Sáng ngày 12/5/2023, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”.
Thách thức về chính sách phát triển giáo dục đại học
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến –thành viên Hội đồng cố vấn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, để phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam có hai thách thức lớn là về chính sách và tài chính.
Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, những điểm mạnh trong giáo dục nước ta nói chung, giáo dục đại học nói riêng cho đến nay cũng có nguyên nhân chủ yếu từ nguồn lực chính sách tốt.
Tuy nhiên, nguồn lực chính sách này đang đối diện với hai thách thức trước yêu cầu chuyển đổi giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện, đó là:
Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá chính sách còn bất cập, có tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán của hệ thống văn bản pháp luật; hiệu lực thi hành của các văn bản pháp luật thấp; thiếu cân bằng giữa các nhiệm vụ, giải pháp với các nguồn lực cần thiết để thực hiện; thiếu một cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các Bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về giáo dục nói chung, trong đổi mới giáo dục đại học nói riêng; cơ chế giám sát và đánh giá còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích và lạc hậu về phương pháp.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến trình bày tham luận tại hội thảo sáng ngày 12/5 |
Thứ hai: Trong một thế giới ngày càng biến đổi, bất định và khó lường, gây nên bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì phản ứng chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đại học còn chậm, nếu có thì thiếu sự hỗ trợ của phân tích chuyên sâu.
Có những chính sách mang tính nửa vời như chính sách về các trường đại học mở; lại có những chính sách quy định một đằng, thực hiện một kiểu như các chính sách liên quan đến quy hoạch mạng lưới, phát triển giáo dục đại học tư thục.
Các thách thức về tài chính
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến nói thêm, phát triển giáo dục đại học gặp thách thức về tài chính. Đây cũng là thách thức của hầu hết các hệ thống giáo dục đại học trên thế giới trong mấy thập kỷ gần đây, trước yêu cầu của những động lực mới trong phát triển giáo dục đại học.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì thách thức này đặc biệt gay gắt khi giáo dục đại học phải đáp ứng các yêu cầu cao về đổi mới căn bản và toàn diện trong việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mặc dù theo quy định của pháp luật, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục được đảm bảo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng trên thực tế, ngoại trừ duy nhất năm 2014 là tỷ lệ này đạt 20,2%, còn thì tỷ lệ này có xu thế giảm dần, hiện chỉ đạt 17,5% vào năm 2020 (Theo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, năm 2021).
Phiên thảo luận thứ nhất tại hội thảo do Giáo sư Trình Quang Phú (bên phải) và Giáo sư Hà Thanh Toàn chủ trì |
Trong thách thức chung đó, giáo dục đại học có hai thách thức đáng quan ngại như:
Thứ nhất, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học trong GDP là rất thấp, và cũng đang giảm dần, từ 0,33% của năm 2004 giảm xuống còn 0,24% vào năm 2011 và năm 2015 (Theo World Bank năm 2020).
Thứ hai: Chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam vào loại thấp nhất trên thế giới (0,27%); đây là một tỷ lệ chi cực kỳ thấp, nhất là đối với một nước có khát vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (Theo World Bank, năm 2020).
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ, trong lĩnh vực giáo dục đại học thì hiện nay các cơ sở chia làm 4 loại, đó là: Cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và cơ sở giáo dục đại học do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.
Lộ trình đặt ra là các cơ sở giáo dục đại học phải chuyển dần sang tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư trên cơ sở từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đào tạo, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Nghĩa là theo đúng quy định về nguồn thu tài chính của các cơ sở giáo dục đại học tại điều 64 của Luật Giáo dục đại học năm 2018, thì nguồn thu chủ yếu của các cơ sở giáo dục đại học sẽ là các khoản thu ngoài nguồn ngân sách, nguồn ngân sách Nhà nước cấp chỉ là nếu có.
Đây là thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt khi các cơ sở này đứng trước yêu cầu phải bảo đảm, nâng cao chất lượng với những khoản chi không ngừng gia tăng về đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cải thiện đời sống giảng viên, đầu tư công nghệ và trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất.
Phó Giáo sư Lê Khánh Tuấn |
Cũng đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Khánh Tuấn, Trường Đại học Sài Gòn nói rằng, thu học phí đại học tại Việt Nam rất thấp, không tính đến bù đắp đủ chi phí và không đủ để bù đắp giá dịch vụ.
Có nghĩa là phần thực tế thu không bù đắp đủ chi phí, còn phần thu từ ngân sách nhà nước chỉ một số trường chưa nhận tự chủ tài chính mới có.
Chính phủ cấp hỗ trợ ngân sách cho các trường tùy vào khả năng có bao nhiêu, không theo tiêu chí là để bù đắp chi phí đào tạo. Thu học phí tính theo mức sống của người học và theo vùng, chưa quan tâm học phí được bù đắp bao nhiêu phần chi phí đào tạo. Các khoản thu từ dịch vụ đào tạo của nhà trường, do thiếu cơ chế thông thoáng, nên đạt rất thấp (đáp ứng khoảng 3% tổng chi phí).
Chính phủ khuyến khích các cơ sở trường học tự chủ về tài chính, nhưng cơ chế không đủ đảm bảo để họ tự chủ thực sự; bài toán về giá thành sản phẩm và nghĩa vụ thanh toán tiền hưởng lợi từ sản phẩm chưa được giải quyết một cách rốt ráo.
Mặt khác, do trách nhiệm chi trả từ ngân sách nhà nước thiếu sòng phẳng (có trường được hỗ trợ, có trường không, trường ngoài công lập thì hoàn toàn không được ngân sách nhà nước hỗ trợ) đã tạo ra sự thiếu bình đẳng về điều kiện tài chính trong cạnh tranh giữa các loại trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Phó Giáo sư Lê Khánh Tuấn đưa ra một số khuyến nghị về chính sách tài chính để phát triển giáo dục đại học, như: Tính đủ chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên trên một năm học và xem đây là giá dịch vụ phải đảm bảo để trường đại học hoạt động bình thường; thực hiện nghĩa vụ nộp trả chi phí đào tạo như Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách cho các trường đại học theo số người học; đối với sinh viên thì thay đổi cơ chế học phí để hướng tới bù đắp chi phí đào tạo, vừa giải quyết được các chính sách xã hội của nhà nước.
Sau khi có sự hỗ trợ của nhà nước, phần chi phí đào tạo còn lại người phải nộp phần tiếp theo là sinh viên, thông qua học phí. Tính toán để xác định trách nhiệm đóng góp của người học bằng phương thức học phí. Không phải tất cả người học đều có khả năng đóng góp theo mức quy định, bằng các chính sách xã hội. Chính phủ thực hiện miễn giảm, hỗ trợ chi phí cho những đối tượng khó khăn để họ có thể đóng góp chi phí theo mức chung.
Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu, có nghĩa là người sử dụng lao động cần được quy trách nhiệm trong việc phối hợp, chia sẻ chi phí đào tạo với trường học.
Tại các trường đại học, nhà nước tạo lập cơ chế, môi trường cởi mở để cơ sở giáo dục thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ xã hội có thu khác nhằm bù đắp một phần chi phí.
Hiện nay, khối các trường đào tạo đã từng bước tạo lập được nguồn thu từ các hoạt động này, nhưng tạo ra nguồn thu rất thấp (khoảng 3% nguồn thu), do cơ chế chưa cởi mở và thiếu đồng bộ. Kiến nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ để thực hiện tốt giải pháp này.