Biển Đông luôn là vấn đề nóng bỏng trong các cuộc họp của ASEAN. Hình minh họa. |
Hôm nay 18/3 các quan chức ngoại giao ASEAN và Trung Quốc nhóm họp tại Singapore để tiến hành tham vấn xung quanh bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tránh leo thang căng thẳng trong khu vực.
Prashanth Parameswaran, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Luật và ngoại giao Fletcher đại học Tufts và thành viên không thường trực tổ chức nghiên cứu CSIS nhận xét, với những gì đã từng diễn ra Trung Quốc sẽ có ít tiến bộ đáng kể trong vấn đề COC trong khi họ tiếp tục các biện pháp cưỡng chế nhằm thay đổi thực trạng Biển Đông có lợi cho mình.
Do đó hy vọng Trung Quốc sẽ đổi ý tham gia đàm phán, ký kết COC không phải là một chiến lược. Các quan chức Đông Nam Á và các đối tác như Mỹ, Nhật Bản cần phải sử dụng đầy đủ các công cụ của mình để thuyết phục Bắc Kinh về nhu cầu cấp thiết cho 1 giải pháp ngoại giao ở Biển Đông, ngăn cản Trung Quốc lấn xa hơn gây mất ổn định, đồng thời chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng trong trường hợp Trung Quốc bất hợp tác.
Từ năm 2009 Trung Quốc đã thể hiện sự cứng rắn ngày càng tăng đối với các nước ASEAN ở Biển Đông bằng cách sử dụng kết hợp các công cụ ngoại giao - hành chính - quân sự để đơn phương áp đặt cái gọi là lệnh cấm đánh cá, quấy rối tàu các nước, tuần tra (bất hợp pháp) trên các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp.
Tàu chiến Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên các vùng biển nước này nhảy vào tranh chấp ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng. |
Mặc dù Bắc Kinh đẩy mạnh cái gọi là tấn công quyến rũ của lãnh đạo mới ở Trung Quốc đối với khu vực năm 2013, nhưng thực tế hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông vẫn không thay đổi, tiếp tục cố tình trì hoãn COC, ban hành lệnh cấm đánh cá trái phép, xâm phạm các vùng biển của các bên trong khi bóng ma của một khu nhận diện phòng không vẫn lơ mửng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA, Chris Johnson phát biểu tại một hội thảo của CSIS, giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục thấy sự mâu thuẫn giữa việc vừa muốn xây dựng quan hệ tốt hơn với Đông Nam Á với tiếp tục cứng rắn hơn trong việc đòi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Vì điều này, bây giờ các nước ASEAN và đối tác của họ cần xây dựng một chiến lược tích hợp ngoại giao, pháp lý và an ninh để giảm bớt sự cứng rắn của Trung Quốc.
Về ngoại giao, ASEAN và các bên nên tiếp tục luôn luôn nhấn mạnh nguyên tắc cần phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, mà muốn đạt được mục tiêu này cần có COC để ràng buộc các hành vi.
Mặc dù Trung Quốc tiếp tục trì hoãn, các nước ASEAN cần duy trì đoàn kết cùng nhấn mạnh kết thúc COC, thiết lập cơ chế đường dây nóng để quản lý khủng hoảng.
Đồng thời 4 nước ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei cũng nên thực hiện các bước bổ sung để củng cố sự đoàn kết trong vấn đề này, mục tiêu chính là ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc chia rẽ ASEAN, biểu hiện rõ ràng nhất hiện nay là Bắc Kinh đang cô lập, cách ly Philippines.
Điều phối tốt hơn các vấn đề liên quan đến Biển Đông thời điểm hiện nay hoàn toàn có khả năng thực hiện được với lập trường cứng rắn hơn trong thời gian gần đây của Malaysia cũng như sự ra đời của hội nghị nhóm công tác ASEAN được tổ chức tại Philippines tháng trước.
Các bên liên quan và ASEAN, cộng đồng quốc tế cùng lên án đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Ngoài ra các bên thứ ba như Mỹ, Nhật Bản, EU, Úc cần lên tiếng chống lại sự vi phạm của Trung Quốc, nhấn mạnh cách tiếp cận dựa trên luật lệ để giải quyết tranh chấp nên là một sự quan tâm toàn cầu. Một liên minh lớn hơn sẽ giúp tăng áp lực lên Bắc Kinh mà không phải chỉ đống khung trong phạm vi vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngay cả khi COC không ký được, tốt nhất vẫn phải có một công cụ ngoại giao để quản lý khủng hoảng ở Biển Đông. Con đường bền vững thực sự để giải quyết chúng là luật pháp, với việc hệ thống hóa các yêu sách của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bất lợi ở đây phần lớn là thuộc về Trung Quốc bởi họ cố ý đưa ra một yêu sách mơ hồ khi trình đường 9 đoạn lên Liên Hợp Quốc vào năm 2009.
Các nước ASEAN cần tiếp tục thách thức tuyên bố đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông về mặt pháp lý của nó, giống như việc Philippines đang khởi kiện.
Để thêm trọng lượng cho các sáng kiến như vậy, các thành viên ASEAN khác và đối tác nên hỗ trợ họ thông qua việc trực tiếp tham gia hoặc tuyên bố công khai phản đối đường lưỡi bò mạnh mẽ, điều này có thể thực hiện một cách cẩn thận mà không cần nêu rõ ràng các vấn đề chủ quyền.
4 quốc gia ASEAN yêu sách ở Biển Đông cần tiếp tục hệ thống hóa các chi tiết về tuyên bố của mình trong các diễn đàn đa phương cũng như luật pháp quốc gia. Sự rõ ràng hơn giữa các nước ASEAN sẽ tạo được đồng thuận, dễ đối phó hơn với sự mơ hồ cố ý của Bắc Kinh.
ASEAN cần phải nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy điều phối tốt hơn nữa giữa các cơ quan chính phủ, quân sự cũng như dân sự liên quan trên Biển Đông để cạnh tranh với chiến lược tinh vi của Trung Quốc sử dụng một loạt công cụ phi quân sự để thực thi tuyên bố chủ quyền (bất hợp pháp) của họ, bao gồm Cảnh sát biển.