởng lợi thì đó sẽ là tai họa cho đất nước", ông Bảo nói.