Cần Thơ: Đề nghị xem xét cho bậc THPT “tích lũy tín chỉ” theo NQ 88

31/05/2023 06:28
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần Thơ đưa ra nhóm giải pháp điều chỉnh, bổ sung, ban hành chính sách mới đảm bảo sát thực tế: miễn giảm học phí; hỗ trợ HS; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho GDPT.

Thiếu, thừa giáo viên cục bộ, gây khó khăn trong phân công giảng dạy

Vừa qua, Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Trong báo cáo này, Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngành giáo dục thành phố tiếp tục phát triển ổn định.

Một trong những kết quả tích cực được ghi nhận trong báo cáo là: Hầu hết các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn đều có bước chuẩn bị tốt về các điều kiện triển khai; chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.

Đội ngũ giáo viên biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc sử dụng sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học phù hợp với thực tiễn.

Việc bố trí giáo viên phụ trách các môn học tích hợp, hoạt động giáo dục (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương), các môn học mới (Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông) được thực hiện linh hoạt, phù hợp vừa đảm bảo trình độ chuyên môn, năng lực của giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất của từng cơ sở giáo dục vừa đảm bảo thực hiện có hiệu quả kế hoạch giáo dục chung của đơn vị (hiện tại, các cơ sở giáo dục phải thực hiện song song chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Đối với học sinh cấp tiểu học: 100% học sinh lớp 1, lớp 2 hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Một trong những điểm tích cực của Cần Thơ là đội ngũ giáo viên biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cung cấp.

Một trong những điểm tích cực của Cần Thơ là đội ngũ giáo viên biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cung cấp.

Đối với cấp trung học cơ sở: Tỉ lệ học sinh lớp 6 có kết quả học tập từ đạt trở lên chiếm 94,98%; kết quả rèn luyện từ đạt trở lên chiếm 99,97%.

Những kết quả trên đạt được nhờ có hệ thống các văn bản liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, của ngành Giáo dục và Đào tạo và của từng địa phương đã được quán triệt đến cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành; công tác tập huấn bồi dưỡng các mô-đun theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập huấn hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa mới được tổ chức khoa học, bài bản nên giáo viên đã chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học, lựa chọn nội dung dạy học, linh hoạt về thời gian; chất lượng tiết dạy được cải thiện rõ nét, học sinh hình thành và phát triển cả về phẩm chất và năng lực theo đúng định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc:

Tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường ở một số địa phương chưa đạt theo quy định; chưa đảm bảo đủ các phòng chức năng để tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục.

Đội ngũ giáo viên các cấp học ở một số đơn vị đảm bảo quy định về giáo viên/lớp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu, thừa cục bộ vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác phân công giảng dạy, nhất là trong thời điểm đầu mỗi năm học.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên: Diện tích phòng học, phòng chức năng được xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều năm trước đây với các tiêu chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp với các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, về những yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; một số cơ sở giáo dục ở trung tâm thành phố thiếu quỹ đất để xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng.

Ưu tiên nguồn lực cho giáo dục phổ thông, đẩy mạnh xã hội hóa

Từ những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đề xuất các nhóm giải pháp khắc phục để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong những năm tới.

Thứ nhất, nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình và đội ngũ nhà giáo để thực hiện tốt các quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục.

Tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả của các cơ chế chính sách làm căn cứ điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới đảm bảo sát thực tế, đúng quy định pháp luật như: việc miễn giảm học phí; tiếp tục hỗ trợ học sinh; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ hai, nhóm giải pháp về quản lý nhà nước và triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018: Tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các Nghị quyết nhằm thể chế hóa các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư, Đề án... của Trung ương, tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chuản bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động dạy học.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chuẩn bị các điều kiện triển khai và kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục duy trì hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội đồng hành với ngành giáo dục trên mọi phương diện, góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung, hoạt động giáo dục theo yêu cầu đổi mới.

Giờ học của một trường tiểu học tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cung cấp.

Giờ học của một trường tiểu học tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cung cấp.

Thứ ba, nhóm giải pháp về đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất,... cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông (con người, tài chính, cơ sở vật chất): Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đảm bảo chất lượng, hiệu quả; hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục; tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; xác định nhu cầu xây mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, bảo đảm đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, chú trọng các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu đông dân cư, các khu công nghiệp; lập kế hoạch chi tiết cụ thể, thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.

Đề nghị xem xét cho bậc trung học phổ thông “tích lũy tín chỉ” theo Nghị quyết 88

Không chỉ đưa ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những vướng mắc còn tồn tại, Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với Chính phủ: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản để cụ thể hóa các nội dung có liên quan đến vị trí việc làm theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ.

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược phát triển hệ thống giáo dục trong phạm vi cả nước mang tầm nhìn dài hạn; hướng dẫn các địa phương tập trung rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp, sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng tinh gọn, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị công lập, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành các giải pháp, quy định và chính sách phù hợp đẩy mạnh việc tự chủ và xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, nhất là xã hội hóa đối với cấp học mầm non và tiểu học cho phù hợp quy định và tình hình thực tế địa phương; sớm ban hành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện xã hội hóa và cơ chế giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục để giảm tải áp lực về biên chế giáo viên (tại mục 2.2 Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập); hướng dẫn địa phương thực hiện việc sắp xếp lại các trường liên xã để tinh gọn bộ máy, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục (được nêu trong nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường, lướp học giải đoạn 2021-2025; các chế độ chính sách có liên quan đến học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ cho phép các địa phương tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đòa tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và Luật Giáo dục năm 2019.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2025).

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông theo hướng “Ở cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ” theo Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cung cấp.

Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cung cấp.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn rõ ràng và chi tiết hơn về các khâu in ấn, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương theo Luật Xuất bản, Luật Giá và Luật Đấu thầu, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn hiện nay.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; mở rộng về số lượng đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn phí sử dụng sách giáo khoa, tài liệu học tập.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp bản mẫu sách giáo khoa kịp thời và đủ số lượng đến giáo viên, đảm bảo việc lựa chọn sách chất lượng và hiệu quả.

Mộc Trà