Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức vào ngày 12/5, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính đã chia sẻ về vấn đề: Đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam theo tinh thần xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu: thực trạng và giải pháp.
Đầu tư tài chính cho giáo dục đại học không dàn trải
Theo Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, đầu tư tài chính cho giáo dục đại học thể hiện trách nhiệm của Nhà nước thông qua ngân sách nhà nước. Vì vậy ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học không cắt giảm trong kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Khi nền kinh tế phát triển, dân trí nâng cao thì ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học được tăng thêm tương ứng.
Giáo sư Võ Tòng Xuân (bên phải) và Giáo sư Trần Diệp Tuấn chủ trì phiên thảo luận thứ 2 của Hội thảo khoa học. |
Đầu tư tài chính cho giáo dục đại học không dàn trải, và cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế.
Về giao quyền tự chủ tài chính, Tiến sĩ Hà cho biết, cơ sở giáo dục đại học xây dựng phương án tự chủ tài chính, phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, lập dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
Cơ quan quản lý cấp trên thẩm định phương án tự chủ tài chính của đơn vị và gửi ý kiến sang cơ quan tài chính đồng cấp.
Căn cứ vào ý kiến thống nhất với cơ quan tài chính đồng cấp, cơ quan quản lý cấp trên ban hành quyết định giao quyền tự chủ cho đơn vị.
Đối với đại học vùng: Các trường đại học thành viên lập phương án tự chủ tài chính gửi lên đại học vùng để tổng hợp chung. Đại học vùng tổng hợp và xây dựng phương án tự chủ cho đại học vùng, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp chung toàn bộ thu, chi của tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ và gửi Bộ tài chính. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định giao phương án tự chủ tài chính cho đại học vùng và đại học vùng ban hành quyết định giao phương án tự chủ tài chính cho các trường đại học thành viên.
Thời gian giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học được ổn định trong 5 năm. Thời kỳ ổn định tự chủ tài chính lần đầu được áp dụng đến năm 2025.
Năm cuối cùng thời kỳ ổn định, các đơn vị báo cáo tổng kết đánh giá kết quả hoạt động tài chính và lập phương án cho thời kỳ ổn định 5 năm tiếp theo.
Trong thời kỳ ổn định nếu có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc biến động lớn về kinh tế, xã hội, chính sách chế độ, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn thu và nhiệm vụ chi thì đơn vị báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để làm việc với cơ quan tài chính đồng cấp điều chỉnh phương án tự chủ tài chính cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà chia sẻ tại Hội thảo. |
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà kiến nghị, cần cấp lại cho các cơ sở giáo dục đại học toàn bộ số thuế các cơ sở này đã nộp vào ngân sách nhà nước. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học, vừa thúc đẩy các cơ sở mở rộng hoạt động, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và cho chính đơn vị mình.
Thứ hai, về tổng hợp tất cả các nguồn tài chính đầu tư cho hệ thống giáo dục đại học và đóng góp của hệ thống giáo dục đại học vào GDP hàng năm. Hiện nay chưa có 1 cơ quan, đơn vị nào thống kê 2 yếu tố nêu trên. Đề nghị Chính phủ giao việc này cho 1 cơ quan, đơn vị thực hiện để khi đánh giá hoạt động giáo dục đại học được toàn diện và khách quan hơn.
Thứ ba là sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đây vừa là nhu cầu cấp bách để nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện hợp tác quốc tế vừa nhằm đóng góp tăng hiệu quả đầu tư cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà.
Thứ tư, cơ sở giáo dục đại học xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động tài chính. Sau nhiều năm hoạt động, quyền tự chủ về tài chính của các đơn vị được mở rộng, phạm vi quản lý tài chính toàn diện hơn, không chỉ quản lý chi mà còn phải quản lý các nguồn thu, mức thu, đối tượng thu, thời gian thu… Vì vậy các đơn vị sự nghiệp cần xây dựng “quy chế tổ chức và hoạt động tài chính nội bộ” thay cho “Quy chế chi tiêu nội bộ”.
Phát triển các trường đại học công lập, tư thục, không vì lợi nhuận và quốc tế
Chia sẻ tại Hội thảo, chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Trần Đức Cảnh nêu đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội.
Dự báo số trường đại học trong các giai đoạn trong thời gian tới. Nguồn: Tiến sĩ Trần Đức Cảnh |
Theo thầy Cảnh, ước tính dân số Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 110.000.000 người vào năm 2050, tăng 13% so với năm 2020, tăng trung bình 43%/năm. Do mức độ dân số tăng thấp, nên dân số sẽ già nhanh, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động của toàn nền kinh tế, cấu trúc sinh hoạt xã hội cũng như đời sống cá nhân.
Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 30 năm tới cần gắn liền với nhu cầu thị trường, phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, các kết quả phân tích để lý giải sự cần thiết xây dựng mô hình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2050 như sau:
Số lao động phổ thông không qua đào tạo năm 2020 rất cao, chiếm khoảng 47%, phần lớn ở vùng núi và nông thôn, kế hoạch sẽ giảm xuống còn 20% vào năm 2050.
Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong các giai đoạn tới. Nguồn: Tiến sĩ Trần Đức Cảnh |
Nhiều thập niên qua, các công ty đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Do yêu cầu công việc mỗi ngày phức tạp cùng với việc tiếp cận các chương trình đào tạo dễ dàng hơn, số lớn lao động sẽ được đào tạo từ bên ngoài trước khi bắt đầu công việc, nhu cầu lao động đào tạo tại chỗ giảm từ 27% xuống 19%.
Đa dạng hệ đào tạo nghề từ 3 tháng đến 2 năm, sơ cấp và trung cấp vẫn ở mức 10% trong 30 thập niên tới, số lớn lực lượng này chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phân luồng sau trung học cơ sở, kế hoạch 30% học sinh theo học hệ trung học kỹ thuật/nghề trong 30 năm tới, tăng từ 0,2% lên 2,5%. Học sinh tốt nghiệp trung học nghề/ kỹ thuật có thể đi làm ngay, hoặc học tiếp lên cao đẳng hay đại học nếu chọn.
Nhu cầu rất lớn cho bậc chuyên môn, kỹ thuật viên hay cấp quản đốc, tỷ lệ dân số có trình độ cao đẳng tăng từ 3,5% lên 9%.
Dân số có bằng đại học 4 năm tăng từ 11,5% đến 26,1%, đáp ứng nhu cầu chuyên môn, kỹ thuật và quản lý.
Số lượng thạc sĩ tăng đáng kể, từ 0,6% lên 6%, đáp ứng nhu cầu quản lý và chuyên môn cao.
Số người được đào tạo chuyên môn cao (Bác sĩ, Luật sư, Nha sĩ, Dược sĩ ...) tăng từ 0,4% lên 1,10% số nhân lực, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Số có bằng tiến sĩ tăng từ 0,05% lên 0,3%, ước tính 80% sẽ tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các đại học, viện hay các bộ phận nghiên cứu các tổ chức, công ty.
Quy mô sinh viên đại học và sau đại học năm 2020, ước tính 1.700.000, kế hoạch năm 2050 là 3.400.000, tăng trung bình 3,33% năm, đạt tỷ lệ 302 sinh viên đại học/vạn dân vào năm 2050.
Song song với việc đề xuất tăng số lượng sinh viên đại học và sau đại học, loại hình trường ngoài công lập, trường tư, trường tư không vì lợi nhuận và quốc tế đều phải tăng, đa dạng và cạnh tranh. Mục tiêu là phát huy hệ thống giáo dục đại học trên tổng thể.
Số sinh viên cao đẳng năm 2015 là 539.614 tăng lên 1.600.000 vào năm 2050, tăng trung bình 6,5% năm, tính từ 2021, đạt tỷ lệ 142 sinh viên cao đẳng/vạn dân vào năm 2050.
Đề xuất 4 loại hình trường: công lập, tư thục, không vì lợi nhuận và quốc tế, tham gia đào tạo sinh viên hệ cao đẳng, đại học.
Cao đẳng chia thành 2 hệ: Hệ liên thông trực tiếp lên đại học và hệ chuyên môn, đồng thời trường cao đẳng có thể kết hợp đào tạo các khóa, lớp và chương trình ngắn hạn cho nhiều loại người học, học suốt đời, theo mô hình đại học 2 năm hay đại học cộng đồng của Mỹ.
Tiến sĩ Trần Đức Cảnh chia sẻ tại Hội thảo. |
Thầy Cảnh đề xuất, cần đầu tư vào công nghệ giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, vì công nghệ đang thay đổi rất nhanh cả phương thức, cách tiếp cận rất nhanh và hiệu quả....
Thảo luận tại Hội thảo, Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đánh giá về đóng góp của giáo dục với GDP như thế nào là rất quan trọng, nếu có số liệu để thuyết phục.
Có thể chúng ta chưa biết đánh giá như thế nào, nên mời các chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu về vấn đề này.
Một trong những việc mà chúng ta làm được, và được Liên hợp quốc khen ngợi là chúng ta làm được xóa nghèo. Việc xóa được nghèo cũng nhờ giáo dục, nhờ quá trình đào tạo.
Chúng ta đề cập đến việc làm thế nào để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thực chất là trình độ lao động của chúng ta phải đạt mức cao hơn, đó vẫn tiếp tục là vai trò của giáo dục và đào tạo.
Theo Giáo sư Trần Diệp Tuấn, với quy chế hiện nay, về lâu dài, chúng ta đang vô tình làm suy yếu hệ thống thống giáo dục công lập, nếu với mức học phí cho phép thu như đại học tư thì chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao lên rất nhiều.
Hiện có những trường công đào tạo rất tốt, nhưng với cơ chế hiện nay, các trường còn gặp nhiều khó khăn.